(SGTT) – Nếu bạn từng đau đầu vì không biết lập danh sách mua sắm thực phẩm hay lên kế hoạch bữa ăn cả tuần cho gia đình thì công việc này sẽ được trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ với những nội dung khá thú vị.
- Nhà hàng Krasota làm mới bữa ăn bằng trí tuệ nhân tạo
- IBM’s Watson: Săn việc trong thời trí tuệ nhân tạo
Ông Raul Palacios, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Dinh dưỡng tại Đại học Công nghệ Texas (Mỹ), nhận xét những công cụ AI rất giỏi trong việc đáp ứng yêu cầu của bạn, miễn là bạn biết rõ mình muốn gì.
Là một chuyên gia dinh dưỡng, ông Palacios thường xuyên sử dụng các chatbot AI cho nhiều công việc khác nhau. Trong công việc chuyên môn, AI giúp ông đơn giản hóa việc lập kế hoạch bữa ăn. Ở nhà, ông từng chụp ảnh thực phẩm trong tủ đựng đồ và tủ lạnh, tải lên và hỏi: “Dựa trên nguyên liệu tôi có sẵn, tôi có thể nấu gì cho gia đình bốn người?”.

Hay mọi người cũng có thể yêu cầu cụ thể hơn, chẳng hạn “Tôi muốn giảm lượng muối trong chế độ ăn. Có thể thay thế muối bằng gì?”, ông Palacios cho biết, trong trường hợp này, AI thường gợi ý khá tốt, như sử dụng thêm thảo mộc và gia vị thay vì các sản phẩm chứa muối.
Ông cũng từng thử yêu cầu AI điều chỉnh công thức, ví dụ như thêm phong cách Mexico vào món xào chỉ để xem nó sẽ đưa ra ý tưởng gì. Tuy nhiên, theo ông Palacios, để biến gợi ý của AI thành bữa ăn ngon, lành mạnh, mọi người cần hiểu rõ cách sử dụng và lưu ý một số vấn đề quan trọng.
Hiểu giới hạn của AI
Dù AI mang đến nhiều khả năng ấn tượng, ông Palacios vẫn chỉ ra những hạn chế cần lưu ý. Đầu tiên, không nên dùng công cụ AI thông thường để tìm câu trả lời cho điều bạn không hiểu rõ. "Điều này đặc biệt nguy hiểm với người dùng phổ thông, những người thường tìm kiếm sự trợ giúp cho thứ họ không rành", ông nói.
Thứ hai, không nên dùng AI để xin lời khuyên y tế. "Đó không phải mục đích của các công cụ này. Chúng không thể thay thế chuyên gia chăm sóc sức khỏe", ông nhấn mạnh.

Theo một tuyên bố khoa học năm 2024 của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, dù AI và công nghệ học máy cho thấy tiềm năng, nghiên cứu chưa chứng minh chúng đủ cải thiện chăm sóc sức khỏe để áp dụng rộng rãi trong môi trường lâm sàng.
Hay như một nghiên cứu năm 2023 trên tạp chí Nutrition đã thử nghiệm khả năng gợi ý chế độ ăn an toàn với dị ứng của một chatbot AI. Kết quả ban đầu cho thấy các bữa ăn do AI đề xuất khá cân bằng nhưng đơn điệu, đôi khi không chính xác về lượng thực phẩm và giá trị năng lượng, thậm chí có trường hợp không an toàn.
Vì vậy, trừ khi chỉ dùng cho mục đích thông thường, Palacios khuyên mọi người nên tìm đến chuyên gia con người để hiểu rõ nhu cầu của mình.
Cách trò chuyện với AI
Hướng dẫn đưa ra cho AI được gọi là “prompt”, bà Janice MacLeod, Chuyên gia dinh dưỡng tại Glen Burnie, bang Maryland (Mỹ), cho rằng càng cụ thể, mọi người càng nhận được kết quả tốt. Là một nhà tư vấn có kinh nghiệm về chăm sóc bệnh tiểu đường, bà MacLeod hướng dẫn các chuyên gia dinh dưỡng cách thích nghi với AI, bao gồm cách tạo prompt hiệu quả.

