Nằm giữa vùng Trung Đông, Jordania đã từng chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều nền văn minh lớn: Ai Cập, Assyria, Babylon, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã..., nên khi đi du lịch ở nước này, tôi có cảm tưởng như đang rong chơi trong hơn 3.000 năm lịch sử.
Jordania là một nước tương đối nhỏ (chưa đến 90.000 ki lô mét vuông), nên chỉ trong một tuần đoàn chúng tôi (gồm 13 người) đã đi thăm hầu hết những di tích - lắm khi nguy nga và hùng vĩ đến mức không ngờ của vương quốc này như phế đô Petra hay sa mạc Wadi Rum. Vào đầu tháng Mười, khí hậu Jordani rất dễ chịu, nắng đẹp và khô.
Từ các lâu đài trong sa mạc đến thành cổ Kerak
Sớm tinh sương ngày đầu, sau khi đến kinh đô Amman vào xế chiều hôm trước, chúng tôi đi thăm các lâu đài do triều đại Hồi giáo Omeyyad (661-750) xây trong sa mạc cách Amman khoảng 100 ki lô mét về phía Tây Qasr Kharana, Qasr Amra và Qasr Azraq (từng là tổng hành dinh của Thomas Edward Lawrence (1888https://vi.wikipedia.org/wiki/T.E.Lawrence-cite_note-5-1935), nổi tiếng dưới danh hiệu Lawrence of Arabia.
Buổi chiều, chúng tôi đi thăm phế tích thành cổ của kinh đô Amman, được vua Ptolemaios II (gốc Hy Lạp, vị vua này cai trị Ai Cập và vùng lân cận đã bị Alexandre Đại đế chinh phục năm 331 trước Công nguyên (CN)) xây dựng trên một ngọn đồi và đặt tên là Philadelphia; năm 63 trước CN, Hoàng đế Pompée (106-48) sáp nhập nó vào đế quốc La Mã. Từ đền Hercule - xây trên đỉnh đồi dưới triều Hoàng đế Marc Aurèle (161-180) nhưng nay chỉ còn ba trụ đá lớn được trùng tu, ta có một cái nhìn bao quát xuống kinh đô Amman hiện nay trải rộng trên 20 ngọn đồi. Về phía Nam và ở dưới chân thành cổ, còn lưu lại vài công trình kiến trúc La Mã như kịch trường (chứa được đến 6.000 khán giả), nhà hát, nhà tắm...
Ngày thứ hai, chúng tôi đi thăm Jerash (thời La Mã, có tên là Gerasa), một trong mười thành do các tướng lĩnh của Alexandre Đại đế xây vào cuối thế kỷ 4 trước CN ở vùng Bắc Jordani và Nam Syri hiện nay, tức giữa Amman và Damas. Nó đã bị Hoàng đế Pompée chinh phục và sáp nhập vào đế quốc La Mã năm 63 trước CN và từ đó trở thành một kình địch về thương mại với đô thị Hy-La Palmyre nổi tiếng (thuộc Syri hiện nay). Vào thời cực thịnh (thế kỷ 2 và 3), Jerash có đến khoảng 20.000 dân. Bị người Ba Tư rồi người Ảrập cướp phá, rồi bị động đất nhiều lần (trận lớn nhất vào khoảng năm 747), Jerash đã suy tàn hoàn toàn từ thế kỷ 12. Được các nhà khảo cổ Anh và Mỹ khai quật trong những năm 1930, nhưng phải đợi đến những năm 1990 nó mới được nghiên cứu và được trùng tu khá tốt trong khuôn khổ của một chương trình hợp tác quốc tế. Jerash thường được xem như là “Pompei trong sa mạc”.
Các công trình kiến trúc đáng chú ý nhất: Khải hoàn môn Hadrien (được xây ở cổng Nam của thành vào dịp Hoàng đế La Mã Hadrien (76-138) đến thăm Jerash vào năm 129), quảng trường hình bầu dục (có lẽ là “forum” lớn nhất của đế quốc La Mã: 90 mét x 80 mét), hai kịch trường Nam và Bắc (được trùng tu rất tốt), đại lộ Cardo (rộng 12 mét và dài khoảng 800 mét, thời xưa hai bên đại lộ có hai hàng cột đá khá to và cao, có chợ, nhiều đền thờ, nhà tắm...).
Buổi chiều, chúng tôi đi thăm thành cổ Ajlun đồ sộ (cách Jerash 3 ki lô mét), được một tướng lĩnh của Hồi vương Saladin (1138-1193) xây năm 1184 để chống lại thập tự quân châu Âu đồn trú ở hai thành Kerak và Shobak. Vị vua này nổi tiếng về chính trị, quân sự cũng như về nhân cách: dũng cảm, trọng danh dự và công bằng.
