Các địa phương ở miền Trung đang tăng cường khắc phục những hậu quả do cơn bão số 5 (có tên quốc tế là Sonca) vừa gây ra để ứng phó với cơn bão số 6 (có tên quốc tế là Nesat). Theo dự báo, bão Nesat sẽ tiến vào biển Đông vào tối nay, 16-10, với sức gió có thể giật cấp 12.
- Người Hội An quay lại họp chợ sau những ngày bão, lụt
- Trận mưa lịch sử khiến Đà Nẵng ngập nặng
- Hội An ngày nước ngập… đến cửa sổ
Tại Quảng Nam, lãnh đạo địa phương này trong chiều 15-10 và sáng 16-10 liên tục phát hành văn bản về việc khắc phục hậu quả bão Sonca và lên kế hoạch ứng phó bão Nesat.
Theo đó, các lực lượng được yêu cầu rà soát các khu vực không đảm bảo an toàn, nhất là khu vực bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Thêm vào đó là bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết…
Tỉnh Quảng Nam cũng nghiêm cấm việc vớt củi, đánh bắt cá trên sông, trên khu vực nước ngập sâu, chảy xiết, tàu thuyền; đò ngang, đò dọc hoạt động trên sông, suối, hồ chứa nước, nơi ngập sâu để chở người, hàng hóa khi có mưa lũ, các hồ thủy điện vận hành điều tiết.
Bên cạnh đó, việc sửa chữa, khắc phục công trình hạ tầng thiết yếu cần được làm nhanh để chủ động ứng phó với các đợt thiên tai mới, nhất là trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, hồ đập bị hư hại.
Sáng nay, văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã có công văn về tập trung khắc phục thiệt hại do bão số 5 và mưa lũ gây ra.
Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai phương án tổ chức dọn dẹp, xử lý vệ sinh môi trường, rác thải cây xanh, hoàn thành trước ngày 17-10-2022.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho hay với diễn biến thời tiết cực đoan như hiện nay, dự kiến sẽ tiếp tục có nhiều trận mưa lớn ảnh hưởng trực tiếp trên địa bàn thành phố.
Vì vậy, để phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống, ứng phó với thiên tai, ông Chinh vừa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị liên quan đề xuất phương án phòng cháy, chữa cháy trên biển và phương án ứng cứu tại chỗ trong những tình huống tương tự như trận mưa lũ vừa qua.
Trong khi đó, theo thông tin từ Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, đơn vị quản lý vận hành hầm Hải Vân nối thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, vào sáng nay giao thông qua hai ống hầm đã trở lại bình thường sau khi được khắc phục xong sạt lở.
Sau hơn một ngày bị tê liệt do sạt lở đường, đoạn đường sắt Bắc Nam giữa Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng cũng đã được thông tuyến vào sáng nay.
Theo ghi nhận, cho đến sáng nay, nhiều địa bàn vùng thấp trũng tại tỉnh Thừa Thiên Huế như các huyện Quảng Điền, Phú Lộc và một số nơi tại trung tâm thành phố Huế vẫn còn ngập sâu, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 37 điểm sạt lở tập trung nhiều nhất ở huyện Phú Lộc, A Lưới và Nam Đông.
Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay việc khắc phục đang được tiến hành nhanh chóng để tránh những thiệt hại nặng hơn khi cơn bão số 6 vào biển Đông kèm theo không khí lạnh từ phía Bắc.
Cụ thể, đoạn Km 901 trên đèo Hải Vân bị sạt lở khoảng 1.000m3 đất đá với chiều dài 60m đã khắc phục một phần, các phương tiện mô tô đã di chuyển được. Bờ biển qua các xã Giang Hải, xã Vinh Mỹ, Vinh Hiền bị xâm thực, xói lở với tổng chiều dài 1,4km, hiện các địa phương phối hợp lực lượng chức năng gia cố tạm thời, ngăn sạt lở thêm.
Nhân Tâm
Theo Kinh tế Sài Gòn Online