(SGTTO) - Hiện thị trường thiết bị ngôi nhà thông minh (smarthome) tại Việt Nam có khá nhiều nhà cung cấp khác nhau về giải pháp lắp đặt cũng như chi phí.
Tùy nhu cầu sử dụng hoặc mức độ đầu tư tài chính, người dùng có thể lựa chọn các giải pháp ngôi nhà thông minh từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng.
Nhiều tiện ích
Từ khi chuyển vào TPHCM sinh sống cách đây 7 năm, anh Huy Tuấn đã mua một căn hộ cao cấp và trang bị giải pháp ngôi nhà thông minh do một doanh nghiệp trong nước lắp đặt.
Vì tính chất công việc phải thường xuyên ngồi phòng thu âm tại nhà riêng, khi nghe tiếng chuông cửa, anh Tuấn chỉ cần lấy chiếc máy tính bảng hoặc điện thoại, truy cập vào mạng kết nối hệ thống giải pháp nhà thông minh để xem ai đến nhà mình – thông qua camera an ninh gắn ở cửa nhà.
Nếu đó là người khách muốn tiếp, anh mới ra mở cửa. Hoặc anh có thể ngồi tại chỗ bấm nút điều khiển cửa mở cho người quen.
Đó chỉ là một trong nhiều tính năng của giải pháp ngôi nhà thông minh mà anh Tuấn đầu tư. Anh nói: “Tôi muốn mỗi khi đi làm về điều hòa đã được bật sẵn, nước nóng trong phòng tắm đã có sẵn để sử dụng ngay. Trước khi về nhà, tôi truy cập vào hệ thống điều khiển ngôi nhà để bật và điều chỉnh những thứ mà tôi thích”.
Theo một số người đã lắp đặt giải pháp ngôi nhà thông minh, các thiết bị không chỉ tạo thuận tiện mà còn cho người dùng cảm giác được... lười biếng, được nghỉ ngơi.
Chẳng hạn, hệ thống điện tự động bật lên khi có người; hệ thống vòi rửa tay cũng tự động bật nước khi có người muốn rửa tay; ngồi một chỗ nhưng có thể kiểm soát việc kéo rèm cửa sổ, tắt bình nước nóng lạnh, bật nhạc...
Sự tiện dụng của ngôi nhà thông minh được cảm nhận rõ nhất khi người chủ điều khiển từ xa, thậm chí khi đang ở nước ngoài.
Không chỉ vận hành các thiết bị đơn lẻ, chủ nhân của ngôi nhà thông minh có thể tạo thành một “kịch bản” với ngữ cảnh cụ thể cho ngôi nhà. Ví dụ, chủ nhà đi ngủ thì toàn bộ rèm cửa kéo lại; điện và ti vi, dàn âm thanh nghe nhạc, bình nóng lạnh nhà tắm được tắt hết; điều hòa để ở nhiệt độ 27 độ...
Như vậy, trước khi đi ngủ chủ nhà chỉ cần truy cập vào ngôi nhà thông minh trên điện thoại và chọn kịch bản “đi ngủ” là các thiết bị sẽ vào chế độ đã chọn. Hoặc khi nhà có khách, khi chủ nhà đi vắng, khi tập thể dục… thì ngôi nhà thông minh đều có “kịch bản” riêng.
Tiền nào của nấy
Theo một số chủ nhà có lắp đặt, một giải pháp ngôi nhà thông minh với nhiều tiện ích cũng tốn chi phí không nhỏ. Trường hợp của anh Tuấn kể trên là khoảng 700 triệu đồng.
Phần lớn chủ nhân của những căn biệt thự, chung cư cao cấp hay chọn đầu tư giải pháp ngôi nhà thông minh trọn gói với nhiều thiết bị khác nhau, có thể điều khiển từ xa.
Thị trường hiện có khá nhiều doanh nghiệp nội, ngoại cung cấp các giải pháp ngôi nhà thông minh. Ngoài giải pháp ngôi nhà thông minh trọn gói còn có các sản phẩm thực chất chỉ là những thiết bị riêng lẻ trong nhà như thiết bị bật tắt điện tự động, vòi rửa tay tự động.
