(SGTT) - Trong 15 ngày tạm mở cửa để phục vụ người dân đi lại trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã đón khoảng 450.000 lượt xe lưu thông và đến 0:00 giờ ngày 11-2, cao tốc này sẽ dừng vận hành.
- Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã có tiền lẻ để phục vụ việc thu phí
- Bản tin ngày 15-1: Tại TPHCM, người mới cấp bằng lái sẽ không được lái xe đi trên cao tốc?
- Tháng 10-2022 khởi công cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc
Thông tin trên tuoitre.vn, ông Cao Văn Hòa, Phó giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc trên cho hay, trong 15 ngày mở cửa (từ 25-1 đến 10-2), cao tốc đã đón khoảng 450.000 lượt xe lưu thông, trung bình khoảng 28.100 lượt xe/ngày đêm.
Theo đó, các phương tiện được phép lưu thông hai chiều, với tốc độ tối đa 80km/giờ, tối thiểu 60km/giờ; thời gian từ 0:00 ngày 25-1 đến 24:00 ngày 10-2. Cụ thể, xe được chạy trên tuyến đoạn từ nút giao Thân Cửu Nghĩa đến nút giao An Thái Trung nối QL1 với QL30. Với xe quá khổ, quá tải, xe container từ 20 feet trở lên, xe đầu kéo rơ-moóc, xe chở vật liệu dễ cháy nổ, người đi bộ, môtô, xe thô sơ, xe máy không được vào cao tốc.
Nhằm đảo bảo an toàn cho người lưu thông bởi cao tốc này chỉ là cho chạy tạm, đơn vị đã bố trí các phương tiện, thiết bị chuyên dụng để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Qua đó, ghi nhận trong 15 ngày tạm mở cửa có tổng cộng 24 vụ va chạm giao thông; kịp thời cứu hộ 99 xe bị hỏng hóc; 249 xe bị nổ lốp và 80 trường hợp xe hết xăng, dầu đều được hỗ trợ và cứu hộ miễn phí.
Được biết, việc cho xe chạy tạm trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dịp tết này nằm trong kế hoạch đã được UBND tỉnh Tiền Giang thông qua trước đó. Còn việc đóng cửa cao tốc từ 0:00 ngày 11-2 nhằm để hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án trước khi đưa vào khai thác chính thức (dự kiến cuối tháng 3-2022).
Thông tin trên báo đài, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km; tuyến đường rộng 16m, gồm bốn làn xe, mỗi chiều được bố trí sáu điểm dừng khẩn cấp (không có làn khẩn cấp), mỗi điểm cách nhau 4-5km, suốt tuyết có 39 cầu trên tuyến và 14 cầu vượt. Ở giai đoạn sau, khi có nguồn kinh phí, cao tốc sẽ có làn khẩn cấp hai bên.
Đáng nói, dự án này đã triển khai từ năm 2009, dự kiến hoàn thành vào năm 2013 nhưng do nhà đầu tư thiếu năng lực nên dự án bị trì trệ tới nay. Sau nhiều lần đổi chủ đầu tư, hiện Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận là chủ đầu tư dự án và Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả là nhà thầu chính. Theo đó, một số tuyến chính đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành các tuyến nối. Tuy nhiên, cho đến nay, cao tốc này muốn đi vào vận hành còn phải phụ thuộc vào việc thu phí hoàn vốn dự án Trung Lương - Mỹ Thuận (hiện không thực hiện được do đề án thu phí tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương vẫn chưa được phê duyệt).
Nếu chính thức đưa vào vận hành, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian di chuyển từ TPHCM tới Mỹ Thuận xuống còn 1 giờ 45 phút thay vì 3 giờ như trước và cao tốc này cũng phần nào giảm tải cho QL1.
Phúc An tổng hợp