LÊ ANH -
Theo quy định, tất cả các xe kinh doanh vận tải, từ xe khách, taxi đến xe container đều phải lắp thiết bị giám sát hành trình, gọi nôm na là hộp đen. Việc lắp đặt hộp đen sẽ giúp cơ quan quản lý kiểm soát được hoạt động vận tải; song với người tiêu dùng, ứng dụng công nghệ xem ra thiết thực hơn.
Ứng dụng thay hộp đen
Từ ngày 15-7, tất cả các xe taxi đã lắp hộp đen và xe container sẽ phải truyền dữ liệu bao gồm các thông tin như tốc độ xe chạy, thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của tài xế… về trung tâm thông tin của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Việc này nhằm giúp cơ quan chức năng quản lý được hành trình, thời gian dừng đỗ xe, xe có chở quá tải hay không, kiểm tra các hành vi vi phạm. Đồng thời, các tài xế có thể biết xe mình có chạy quá tốc độ trên các tuyến đường bị hạn chế tốc độ, xác định tọa độ của xe, xe đi vào những vùng nào...
Song, với người tiêu dùng, các ứng dụng công nghệ có vẻ gần gũi với họ hơn là hộp đen, vốn thiên về xử lý hậu quả khi sự cố xảy ra. Sự xuất hiện ứng dụng gọi xe của Uber đã kích hoạt cuộc chạy đua ứng dụng công nghệ của các hãng taxi, và điều này đang mang lại sự thuận tiện cho khách hàng và cả công tác quản lý. Ứng dụng cho phép hành khách có thể tự lựa chọn xe, biết trước quãng đường đi và số tiền phải trả trước khi gọi xe.
Sau Uber, một số hãng taxi tại TPHCM đã trình làng ứng dụng gọi xe trên điện thoại di động. Cụ thể, hồi tháng 4, hãng Vinasun giới thiệu ứng dụng gọi xe Vinasun App, cho phép hành khách sẽ biết trước biển số xe, số tài, tên, hình ảnh tài xế, quãng đường đi và giá cước phải trả trước khi bước lên xe. Hãng taxi có thị phần khá lớn là Mai Linh cũng ra ứng dụng tương tự. Ở góc độ quản lý, khi gọi xe bằng ứng dụng này, tất cả các thông tin về biển số xe, quãng đường đi, số tiền đều được lưu lại, nên hành khách dễ dàng kiểm tra hoặc trong trường hợp để quên đồ trên xe sẽ dễ dàng nhận lại.
Cuối năm ngoái, Sở Giao thông Vận tải TPHCM phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cũng giới thiệu ứng dụng LiveTaxi dùng cho điện thoại di động. Ứng dụng này cung cấp thông tin về hành trình (điểm xuất phát, điểm đến), đơn giá, cước phí phải trả và gửi hóa đơn tính tiền qua tin nhắn điện thoại cho hành khách.
Bên cạnh đó, ứng dụng này còn giúp doanh nghiệp hoặc cơ quan quản lý có thể quản lý các đầu xe taxi, kiểm soát hành trình. Thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp taxi tại TPHCM đã đặt vấn đề: nếu sử dụng LiveTaxi thì có cần thiết phải lắp hộp đen nữa hay không vì các tính năng của ứng dụng này cũng giúp Nhà nước quản lý được các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, ứng dụng LiveTaxi chỉ là công cụ hỗ trợ các hãng taxi tạo sự thuận tiện cho khách hàng. Còn hộp đen thì vẫn phải lắp theo quy định.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, cho biết các ứng dụng mà các hãng taxi đang áp dụng dư sức thay thế hộp đen, vì các dữ liệu đều được lưu lại nên doanh nghiệp và cơ quan quản lý có thể kiểm tra bất cứ lúc nào. “Chúng tôi đã có ý kiến, song cơ quan quản lý lại nghĩ khác. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải lắp đặt song song cả hai công cụ”, ông Hỷ trả lời câu hỏi sao hiệp hội taxi không kiến nghị chỉ sử dụng một công cụ cho đồng bộ. Vị chủ tịch hiệp hội taxi cũng cho biết thêm, ngoài việc lắp đặt các ứng dụng hỗ trợ, hộp đen, các hãng taxi sẽ còn phải lắp thêm thiết bị in hóa đơn cho hành khách theo quy định.
Quản lý ra sao?
Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định các loại xe khách, xe taxi và xe container phải gắn hộp đen, và theo lộ trình xe taxi và xe container phải hoàn thành việc này trước ngày 1-7-2015; xe có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên phải gắn trước ngày 1-1-2016; xe có trọng tải từ 7 tấn đến dưới 10 tấn phải gắn trước ngày 1-7-2016; xe có trọng tải thiết kế từ 3,5 tấn đến dưới 7 tấn phải gắn trước ngày 1-1-2017; xe có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn phải gắn trước ngày 1-7-2018.
Thế nhưng, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp vận tải gần như chỉ gắn cho có để đối phó với sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Ông Khánh, chủ một doanh nghiệp vận tải tại TPHCM, cho biết cơ quan quản lý chỉ căn cứ vào thiết bị giám sát hành trình để kiểm soát thời gian làm việc của tài xế cũng như tốc độ chạy xe là không thực tế vì hiện nay nhiều doanh nghiệp chỉ lắp đối phó rồi ngắt thiết bị đi nên khó mà quản lý được.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng hiện mới có hơn 80.000 xe lắp đặt hộp đen mà công tác theo dõi, quản lý còn không xuể. Sắp tới khi phải quản lý hàng triệu xe thì không biết sẽ ra sao. Theo ông, việc quản lý, giám sát hành trình nên giao lại cho doanh nghiệp vận tải, thay vì cơ quan quản lý ôm đồm như hiện nay. Khi giao cho doanh nghiệp, cơ quan nhà nước sẽ quản lý bằng chế tài nghiêm khắc nếu doanh nghiệp vi phạm.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị về việc quản lý thông qua hộp đen, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết tổng cục đường bộ có hẳn một trung tâm quản lý thông tin trong lĩnh vực vận tải nên có thể theo dõi được những vi phạm của lái xe. Theo thống kê, hiện nay cả nước có 84.000 xe chuyển dữ liệu về Tổng cục Đường bộ với các thông tin về tốc độ xe chạy, thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của tài xế, hành trình xe chạy. Khi được hỏi về biện pháp xử lý những xe không chuyển dữ liệu, ông Quyền cho biết những xe không truyền dữ liệu đầy đủ sẽ bị thu hồi phù hiệu, thu hồi giấy phép kinh doanh.