(SGTT) - Họ là những người trẻ, nhiệt huyết và có đam mê mãnh liệt với những sản phẩm truyền thống chất lượng cao của quê hương, mong muốn đem giới thiệu chúng đến bạn bè quốc tế dù cuộc hành trình này không dễ dàng gì.
Bột rau má Việt tới Hà Lan
Là cử nhân tài chính nhưng chị Nguyễn Ngọc Hương, một cô gái trẻ ở Củ Chi, TPHCM, đã quyết định rẽ hướng và khởi nghiệp với việc sản xuất bột rau sấy lạnh. Lý do là, rau vốn cần thiết cho con người nhưng không phải ở đâu cũng có thể trồng được rau.
Cô gái người Thanh Hóa này thành lập Công ty TNHH Thiên Nhiên Việt từ năm 2016, chuyên sấy lạnh sáu loại bột rau gồm rau má, tía tô, diếp cá, chùm ngây, lá sen và trà xanh. Chị Hương tâm sự, phải mất một năm để công ty xây dựng vùng nguyên liệu tại tỉnh Tiền Giang và huyện Củ Chi (TPHCM). Hiện mỗi tháng, công ty dùng 60 tấn rau để làm bột sấy lạnh.
Một sản phẩm được nhiều người biết đến của Thiên Nhiên Việt đó là bột rau má sấy lạnh Quảng Thanh. Loại bột rau này, cùng bột rau tía tô, trà xanh với khối lượng 60 tấn đã lên đường xuất khẩu sang Hà Lan thành công vào đầu tháng 11-2019, chấm dứt việc xuất khẩu rau lá thô đóng bao như trước đây.
“Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ chứng nhận tiêu chuẩn mới được thương mại hóa. Đồng thời, sản phẩm cần có mẫu mã bao bì đẹp mắt và bảo đảm chất lượng”, chị Hương cho biết.
Ngoài việc tuân thủ các quy định về mẫu mã và chất lượng hàng, khi làm việc với đối tác nước ngoài cần có sự thỏa thuận về những chi phí phát sinh liên quan đến logistics, phí tàu… nhằm tránh tình trạng xuất khẩu một lô hàng nhưng không có lời vì nhiều chi phí phát sinh.
Gáo dừa Việt tới Mỹ, Nhật
Những chiếc gáo dừa qua tay những người thợ của Viet Lacquer Interior trở thành những vật dụng xinh xắn, đủ màu sắc. Điều đặc biệt là các sản phẩm mang thương hiệu Việt này đã “bay tới” châu Âu, châu Mỹ, Nhật và Israel.
Anh Đinh Ngọc Anh, nhà sáng lập Viet Lacquer Interior, cho biết đó đều là những thị trường khó tính, đòi hỏi sản phẩm được thiết kế tỉ mỉ, công phu. Hiện Viet Lacquer Interior đã liên doanh với một số nhà máy sản xuất trong nước có đủ điều kiện để làm ra những sản phẩm đúng chuẩn xuất khẩu cho các thị trường khó tính đó. Theo anh Ngọc Anh, đa số doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khi các doanh nghiệp đối tác nhập khẩu hàng thường đưa ra những điều kiện khắt khe. Chỉ cần một chút sơ suất nhỏ thì ngay lập tức bị hủy đơn hàng, bị mất khách đó. Vì vậy, việc đầu tư vào sản phẩm, liên kết với các nhà máy lớn là một trong những yếu tố cần thiết để đưa sản phẩm đi xa mà ổn định.
Phồng tôm, phở ngao du thế giới
Các sản phẩm như bánh phồng tôm, bánh tráng, phở của Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi (Đồng Tháp) với thương hiệu Bích Chi đã có mặt ở hàng chục quốc gia châu Âu và châu Á. Ông Phạm Thanh Bình, Tổng giám đốc Bích Chi, nói: “Xuất khẩu khó nhất vẫn là vào các thị trường như Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác. Nhà sản xuất phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định – hàng rào kỹ thuật – bảo đảm chất lượng cho đối tác”, ông Bình chia sẻ.
Ngoài các sản phẩm trên, Bích Chi còn sản xuất nhiều loại sản phẩm bán trong nước như bột gạo lứt, hủ tiếu bột lọc, bột đậu các loại, cháo gạo lứt muối mè, bột mè đen, bột năm thứ đậu… để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Khôi Nguyên