Chúng không phải là một mạng lưới liên kết các thiết bị trong nhà với nhau trong một giải pháp tổng thể, có mức chi phí khoảng vài chục triệu đồng.
Nhược điểm của giải pháp nhà thông minh, theo nhiều người sử dụng là hệ thống sẽ không hoạt động được nếu ngôi nhà bị mất điện.
Lúc đó ngôi nhà với các thiết bị sẽ trở lại trạng thái bình thường, không điều khiển được từ xa qua mạng Internet được nữa. Để đối phó với tình huống này, chủ nhà có thể đầu tư thiết bị lưu trữ điện dự phòng.
Ngoài ra, một số người sử dụng giải pháp ngôi nhà thông minh cho biết về các điểm hạn chế khi vận hành như: thường trong các ngôi nhà hay có hệ thống bật tắt đèn tự động nên đôi khi trong phòng mà có người ngồi im lâu quá đèn cũng tắt. Hoặc có khi chó mèo chạy giỡn đèn cũng sáng, hệ thống an ninh cũng báo động...
Để hạn chế tình trạng này, các chuyên gia cho rằng chủ nhà nên chọn giải pháp ngôi nhà thông minh có tích hợp trí tuệ nhân tạo để phân biệt được đâu là người và chó mèo, từ đó các thiết bị trong ngôi nhà được vận hành tốt hơn.
Hiện nay thị trường cũng cung cấp bộ thiết bị an ninh tích hợp trí tuệ nhân tạo giúp bảo vệ ngôi nhà theo nhiều lớp, từ tường rào, sân vườn, các cửa tới từng phòng ốc theo hướng loại bỏ các hiện tượng cảnh báo sai, nhầm lẫn. Các bộ thiết bị này có giá từ 50 triệu đồng, gồm thiết bị an ninh trung tâm, hàng rào điện tử, các cảm biến, camera ghi hình…
Khi phát hiện chủ nhân quên đóng cửa nhà, nhà có nguy cơ cháy nổ, có sự xâm nhập trái phép, hệ thống sẽ phát đi cảnh báo theo các cấp độ an ninh khác nhau như bật đèn tại khu vực có đột nhập, hú còi báo động, gửi tin nhắn, gọi điện cho chủ nhà.
Bộ giải pháp còn có chế độ nhận diện khuôn mặt và có khả năng tự chuyển chế độ an ninh theo ngữ cảnh.
Theo các chuyên gia, các thiết bị nhà thông minh giá rẻ trên thị trường hiện có rất nhiều nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ mang đến rắc rối cho gia chủ như chất lượng kém, phát hiện, cảnh báo nhầm, gây bất tiện khi nhà có khách, có người lớn tuổi sinh hoạt không theo giờ giấc thông thường. Vì vậy, người có nhu cầu trang bị ngôi nhà thông minh nên tìm hiểu kỹ những ưu điểm cũng như hạn chế, chi phí, cách vận hành ngôi nhà thông minh trước khi quyết định lắp đặt.
Ngôi nhà thông minh được hiểu là ngôi nhà có thiết bị được điều khiển tự động hoặc từ xa thông qua kết nối không dây hoặc Internet. Giải pháp ngôi nhà thông minh gồm hàng loạt các thiết bị thông minh trong ngôi nhà như: vòi rửa tay tự động, thiết bị bật tắt điện thông minh, bảng điều khiển và phần mềm điều khiển ngôi nhà thông minh đi kèm. Đây là giải pháp tổng thể bao gồm các thiết bị phần cứng và các phần mềm được tích hợp trên đó.Các thiết bị phần cứng có thể kể đến thiết bị điều khiển (bảng điều khiển, bộ điều khiển rèm, ổ cắm, thiết bị điều khiển hồng ngoại...); thiết bị cảm biến (ánh sáng, chuyển động, khí gas...); thiết bị an ninh; thiết bị điều khiển trung tâm; hệ thống kiểm soát người ra vào. Hệ thống phần mềm điều khiển ngôi nhà thông minh gồm hệ điều hành, phần mềm điều khiển hoạt động trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng.
Vân Ly