Sau thời gian tiếp nhận một số ca bệnh nhập viện do ngộ độc chất ciguatera và histamine, bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã gửi cảnh báo đến người dân.
- Được chuyên gia xử lý kịp thời, một số người bị ngộ độc cá muối chua "thoát tử"
- Khánh Hòa: Nghi ăn nhầm so biển, 3 thực khách phải nhập viện cấp cứu
- Vụ nghi ngộ độc tập thể, có một học sinh tử vong tại Ischool Nha Trang: chờ kết quả
Qua thông tin chia sẻ trên Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay gần đây bệnh viện có tiếp nhận một số ca bệnh bị ngộ độc ciguatera do dùng hải sản.
Theo bác sĩ, ciguatera là độc tố thường thấy ở một số loài cá biển sống ở rạn san hô, như cá cam, cá vược, cá hồng, cá chình... Ngoài độc tố chính ciguatera, những loài cá này còn có thêm một số độc tố như maitotoxin, scaritoxin, palytoxin, okadaic acid.
Theo đó, người bị ngộ độc độc tố này thường có biểu hiện tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng từ 2-6 giờ sau ăn hoặc trong vòng 24 giờ và thường tự khỏi sau 1-4 ngày. Tuy nhiên, với những người đang có triệu chứng loạn nhịp tim, tụt huyết áp thì tình trạng bệnh diễn biến nặng hơn như viêm ngứa toàn thân, đau cơ khớp, bị liệt hay nặng nhất là trầm cảm, mất trí nhớ, tử vong do suy hô hấp.
Ngoài độc tố này, bác sĩ còn cảnh báo thêm độc tố histamine vốn chỉ xuất hiện khi hải sản không còn tươi sống. Đặc biệt, độc tố này bền vững với nhiệt nên dù nấu chín vẫn có khả năng gây ngộ độc thực phẩm.
Về triệu chứng, người nhiễm độc tố này có biểu hiện đau đầu, đỏ da nửa người, sưng mặt hoặc lưỡi, đau bụng, tiêu chảy và tụt huyết áp. Ngộ độc kéo dài 12-48 giờ nhưng nếu được điều trị sớm thì thuyên giảm nhanh sau vài giờ.
Bác sĩ lưu ý, khi người thân nghi ngờ ngộ độc hải sản thì mọi người cần tẩy độc và sơ cứu. Cụ thể, phương pháp tẩy độc chỉ áp dụng khi nạn nhân còn tỉnh táo, không khó thở, đó là gây nôn, uống than hoạt dạng lỏng. Về cách sơ cứu thì tùy tình huống, như nạn nhân co giật hay hôn mê thì đặt nằm nghiêng sang một bên, tránh để ngã hay va đập. Nếu thở yếu hoặc ngừng thở thì hô hấp nhân tạo theo điều kiện có tại chỗ. Nôn, tiêu chảy mất nước thì cho uống Oresol thay nước theo nhu cầu (khi khát) và nhanh chóng đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất.