Khánh Ngân-
Mổ tim được xem là cuộc đại phẫu gây đau đớn và nhiều rủi ro, nên nhiều người lo sợ và trì hoãn mổ tim, khiến bệnh ngày càng nặng. Tuy nhiên, hiện đã có cuộc cách mạng trong y học giúp phẫu thuật tim được tiến hành nhẹ nhàng hơn. Đó là sự ra đời của kỹ thuật phẫu thuật tim nội soi (PTTNS).
Với mổ tim truyền thống, bác sĩ phẫu thuật phải tiến hành chẻ dọc xương ức, và mất ba tháng người bệnh mới có thể quay lại làm việc. Tuy nhiên, với mổ tim nội soi, người bệnh chỉ mất một tuần để trở về sinh hoạt bình thường và chưa đầy một tháng đã quay lại làm việc với hiệu suất như lúc khỏe mạnh.
Người đi tiên phong
Khi được cử sang Pháp học về phẫu thuật tim trong hai năm, trong một lần dự hội thảo y khoa tại nước này, PGS.TS.BS. Nguyễn Hoàng Định, Phó giám đốc Trung tâm tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, nghe báo cáo của một giáo sư Pháp về kỹ thuật PTTNS. Khi ấy, BS. Định luôn bị thôi thúc bởi suy nghĩ: “Làm sao để ứng dụng kỹ thuật này tại Việt Nam?”.
Do đó, hai năm sau, khi trở về nước, trước hàng dài bệnh nhân tim xếp hàng chờ mổ, BS. Định đã ứng dụng những kiến thức về phẫu thuật tim học được ở Pháp. Nhờ những cống hiến, BS. Định trở thành Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM (BV ĐHYD) vào năm 2006 khi mới 36 tuổi.
Tuy nhiên, khi ấy, mổ tim tại Việt Nam vẫn được thực hiện theo phương pháp truyền thống. Việc chẻ dọc xương ức gây đau đớn cho nguời bệnh, và có thể gây biến chứng nhiễm trùng xương ức, xương ức mất vững, lâu lành, thời gian hồi phục chậm. Và, trên hết là tâm lý ngại mổ của rất nhiều bệnh nhân tim, khiến họ bỏ lỡ cơ hội phục hồi sức khỏe.
Trong những năm 2012-2014, BS. Định sang Pháp để tìm hiểu về PTTNS, rồi sang Đức – nơi được xem là trung tâm PTTNS lớn nhất thế giới để xem trực tiếp nhiều ca PTTNS và được các giáo sư, bác sĩ nước ngoài chỉ dẫn.
Sau khi nhận được sự ủng hộ của đồng nghiệp và lãnh đạo BV ĐHYD, vào tháng 6-2014, ca PTTNS đầu tiên được tiến hành với sự hỗ trợ, chỉ dẫn của các giáo sư Đức.
Và, chỉ trong ba năm, BV ĐHYD đã PTTNS thành công hơn 200 ca, đạt tỷ lệ 100%, không có ca tử vong. BS. Định và ê kíp bắt đầu từ những ca đơn giản nhất rồi đến phức tạp, như vừa làm van tim hai lá, van tim động mạch chủ và sửa van ba lá. Thông thường nhiều nơi chỉ xử lý một van, như van hai lá, van động mạch chủ.
Một ca phẫu thuật tim bằng nội soi.
Gạt bỏ tâm lý sợ mổ tim
Bà T., 59 tuổi, ở phường 9, quận Gò Vấp (TPHCM) mắc bệnh tim nhiều năm và được chỉ định phẫu thuật, vì bà thường xuyên mệt mỏi. Nhưng bà cứ chần chừ cho tới khi biết có thể mổ nội soi.
Siêu âm tim cho thấy bà T. bị hở van ba lá khá nặng, tim phải dãn lớn, cần phẫu thuật sửa van ba lá. Tuy nhiên, khi xem phim XQ ngực thẳng và chụp mạch vành, các bác sĩ phát hiện trong tim bà T. có một mảnh dị vật do từng đạp phải mìn chôn dưới đất.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định vẫn sẽ PTTNS để sửa van ba lá và lấy dị vật. PGS.TS. BS. Nguyễn Hoàng Định chia sẻ: “Van ba lá của bệnh nhân T. hở nặng do đứt một số dây chằng của hai trong số ba lá van của van ba lá. Tổn thương van ba lá dạng này ít gặp hơn, sửa chữa phức tạp hơn các trường hợp hở van ba lá xảy ra sau các tổn thương khác của tim”.
Cuối cùng, van ba lá của người bệnh này đã được sửa thành công bằng phương pháp nội soi tim. Dị vật cũng được lấy ra. Chỉ hai ngày sau mổ, bà T. đã đi đứng được và không còn những triệu chứng mệt mỏi của bệnh tim.
Còn bà S., 69 tuổi, ở Đồng Nai, trước là thanh niên xung phong tham gia kháng chiến. Những năm gần đây, bà hay khó thở khi gắng sức, đi khám bệnh thì phát hiện bị hẹp van hai lá nặng, cần phải mổ.
Tuổi già sức yếu, bà S. sợ sẽ không bao giờ tỉnh lại, nên quyết định sống chung với bệnh tật. Tuy nhiên, chồng bà không chịu đầu hàng. Ông được người quen cho biết BV ĐHYD có mổ tim nội soi, nên động viên vợ đi điều trị.
Tại BV ĐHYD, bà S. được chẩn đoán phình động mạch chủ bụng dạng túi. Đây là dạng phình có nguy cơ vỡ cao. Ngoài ra, phẫu thuật phình động mạch chủ bụng là một phẫu thuật phức tạp.
Đầu năm 2017, bà S. được mổ thay van tim nội soi, và xuất viện vài ngày sau ca mổ.
Theo BS. Định, khi mổ hở, người bệnh sẽ phải cưa xương ức, đường mổ kéo từ cổ đến dưới ngực. Riêng với mổ nội soi, sau khi thiết lập tuần hoàn ngoài cơ thể, bác sĩ phẫu thuật sẽ xác định vị trí chính xác và rạch da nhỏ (5 cm) ở vùng ngực bên phải.
Đây sẽ là khu vực thực hiện các thao tác sửa chữa các khiếm khuyết của tim. Đồng thời, một lỗ nhỏ bên thành ngực sẽ giúp camera ghi nhận hình ảnh vùng phẫu thuật trên màn hình. Nhờ đó, người bệnh chỉ có một sẹo nhỏ khoảng 5 cm, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng vết mổ.
Phương pháp này cũng giúp giảm thời gian người bệnh thở máy sau mổ, thời gian điều trị hồi sức và tổng thời gian nằm viện sau mổ, giảm việc truyền máu và các chế phẩm của máu. Theo đó, quá trình điều trị bệnh nhẹ nhàng hơn, thời gian hồi phục nhanh hơn.
Để triển khai được phương pháp mổ tim nội soi, cơ sở y tế phải có trang thiết bị hiện đại, bác sĩ phẫu thuật phải được đào tạo bài bản và có nhiều kinh nghiệm.
Hiện nay, BV ĐHYD đã chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tim và PTTNS cho một số bệnh viện ở TPHCM và các tỉnh miền Tây, miền Trung. Đây thật sự là tin vui cho bệnh nhân tim.
BS. Định cho biết, mặc dù mổ nội soi khắc phục được tồn tại của mổ tim thông thường, có những ưu thế rõ rệt, nhưng không vì vậy mà thay thế hoàn toàn kỹ thuật mổ hở kinh điển.