Chủ Nhật, Tháng mười một 17, 2024

Ma trận dịch vụ thiết kế ứng dụng di động

(SGTT) - Gõ trên Google từ khóa “dịch vụ thiết kế ứng dụng di động” sẽ có khoảng 99.000.000 kết quả trả về với hàng loạt dịch vụ của các công ty thiết kế với nhiều mức giá khác nhau. Nếu dựa vào thông tin từ những mẫu quảng cáo, bạn sẽ cảm thấy rối mù vì không biết đâu là thật và đáng tin cậy.

Lướt qua thông tin trên các trang web của các nhà thiết kế ứng dụng di động (mobile app), bạn như lạc vào một ma trận với những lời quảng cáo quá hấp dẫn cho những ai muốn kinh doanh lĩnh vực này. Khách hàng thường là người “nghiệp dư” nên không biết đâu mà lần.

Dịch vụ “nhanh, tiện, rẻ”

“Chúng tôi là công ty thiết kế ứng dụng hàng đầu được các tập đoàn lớn tín nhiệm”; “… luôn mong muốn mang lại dịch vụ thiết kế mobile app chuyên nghiệp, chất lượng nhất, giá tốt nhất với hệ thống có hơn 500 khách hàng thiết kế mới và hiện có hơn 800 app đang sử dụng dịch vụ”; “Nhanh, tiện, rẻ. Chỉ cần ba bước đơn giản…”.

Những nội dung quảng cáo nói trên của các công ty thiết kế ứng dụng theo yêu cầu (app on demand) trên mạng đều hướng đến một thông điệp là muốn sở hữu một ứng dụng di động để kinh doanh bây giờ rất dễ, rất nhanh và rất… rẻ. Nhưng đó chỉ là lời quảng cáo.

Dường như không có biểu giá thống nhất chung cho thị trường làm phần mềm ứng dụng di động này. Mỗi công ty thiết kế chào một mức giá khác nhau, ví dụ cho ứng dụng bán hàng trực tuyến là từ trên 10 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng và người không rành kỹ thuật sẽ không biết dựa vào đâu để tìm giá hợp lý. Thông thường các ứng dụng được thiết kế với giá thấp sẽ được “sửa” lại từ kho ứng dụng đã có sẵn. Nếu khách hàng có thêm các yêu cầu thì mức giá có thể cao hơn từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, thậm chí vài tỉ đồng cũng có.

Tìm hiểu kỹ trước khi đặt mua

Theo ông Trần Hoàng Nam, Giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ N.A.M, sự rối loạn của thị trường thiết kế ứng dụng di động cũng là điều gây đau đầu cho các doanh nghiệp thiết kế trong lĩnh vực này, bởi vì khách hàng thường có khuynh hướng sẽ “chê” các dịch vụ giá cao và dễ tìm đến các dịch vụ giá rẻ hơn.

Để đánh giá được chất lượng dịch vụ của nhà thiết kế ứng dụng di động, khách hàng cần tìm hiểu về quy trình xây dựng phần mềm cơ bản để nắm rõ tại sao công ty này thiết kế chỉ với 10 triệu đồng nhưng các công ty khác lại báo giá cả trăm triệu đồng trở lên.

Có thể hiểu một cách sơ lược như sau: Quy trình xây dựng ứng dụng di động phổ biến hiện nay mà phần lớn công ty sử dụng là phương pháp Agile. Mục tiêu của Agile là giúp cho dự án có thể được tung ra đúng tiến độ và đáp ứng tốt nhất đối với phản hồi của thị trường.

Phương pháp Agile chia toàn bộ dự án ra từng giai đoạn (Sprint). Mỗi giai đoạn kéo dài hai tuần lễ. Trong mỗi giai đoạn sẽ đưa ra những tính năng cơ bản mà người dùng có thể thử nghiệm và trải nghiệm, thu thập sự phản hồi của người dùng, từ đó được sửa cũng như cập nhật trong giai đoạn kế tiếp, chứ không đợi hoàn thành dự án mới thay đổi.

Đối với phương pháp Agile, công ty thiết kế thường dùng quy trình phát triển hướng kiểm thử TDD – một phương pháp cải tiến để phát triển phần mềm. Khi dùng quy trình TDD, người quản lý có thể nắm được toàn bộ chức năng cũng như phần cốt lõi bên dưới mà lập trình viên xây dựng.

