(SGTT) - Luật Đường bộ 2024 tạo hành lang pháp lý để đạt được mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000 km đường cao tốc. Luật cho phép thu phí đối với các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
- Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau chính thức được sử dụng cát biển đắp nền đường
- Lựa chọn được nhà đầu tư nhiều trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông
Luật Đường bộ 2024 vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 gồm ba chính sách: kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đường bộ cao tốc; tổ chức vận tải đường bộ, theo TTXVN.
Luật Đường bộ 2024 dành riêng một chương quy định về cơ chế chính sách cho đường cao tốc, tháo gỡ các vướng mắc trong việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách để nâng cấp các tuyến cao tốc trong giai đoạn phân kỳ theo quy mô quy hoạch, tạo hành lang pháp lý để đạt được mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000 km đường cao tốc.
Bên cạnh đó, Luật cho phép thu phí đối với xe lưu thông trên các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, quản lý khai thác.
Luật Đường bộ 2024 cũng yêu cầu khi đầu tư xây dựng đường cao tốc phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, triển khai đầu tư đồng bộ các công trình phụ trợ như hệ thống giao thông thông minh, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe.
Cục Đường bộ Việt Nam đang nghiên cứu trình các văn bản quy phạm pháp luật gồm 7 Nghị định và 10 thông tư hướng dẫn để kịp mốc thời gian khi Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực toàn bộ từ ngày 1-1-2025.