Gần đây, ở TPHCM và Hà Nội liên tục xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, ô nhiễm môi trường và cả tính mạng con người. Nguyên nhân, phần lớn xuất phát từ những ngọn lửa nhỏ mà nếu biết cách sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ thì người dân đã có thể kịp thời dập tắt những đám cháy.
Chọn bình chữa cháy cho gia đình
Bình chữa cháy đang trở nên phổ biến với nhiều người khi chúng có mặt tại các công sở, công trường và nhà dân. Thế nhưng, chọn mua và sử dụng bình chữa cháy như thế nào thì không phải ai cũng biết.
Điển hình là trường hợp của bà Nguyễn Thị Minh ở đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh, TPHCM. Hai năm trước bà đã mua hai bình chữa cháy loại 4 kg để ở phòng bếp nhưng mua thì mua chứ vẫn chưa biết cách sử dụng. Theo bà Minh, sở dĩ bà mua bình chữa cháy vì nghĩ rằng ngôi nhà của mình ở trong hẻm nhỏ, nếu chẳng may có xảy ra cháy nổ thì lực lượng phòng cháy chữa cháy rất khó khăn để vào được bên trong để dập lửa nên bà cứ trang bị, chỉ để cảm thấy… yên tâm hơn.
Ông Nguyễn Công Lý, chủ cơ sở Hưng Đạo, chuyên kinh doanh thiết bị phòng cháy chữa cháy trên đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TPHCM cho biết, các loại bình chữa cháy phải được kiểm tra thường xuyên theo quy định của nhà sản xuất để đảm bảo chất lượng, thông thường là khoảng 6 tháng/lần. Do đó, với bình chữa cháy của nhà bà Minh đã hơn hai năm chưa sử dụng cũng như kiểm tra thì chất lượng và hiệu quả chữa cháy của bình có thể bị giảm. Ông Lý cho hay, nhiều trường hợp khách hàng giống như bà Minh là mua bình chữa cháy để trong nhà nhưng lại không rành về cách sử dụng, bảo quản hoặc không thường kiểm tra định kỳ, nên khi có sự cố cháy nổ cũng khó phát huy được hiệu quả.
Theo ông Lý, hiện có hai loại bình chữa cháy xách tay được nhiều cơ quan, công sở, doanh nghiệp và người dân sử dụng là bình chữa cháy CO2 và bình bột chữa cháy.
Bình chữa cháy CO2 là loại bình chữa cháy xách tay bên trong chứa khí CO2 ở nhiệt độ -790C được nén với áp lực cao, dùng để dập tắt các đám cháy nhỏ mới phát sinh như đám cháy chất lỏng, đám cháy thiết bị điện, đám cháy trong phòng kín, buồng hầm. Còn bình bột chữa cháy bên trong có chứa bột khô có khả năng dập tắt đám cháy, thường được ký hiệu là ABC-2, ABC-4, ABC-8 hoặc BC-2, BC-4, BC-8. Trong đó, các chữ cái A, B, C trên bình thể hiện khả năng dập cháy với các đám cháy khác nhau. Cụ thể, A là chữa ở các đám cháy chất rắn như gỗ, vải, bông sợi…; B là chữa ở các đám cháy chất lỏng, nhiêu liệu xăng, dầu, cồn và C là chữa ở các đám cháy chất khí như gas, khí đốt… Bình có ký hiệu là BC thì chữa được cả đám cháy chất lỏng và chất khí. Các số 2, 4, 8 thể hiện trọng lượng bột được nạp trong bình, đơn vị tính bằng ki lô gam.
Ông Lý cho biết thêm, sau nhiều vụ cháy xe ô tô, nhiều chủ xe đã có ý thức trang bị các bình chữa cháy để sẵn trên xe phòng khi xảy ra sự cố. Trên xe ô tô, chủ xe có thể để sẵn bình bột chữa cháy loại 1-2 kg hoặc loại bình chữa cháy mini dành riêng cho loại phương tiện này. Thông thường, các loại bình chữa cháy mini có hình dạng như bình xịt côn trùng với dung tích nhỏ, bên trong chứa hóa chất chữa cháy đặc biệt, có giá dao động trong khoảng 120.000-150.000 đồng/bình.
Phần lớn các loại bình chữa cháy xách tay trên thị trường hiện nay xuất xứ từ Trung Quốc với giá rẻ, hợp với túi tiền của khách hàng, chủ yếu là loại bình bột không có bình khí đẩy riêng mà nạp khí trực tiếp vào bình (bình MFZ). Chẳng hạn, bình chữa cháy CO2 của Trung Quốc có giá khoảng 300.000-600.000 đồng/bình tùy vào trọng lượng khí bên trong. Trong khi đó, các loại bình bột chữ cháy cũng có xuất xứ từ nước này có giá khoảng 150.000-300.000 đồng/bình. Bên cạnh đó, còn một số ít bình chữa cháy khác được các công ty trong nước sản xuất và một số sản phẩm xuất xứ từ châu Âu hay Nhật Bản với giá cao gấp 2-5 lần so với sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc.