Trên thực tế, việc dùng quy trình Agile và TDD là theo chuẩn của nước ngoài. Nếu không áp dụng theo quy trình này thì thời gian thiết kế ứng dụng rất nhanh. Chỉ cần thiết kế xong là hoàn thành dự án. Tuy nhiên, phần mềm sẽ không có khả năng mở rộng và cũng như không thể thay đổi sau một năm xây dựng. Phần lớn công ty thiết kế với giá rẻ sẽ không theo quy trình này.

Ngoài ra, người dùng cũng phải tìm hiểu các dạng ứng dụng di động mà công ty thiết kế sẽ thực hiện. Có bốn dạng ứng dụng di động phổ biến: Native App, Hybrid App, Drap&Drop App và ReadyBuild. Mỗi dạng này sẽ có ưu và nhược điểm của nó, theo đó giá thiết kế cho mỗi dạng cũng sẽ khác nhau.

Cũng theo ông Trần Hoàng Nam, hiện nay, Hybrid app được xem là giải pháp tốt nhất vì được tối ưu hóa và làm được tất cả mọi thứ. Những công ty nước ngoài vẫn ưu tiên chọn NativeApp vì có thể can thiệp được phần cứng mạnh mẽ hơn. Doanh nghiệp nên suy nghĩ cẩn trọng trước khi chọn thiết kế theo dạng ứng dụng nào.

4 dạng ứng dụng di động phổ biến hiện nay
Native App: Dùng ngôn ngữ lập trình riêng của từng dòng máy để phát triển ứng dụng. Phổ biến là Google Play (Google) và iOS (Apple). Ưu điểm là giúp phần mềm chạy mượt êm và tối ưu hóa được khả năng xử lý của CPU trên điện thoại. Khuyết điểm là phải xây dựng code riêng biệt cho hai hệ điều hành, thời gian thiết kế kéo dài. Không áp dụng phương pháp Agile và TDD thì có mức giá 75.000 - 150.000 đô la, có dùng Agile và TDD là 200.000 - 500.000 đô la.
Hybrid App: Dùng ngôn ngữ lập trình của một bên thứ 3 để chuyển đổi thành ứng dụng. Các nhà cung cấp như Flutter (Google), ReactNative (Facebook), Ionic, Framework 7, PhoneGap. Ưu điểm: phần mềm dùng cho cả Android và iOS giúp tiết kiệm thời gian xây dựng. Khuyết điểm: cần phải có kỹ năng xử lý dữ liệu tốt nếu không sẽ làm nóng máy cũng như tốn pin khi sử dụng. Mức giá tương ứng cho cách không dùng và dùng Agile và TDD là 30.000 - 60.000 đô la và 80.000 - 200.000 đô la.
Drap&Drop App: Chỉ dùng công cụ xây dựng sẵn để kéo thả và có thể xây dựng ứng dụng mà không cần kiến thức lập trình, có chi phí thấp. Khuyết điểm: bị hạn chế về chức năng, chỉ làm được những chức năng mà nhà cung cấp thiết kế sẵn và không tối ưu hoá được cấu hình điện thoại. Chi phí xây dựng thường là 2.000 - 10.000 đô la.
ReadyBuild App: Dùng ứng dụng của một công ty đã xây dựng sẵn, có thể sử dụng nhiều lần cho nhiều khách hàng khác nhau. Ưu điểm: chi phí rất thấp. Khuyết điểm: bị giới hạn về mức độ mở rộng, ai cũng xài được nên dữ liệu của khách hàng sẽ không được bảo mật. Chi phí xây dựng thường sẽ là 500 đô la.

Nguyễn Tùng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Một nhà bán hàng B2B Việt được Alibaba.com tôn vinh

0
(SGTT) - Bà Xuân Hải Yến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Proline được Alibaba.com vinh danh là nhà...

Vì sao độ nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP vẫn...

0
(SGTT) - Các sàn thương mại điện tử đang hỗ trợ người bán sản phẩm OCOP đẩy mạnh bán nông sản, cộng thêm vào...

ShopeePay bị Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử...

0
(SGTT) - Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ShopeePay do không...

Vì sao Temu tới Việt Nam?

0
(SGTT) - Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam ước đạt 14,7 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024, trong đó, sản...

Temu và lỗ hổng quảng cáo

0
(SGTT) - Luật Quảng cáo hiện hành quy định rõ tại điều 20 về điều kiện quảng cáo: “Quảng cáo về hoạt động kinh...

Nhà sản xuất nhỏ ‘liêu xiêu’ trước làn sóng hàng giá...

0
(SGTT) - Các cơ sở gia công sản xuất tiêu dùng trong nước ngày càng bị đuối sức và “thoi thóp” trước làn sóng...

Kết nối