Ngày thứ ba, từ Amman chúng tôi đi Petra (cách Amman 246 ki lô mét về phía Nam) bằng “con đường của các vua” (Kings Road) xuyên qua nhiều dãy núi và nhiều thung lũng sâu như Wadi El Mujib. Chúng tôi ghé lại nhà thờ Thánh Georges ở Madaba để xem các tranh ghép bằng sứ trong số đó có bản đồ vẽ rất chính xác vùng Palestine và Hạ Ai Cập vào thế kỷ 5. Sau đó chúng tôi đi đến thăm núi Nebo. Theo thánh kinh Cựu ước, từ đỉnh núi này Moïse đã trầm tư ngắm vùng Đất Hứa.
Buổi chiều, chúng tôi thăm thành cổ Kerak, được thập tự quân châu Âu xây năm 1140 trên đỉnh được san bằng của một ngọn núi đá. Nó chịu ảnh hưởng phong cách kiến trúc không những của châu Âu mà cả của Byzance và Ảrập thời Trung cổ. Như ta biết, từ năm 1095-1172, trong gần hai thế kỷ, vài nước theo Thiên chúa giáo ở châu Âu (Pháp, Anh...) đã tiến hành 12 cuộc thập tự chinh (croisade) để giành lấy Jérusalem và vùng Đất Hứa từ tay triều đại Ảrập theo Hồi giáo Abbaside (750-1258). Chính ở Kerak đã xảy ra những trận công thành long trời lở đất của Hồi vương Aladin năm 1183 (Saladin đã hạ được thành Kerak năm 1189).
Kỳ quan Petra
Chúng tôi dành cả ngày thứ tư để tham quan di tích Petra nổi tiếng đã được Steven Spielberg ghi lại trong vài cảnh tuyệt vời trong phim Indiana Jones và Cuộc thập tự chinh cuối cùng (1989). Phong cảnh hùng vĩ với khoảng 850 công trình kiến trúc đồ sộ, nguy nga và vô cùng độc đáo (những ngôi mộ, đền thờ, nhà ở... được đục vào sa thạch đỏ của các sườn núi), Petra được xem như là “đóa hoa hồng của sa mạc”, được ghi vào danh sách di sản thế giới của UNESCO năm 1985.
Đã có mặt ở vùng Petra vào khoảng đầu thế kỷ 6 trước CN, người Naba đã xây kinh đô Petra của họ trong hai thế kỷ (thế kỷ 1 trước và sau CN) khi vương quốc của họ, chư hầu của đế quốc La Mã, trở thành cực thịnh nhờ nằm trên các con đường buôn bán hương liệu, đồ gia vị và nhiều sản phẩm quý khác giữa vùng Nam bán đảo Ảrập, Ai Cập, Xyri và Địa Trung Hải. Vào thời này dân số của đô thị Petra lên đến 25.000 dân. Năm 106, Vương quốc Naba bị sát nhập vào đế quốc La Mã. Vào khoảng thế kỷ 8, do các con đường thương mại bị thay đổi và do các trận động đất, dân chúng dần rời bỏ Petra, nên từ thế kỷ 12, Petra bị quên lãng hoàn toàn cho đến khi nhà thám hiểm Thụy Sỹ Jean Louis Burckhardt phát hiện ra nó vào năm 1812.
Con đường dẫn vào trung tâm Petra là một hẻm núi dài khoảng 1.250 mét do con suối Siq đào xuyên qua vài ngọn núi sa thạch đỏ khá cao. Hẻm núi này có đoạn chỉ rộng vài mét và cao đến cả trăm mét: thực hùng vĩ vô cùng!
Khi sắp ra khỏi hẻm núi Siq, du khách sẽ thấy hiện ra công trình kiến trúc nổi tiếng nhất của Petra: Khazneh (Kho báu). Được đục vào núi đá đỏ vào khoảng thế kỷ 1 trước CN, nó chịu ảnh hưởng rất rõ nét của phong cách kiến trúc của đô thị Alexandria của Ai Cập, được Alexandre Đại đế bắt đầu xây vào năm 331 trước CN.
Đồ sộ hơn Khazneh (rộng 45 mét và cao 42 mét), công trình kiến trúc tôn giáo Deir được đục vào núi đá vào khoảng giữa thế kỷ 1 sau CN. Để đi đến Deir phải leo hơn 800 bậc đá và mất hơn 45 phút!
Kịch trường của Petra, được người Naba kiến tạo vào đầu thế kỷ 1 sau CN và được người La Mã trùng tu vào khoảng năm 106, có thể chứa được đến 8.500 khán giả.
Ngày thứ năm, chúng tôi đi thăm Beidha, một trong những di chỉ của thời đồ đá mới quan trọng nhất của vùng Trung Đông. Nó được gọi là “Petra nhỏ”, vì cũng có nhiều ngôi mộ đục vào núi đá của người Naba và cũng có phong cảnh rất hùng vĩ.