“Hãy cung cấp càng nhiều bối cảnh càng tốt. Nói rõ bạn thích gì, không thích gì”. Ví dụ "Tôi muốn bạn đóng vai chuyên gia dinh dưỡng chuyên về tim mạch, lập kế hoạch 7 ngày với khoảng 2.000 calo, 80g protein, ít muối cho tôi và gia đình bốn người".
Dù không thay thế được chuyên gia y tế, yêu cầu AI hành động như một chuyên gia sẽ giúp nó tìm đến nguồn dữ liệu đáng tin cậy hơn, ông Palacios giải thích. Thực tế, nếu không biết sở thích của bạn, AI thông thường sẽ đưa ra kết quả dựa trên xu hướng chung, ví dụ, nếu không cung cấp chi tiết, nó luôn gợi ý bánh mì bơ cho bữa sáng.
Tinh chỉnh kết quả
Ông Palacios cho biết việc đưa prompt là một quá trình gồm nhiều bước. “Lần đầu, AI sẽ cho bạn bản nháp, và thường không tốt ngay. Nhưng bạn có thể tinh chỉnh dựa trên sở thích và lối sống”, ông nói. Các chuyên gia AI gọi đây là “lặp lại”. Sau khi chatbot đưa ra kế hoạch dựa trên nguyên liệu trong nhà, mọi người có thể yêu cầu: “Thứ Ba tôi không thích món đó, đưa thêm 5 lựa chọn khác”, hay “Tôi không muốn nấu đồ ăn sáng mỗi ngày, gợi ý món có thể làm sẵn và hâm nóng bằng lò vi sóng”.

Phiên bản miễn phí của chatbot có trí nhớ hạn chế, nhưng phiên bản trả phí có thể học sở thích của bạn để đưa ra kết quả chính xác hơn, ông Palacios chia sẻ.
Tạo danh sách
Khi đã có kế hoạch bữa ăn, mọi người có thể yêu cầu AI chuyển thành định dạng phù hợp, như danh sách mua sắm. Ông Palacios cho biết điều này thường hiệu quả khi ông thử qua. Tuy nhiên, AI vẫn có hạn chế: “Nó chưa giỏi giữ chi phí trong ngân sách, nhưng có lẽ sẽ sớm cải thiện”, ông cười nói.
Cẩn thận với "ảo giác" của AI
Cả ông Palacios và bà MacLeod đều thấy AI giúp chuyên gia lập kế hoạch bữa ăn nhanh hơn nhiều, biến công việc hằng giờ thành vài giây. Nhưng với chatbot thông thường, "chúng vẫn chưa hoàn toàn chính xác, nên chuyên gia vẫn phải kiểm tra lại", bà MacLeod nói.

Thực tế, ông Palacios thử nghiệm AI cho bữa ăn gia đình hằng ngày và phát hiện khoảng 15% kết quả có lỗi, thường là về dữ liệu lượng nguyên liệu. "Đôi khi nó ghi gam thay vì miligam,” ông kể. Có lần, AI gợi ý bốn muỗng canh muối thay vì muỗng cà phê – "đó là quá nhiều muối!" Với chuyên gia như ông, lỗi này dễ phát hiện, nhưng người khác có thể không như vậy. Vì thế, ông khuyên coi kết quả AI như bản nháp cần chỉnh sửa.
Bắt đầu từ đâu?
Ông Palacios khuyên mọi người xác định công việc tốn nhiều sức lực tinh thần nhất và “yêu cầu AI làm việc đó, rồi xem kết quả.” AI sẽ ngày càng nhanh và tốt hơn, nhưng đừng để nó lấn át trí thông minh của bạn. Ông so sánh: “Như cách chúng ta học việc không tin hết mọi thứ trên mạng, AI cũng đòi hỏi sự nhạy bén đó. Hãy luôn tự nhủ: ‘Để tôi kiểm tra lại, đọc kỹ xem có đúng không’”.
Theo TTXVN