Ông Đỗ Quốc Vương, chủ cửa hàng bán thiết bị chữa cháy Quốc Vương ở phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TPHCM cho rằng, khách hàng có xu hướng chọn bình chữa cháy có giá rẻ nhất có thể với tâm lý đối phó mà ít quan tâm đến chất lượng của bình. Nói như vậy không có nghĩa là hàng xuất xứ từ Trung Quốc có chất lượng kém, mà theo ông Vương, muốn lựa chọn được hàng tốt, khách hàng cần đến các cửa hàng có uy tín, kiểm tra kỹ lưỡng chất lượng của bình chữa cháy trước khi mua. Cụ thể, vỏ bình phải còn mới, có niêm phong, không bị rò rỉ, không bị ăn mòn để tránh tình trạng nhiều chủ cơ sở mua lại các vỏ bình cũ sau đó bơm hóa chất rồi tân trang và bán lại cho khách hàng.
Nếu sử dụng bình chữa cháy cho gia đình, ông Vương khuyên khách hàng nên chọn bình chữa cháy CO2 loại 3 kg hoặc 5 kg; hoặc bình bột chữa cháy loại 4 kg vì những trọng lượng này sẽ phù hợp với sức nâng của các thành viên trong nhà. Thông thường, với trọng lượng hóa chất xấp xỉ nhau thì bình chữa cháy CO2 sẽ có giá cao hơn bình bột chữa cháy.
[box type="download"] Cách sử dụng nếu xảy ra sự cố cháy
* Chuyển bình tới địa điểm cháy.
* Lắc, xóc vài lần bình nếu là loại bình MFZ.
* Giật chốt hãm kẹp chì.
* Chọn đầu hướng gió hướng loa phun vào gốc lửa.
* Giữ bình ở khoảng cách 1,5-4 m tùy loại bình với lửa.
* Bóp van để bột, khí CO2 trong bình phun ra.
* Khi phun giữ bình ở tư thế thẳng đứng.
* Khi dập các đám cháy chất lỏng phải phun bao phủ lên bề mặt cháy, tránh phun xục trực tiếp xuống chất lỏng đề phòng chúng bắn ra ngoài, cháy to hơn.
* Khi khí hoặc bột trong bình yếu thì đưa loa phun tiến sát đám lửa và phun qua, phun lại để dập tắt hoàn toàn đám cháy.
(Nguồn: Trang thông tin an toàn sức khỏe môi trường và phòng cháy chữa cháy)[/box]
Bảo quản bình chữa cháy
Ông Nguyễn Công Lý cho biết, theo hướng dẫn của các nhà sản xuất thì nguyên tắc đặt bình chữa cháy trong nhà là đặt ở nơi dễ thấy, dễ lấy và tránh xa tầm tay của trẻ em. Theo đó, bình chữa cháy nên đặt ở góc hành lang, góc bếp và giữ nơi để bình luôn khô ráo, thoáng mát, tránh nhiệt độ cao, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Khoảng sáu tháng một lần, khách hàng nên tự kiểm tra áp suất của bình bột chữa cháy bằng cách kiểm tra đồng hồ gắn trên bình. Nếu kim đồng hồ chỉ vạch đỏ thì nên mang bình đến các cơ sở bình chữa cháy để kiểm tra vì lúc đó bình đã mất áp lực; còn nếu ở vạch xanh thì bình vẫn đang hoạt động tốt. Với bình chữa cháy CO2, người sử dụng có thể tự kiểm tra bằng cách cân bình. Nếu thấy tổng trọng lượng của bình và khí giảm đi 15-20% so với lúc mới mua thì bình có thể đã bị xì khí ra ngoài. Khi đó, cũng nên mang bình đi kiểm tra và nạp thêm khí vào. Cũng vì đặc điểm này mà ông Lý khuyên chủ nhà tuyệt đối không đặt bình chữa cháy CO2 trong phòng ngủ vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Còn ông Vương thì lưu ý, khi khách hàng mua bình chữa cháy nên hỏi nhân viên bán hàng các tính năng của bình, đồng thời đọc kỹ các hướng dẫn sử dụng của từng loại bình, nắm kỹ tính năng tác dụng của từng loại để bố trí dập các đám cháy cho phù hợp. Cũng theo ông Vương, chủ nhà nên để riêng các loại bình chữa cháy đã sử dụng với các loại bình mới để tránh nhầm lẫn nếu xảy ra sự cố cháy.
Tùng Lê