Sa mạc Wadi Rum
Ngay sau khi đến Wadi Rum vào khoảng ba giờ chiều, chúng tôi liền lên xe Jeep để đi xem vài thắng cảnh chỉ trong khoảng hai giờ; vì đoàn chúng tôi phần đông đều trên dưới tuổi “cổ lai hi”, nên không thực hiện được ý định của vài bạn táo bạo muốn cưỡi lạc đà đi giang hồ vài ngày trong sa mạc rộng 742 ki lô mét vuông.
Nằm ở độ cao giữa 900 và 1.000 mét, Wadi Rum có nhiều ngọn núi đá màu đỏ hay màu vàng đậm (ngọn cao nhất 1.854 mét), những hẻm núi sâu, những vòm đá, vực thẳm và những hang động. Trong tiếng Ảrập, Wadi Rum dường như có nghĩa là “thung lũng với những ngọn núi cao”. Nó được cả thế giới biết đến chủ yếu nhờ những cảnh sa mạc trong nhiều phim nổi tiếng như Hành tinh đỏ (2000) của Antony Hoffman, Prometheus (2012) của Ridley Scott... và nhất là phim Lawrence of Araby (1962) của David Lean. Nhưng mãi đến năm 2011, nó mới được ghi vào danh sách di sản thế giới.
Những dấu tích khảo cổ học cũng như 25.000 hình vẽ và 20.000 chữ khắc vào trong đá chứng tỏ con người đã hiện diện ở Wadi Rum từ hơn 12.000 năm nay và cho phép tìm hiểu về sự hình thành của chữ viết cũng như sự tiến hóa của tư duy và của các sinh hoạt chăn nuôi, nông nghiệp... trong vùng.
Nhờ thời tiết rất thuận lợi khiến trời xanh thẳm và không có đến một gợn mây, chúng tôi đã được chiêm ngưỡng cảnh mặt trời lặn và mọc trong sa mạc.
Biển Chết
Sáng ngày thứ sáu, chúng tôi lên đường đi về hướng Amman và đến khách sạn nằm trên bờ Biển Chết vào buổi chiều. Vì ở vào một vùng rất nóng, nước biển này bốc hơi mỗi ngày gần 10 triệu mét khối nước, khiến cho nó cạn rất nhanh. Hiện nay mực nước của nó thấp hơn mực nước biển đến khoảng 422 mét và nồng độ muối của nó lên đến 27,5%, tức gấp gần mười lần nồng độ muối của các đại dương!
Nguồn nước do sông Jourdain cung cấp cho Biển Chết ngày càng ít đi do phải đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt và phải phục vụ nông nghiệp: Năm 1930, lưu lượng của sông là 1.300 triệu mét khối, vào đầu những năm 2010, nó chỉ còn khoảng từ 200-300 triệu mét khối trong đó khoảng 50% là nước thải. Trong 50 năm qua, mực nước Biển Chết giảm 15 mét và hiện nay giảm 1 mét/năm. Để cứu Biển Chết, một giải pháp đã được đề ra nhưng chưa đạt được sự đồng thuận và nhất là chưa tìm ra nguồn tài trợ: đào một con kênh để dẫn nước của Hồng Hải vào Biển Chết và đồng thời lợi dụng độ chênh hơn 400 mét giữa hai biển này để làm thủy điện.
Vì nước của Biển Chết rất mặn, nên có sức đẩy lên rất lớn. Chúng tôi có được vài giờ để nổi lềnh bềnh trên mặt nước rất ấm. Do bùn ở gần bờ có nhiều thứ kim loại có khả năng chữa các bệnh da liễu, Biển Chết thu hút được nhiều du khách đến tắm bùn. Nghe đâu thời xưa nữ hoàng Ai Cập Cléopâtre (69-30 trước CN) đã đến tắm ở Biển Chết!
Ngày thứ bảy, trước ra sân bay Amman vào buổi tối để về Paris, chúng tôi đi thăm hai thành cổ Hy-La Gadara và Pella do các tướng lĩnh của Alexandre Đại đế xây vào cuối thế kỷ 4 trước CN.
Vì từ sau Thế chiến II, vùng Trung Đông thường bất an (chiến tranh, khủng bố...), nên nhiều người trong đoàn chúng tôi đã khá phân vân khi quyết định tham gia chuyến đi chơi ở Jordani. Nhưng sau đó, tôi đã rất ngạc nhiên và rất hài lòng khi thấy ở nước này khắp nơi đều có vẻ rất thanh bình. Hai kỳ quan Petra và Wadi Rum đã lưu lại trong tôi những ấn tượng và những kỷ niệm sâu sắc khó quên!
Nguyễn Tùng (Paris)
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Xuân ÂL