(SGTT) - Theo Forbes, thị trường matcha được dự báo sẽ đạt khoảng 5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2028, tương đương với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 10,39% từ năm 2023 đến 2028. Tuy nhiên, nguồn cung đang trở thành vấn đề đáng lo ngại.
- Hiểu đúng về trào lưu ẩm thực phở bò thố đá
- Bức tranh biển cả thanh bình ở đặc khu Phú Quý
Năm 2024, các nhà sản xuất lớn tại Nhật Bản bắt đầu áp dụng giới hạn mua đối với bột matcha xay mịn khiến tình trạng khan hiếm lan rộng tại các quán cà phê và cửa hàng trên khắp cả nước. Do chỉ thu hoạch một lần mỗi năm và quy trình sản xuất phức tạp, nguồn cung matcha càng bị thắt chặt trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu tăng vọt, đặc biệt ở châu Âu, Mỹ và Úc. Trong khi tiêu thụ nội địa đang giảm, Nhật Bản lại xuất khẩu hơn một nửa lượng trà sản xuất được.
Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, nước này đã sản xuất 4.176 tấn matcha vào năm 2023, gần gấp ba lần sản lượng năm 2010. Nhằm khai thác tiềm năng thương mại ngày càng tăng, chính phủ Nhật Bản lên kế hoạch khuyến khích người trồng chuyển từ trà lá truyền thống, hoặc sencha, sang sản xuất nhiều tencha hơn, loại được dùng để nghiền thành matcha.

Tuy nhiên, số liệu cho thấy số lượng nông dân giảm mạnh từ 53.000 năm 2000 xuống còn hơn 12.000 vào năm 2020. Sự bùng nổ matcha bắt đầu trong đại dịch, khi người tiêu dùng tìm kiếm các lựa chọn đồ uống lành mạnh. Theo Fumi Ueki, giám đốc Leaf Brand Group, dường như người ta uống matcha không chỉ vì vị ngon mà còn vì họ kỳ vọng nó có lợi cho sức khỏe. Nếu lợi ích sức khỏe của matcha được truyền bá rộng rãi, nhu cầu toàn cầu về matcha sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Chính mạng xã hội cũng góp phần trong sự bùng nổ này. Nhiều thương hiệu trở nên "cháy hàng" sau khi trở nên nổi tiếng trên nền tảng TikTok. Tại một cửa hàng ở Sydney, doanh số matcha đã tăng 250% chỉ trong sáu tháng.
Mặc dù hiện tại, phần lớn loại matcha thiếu hụt là loại dùng để pha chế matcha latte nhưng khi chia sẻ với The Guardian, chuyên gia trà Cara Chen cho biết trong thời gian sắp tới, các loại matcha cao cấp hoặc thấp hơn, không phải sản phẩm hữu cơ cũng có thể bị ảnh hưởng.
Tại thị trấn Uji, cái nôi của matcha và ngành trà, đang chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ. Các lớp học trải nghiệm matcha tại Chazuna luôn kín chỗ với khoảng 90% khách là người nước ngoài. Matcha cũng được biến tấu trong ẩm thực như gyoza, takoyaki và ramen, phục vụ khách du lịch đến Nhật.
Theo Hiệp hội Trà Nhật Bản Toàn cầu, cơn sốt matcha có bền vững hay chỉ là một xu hướng nhất thời vẫn còn là điều chưa chắc chắn.
Theo Forbes, The Guardian, Food&Wine