Hoàng Nhung
Ngày 15-3 tới đây, quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn phải chờ thông tư hướng dẫn. Trong khi đó, thực tế vẫn đang diễn ra khá sôi nổi những giao dịch “mang thai hộ”, “mang thai giùm bạn” cũng như nhiều người thụ tinh trong ống nghiệm có nhu cầu về dịch vụ mang thai hộ.
Ùn ùn xin mang thai hộ
Tại phía Nam, Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) là đơn vị duy nhất được Bộ Y tế chọn thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ. Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó giám đốc bệnh viện này, cho biết nhiều người đang thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm trữ phôi, “một ngày đẹp trời” đến bệnh viện và muốn chuyển sang nhờ người mang thai hộ. “Có những người còn đến nằm vạ đòi mang thai hộ, bác sĩ phải năn nỉ ỉ ôi, mang luật ra giải thích, nhiều khi muốn cáu mà không cáu được vì họ cũng quẫn quá”, bà Tuyết nói.
Cũng theo bà Tuyết, số người thực sự đủ điều kiện đến xin được mang thai hộ không nhiều, trung bình mỗi năm chỉ khoảng 10 trường hợp; trong khi số người có tâm lý không thích mang thai và những người vẫn còn khả năng mang thai từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm và các phương pháp khác lại có nhu cầu nhờ người mang thai hộ nhiều hơn. Bà liên tục nhận những cú điện thoại đến yêu cầu được nhờ người khác mang thai hộ vì không muốn mang thai. Có nhiều người, mới lần đầu thụ tinh trong ống nghiệm không thành công, cũng vì khao khát có con, nên đã năn nỉ bác sĩ được nhờ người mang thai hộ.
Bà Tuyết cho rằng, nhiều người không hiểu về luật mang thai hộ, họ cứ thích làm theo ý mình, nghĩ rằng muốn thì cứ làm. Bà nói mang thai hộ nhân đạo phải được bác sĩ chỉ định, khi đủ tất cả mọi điều kiện về sinh lý lẫn pháp lý, chứ không phải cứ ùn ùn đến xin được mang thai hộ.
[box type="bio"] Lên mạng cho thuê... bụng
Trên một trang mạng về phụ nữ khá có tiếng, một chủ đề “Hội những người cần mang thai hộ” cũng được lập ra. Tại đây, có người chia sẻ, “em đang làm việc tại Hà Nội, 30 tuổi, là mẹ đơn thân. Do hoàn cảnh gia đình làm ăn bị lừa phá sản, em đang phải gánh khoản nợ lớn. Em thật tâm muốn mang thai cho mẹ nào có nhu cầu thực sự, số điện thoại là...”. Một người khác cũng rao, “mình ở Sài Gòn, 30 tuổi, đã có con, vì hoàn cảnh nên mình muốn cho trứng hoặc mang thai hộ. Mình cao 1,63 m, sức khỏe tốt. Ai thực sự cần thì liên lạc qua địa chỉ email...”.
Trước những lời rao trên, cũng có nhiều người vào trao đổi và hẹn gặp, cho thấy vẫn có những nhu cầu cả “mua” lẫn “bán”.[/box]
Quy định vẫn nhiều chỗ vướng
Tại Bệnh viện Từ Dũ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết cho biết đến nay đã có bốn hồ sơ đủ kiều kiện xét về mặt chuyên môn, kỹ thuật để nhờ mang thai hộ. Trong đó, có một hồ sơ bệnh nhân bị dị tật bẩm sinh, không có tử cung; một trường hợp bị ung thư cổ tử cung; hai trường hợp còn lại có nội mạc tử cung bị mỏng. Và như vậy, những trường hợp này không thể mang thai được, mặc dù đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản. Họ phải có hồ sơ bệnh án, chỉ định mang thai hộ để tránh trường hợp những người có thể mang thai được nhưng không muốn mang thai, sợ ảnh hưởng sức khỏe. “Bệnh viện Từ Dũ hiện có khả năng thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, trung bình 2.000-2.500 ca mỗi năm. Như vậy, bệnh viện cũng có khả năng cho thực hiện mang thai hộ với số lượng ca tương tự mỗi năm”, bà Tuyết nói.
Để ngăn ngừa việc thương mại hóa trong vấn đề mang thai hộ, luật quy định, cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ phải được Hội đồng khoa học thẩm định và quyết định cho mang thai hộ. Điều này tránh được hiện tượng thông đồng giữa người nhờ mang thai hộ với thầy thuốc. Bên cạnh đó, điều quan trọng hơn là người mang thai hộ phải là người có quan hệ họ hàng cùng hàng với người nhờ mang thai hộ. Tuy nhiên, theo bác sĩ Tuyết, hiện hồ sơ để tiến tới mang thai hộ còn vướng nhiều quy định như tư vấn tâm lý, pháp luật đến nay vẫn chưa biết cơ quan nào tư vấn. Hiện bệnh viện Từ Dũ đang liên hệ với các tổ chức và mời họ tư vấn cho các bệnh nhân. Nếu để bệnh nhân tự đi làm thì sẽ khó khăn rất nhiều.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, bà Tuyết nói rằng việc xác minh người mang thai hộ là họ hàng, luật mang thai hộ quy định chưa rõ cũng đang là vấn đề mà Bộ Y tế đang vướng. Ai sẽ là người xác định người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ có quan hệ họ hàng cùng hàng. Việc này để công an, chính quyền địa phương nơi người nhờ mang thai hộ hay người mang thai hộ xác định vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Để công an hay chính quyền địa phương xác nhận họ hàng giữa người mang thai hộ và nhờ mang thai hộ thật sự là một việc làm rất khó.
Nhiều khi, người nhờ mang thai hộ nhờ một người mang thai hộ ở khá xa thì công an hay chính quyền địa phương của cả người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ không biết chính xác quan hệ nhân thân của hai người này để xác định có quan hệ họ hàng hay không. Điều này vô tình đẩy bài toán khó cho người bệnh, họ vốn không thể sinh con được, phải nhờ người khác mang thai hộ, tốn kém tiền bạc mà bị thủ tục hành chính gây khó khăn. “Chỉ cần giữa người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về mối quan hệ họ hàng giữa hai người là đủ”, bà Tuyết nêu ý kiến.
Còn vài ngày nữa là luật có hiệu lực nhưng vì chưa có thông tư hướng dẫn nên khi bệnh nhân tới bệnh viện sẽ tiếp nhận khám và làm các thủ tục. “Hồ sơ cứ làm nhưng phải tiếp tục chờ đợi”, bà Tuyết nói.