(SGTT) - Thấu hiểu được những khó khăn của trẻ em nghèo “khát” chữ, Anh Huỳnh Quang Khải (28 tuổi) đã mở lớp học miễn phí dạy trẻ em nghèo ở phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM.
- Lớp học online miễn phí cho những mảnh đời kém may mắn mùa dịch
- Thầy giáo trẻ và lớp học tiếng Anh cho bà con làm du lịch ở Cồn Sơn
- Gieo chữ cho trẻ nghèo
Không có tiếng chuông báo hiệu vào lớp hay tiếng trống trường rộn rã, lớp học của anh Khải chỉ có tiếng ê a đồng thanh của những trẻ em nghèo. Từ ngày lớp học đi vào hoạt động, nơi đây đã mở ra tương lai sáng sủa cho con em của những công nhân nghèo từ quê lên thành phố lập nghiệp.
Từng là ca sĩ hát lót, thu nhập 70.000 đồng/bài
Xuất thân từ gia đình nghèo ở quận 12, anh Khải nhận thức rõ tầm quan trọng của con chữ cũng như khao khát học tập của những trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Khi còn là một cậu thanh niên, anh từng đi hát lót cho ca sĩ với thu nhập 70.000 đồng/bài. Sau tốt nghiệp đại học, anh chọn nghề hướng dẫn viên du lịch nhưng công việc lại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Khi được hỏi về cái tên Ngọc Việt mà anh đặt cho lớp học, anh cười và đáp “Việt là tên lót của tôi, còn Ngọc là sự trân trọng của tôi khi nói về các em. Tôi mong rằng các bé sau này sẽ có tương lai sáng sủa như những viên ngọc”.
Nhắc về cột mốc mở lớp, anh cho hay thời điểm đó là năm 2008, khi anh chính thức dạy chữ cho một số trẻ nhỏ trong khu phố. Về sau, lớp học dần đông lên bởi sự truyền miệng từ phụ huynh cũng như chính các em.
“Vì gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên cháu tôi đã lớn vẫn chưa đi học. May sao có thầy Khải, giờ đây cháu đã được đi học. Sau này, chỉ mong cháu biết chữ, biết viết tên của mình, tôi rất biết ơn thầy”, bà Nguyễn Thị Hạnh, ngụ quận 12 chia sẻ.
Năm 2013, do tính chất công việc bận rộn nên anh tạm dừng lớp học một thời gian. Nhưng lúc ấy học trò và phụ huynh tìm đến anh để mong lớp học duy trì cho con cháu họ biết mặt chữ. Lúc ấy, anh cùng vợ suy nghĩ và gom góp tiền mua thêm bàn, ghế, tủ sách rồi tận dụng chính một phần không gian nhà để làm lớp học.
Duy trì căn tin 0 đồng cho học sinh bữa cơm no
Tính đến hiện tại, anh Khải đã có gần 14 năm gắn bó với nghề dạy chữ. Một trong những động lực để anh tiếp tục làm việc tốt là do người vợ luôn ủng hộ. Anh và vợ gần như dùng hơn nửa thời gian của mình để xây dựng và duy trì lớp học. Lớp học Ngọc Việt lúc nào cũng tràn ngập tình thương của vợ chồng anh và những bạn cộng tác viên.
Theo anh, các em học sinh ở đây hầu hết là con em của những công nhân từ quê lên thành phố sinh sống, lập nghiệp, rong ruổi khắp nơi. 90% học sinh ở đây không có điều kiện để học ở trường, 5% mất giấy tờ tùy thân còn 5% là não chậm phát triển hoặc bị tật bẩm sinh về mắt. Để đảm bảo chất lượng học tập, anh chỉ nhận các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.
Thấu hiểu nỗi lo cơm áo gạo tiền của phụ huynh và cơn "khát" chữ của con em họ, anh từng ngày nỗ lực để dạy chữ cho các em. Trước đó, lớp học chỉ đáp ứng việc đến học chữ rồi về, sau này anh mở thêm căn tin 0 đồng, bao cơm và đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho các em.
Sau nhiều năm duy trì công việc bán bánh mì và vất vả chạy đôn, chạy đáo giúp đỡ học sinh, làn da của anh dần trở nên đen nhẻm. Chiếc xe gắn máy cũ đã theo anh rất nhiều năm cũng chính là kỷ niệm gắn bó với anh qua bao lứa học trò.
Sự lễ phép, ngoan hiền và phát triển từng ngày của học trò là chiếc gương phản ánh rõ hiệu quả về công việc dạy học của anh. Các bé ở đây từ khi vào lớp học vừa được dạy chữ, vừa được dạy nề nếp và tác phong. Ngoài ra, anh còn tạo điều kiện để các em được tập văn nghệ, đi dã ngoại.
“Thầy Khải vừa nghiêm túc vừa hài hước, thầy giúp đỡ tụi em rất nhiều. Lúc trước em sợ người lạ ít nói nhưng từ ngày học lớp thầy, em nói chuyện nhiều hơn, có nhiều bạn hơn”, em Ngọc Trân, học trò anh Khải chia sẻ.
Nói là thế, trong quá trình dạy học, anh Khải cũng gặp không ít khó khăn về tài chính cũng như áp lực về việc thay đổi tư duy học tập của các em. “Nhiều khi tôi cảm thấy mệt mỏi vì phải lo ăn uống, học tập cho hơn 100 bé nhưng vì tình yêu với các bé nên tôi vẫn kiên trì theo đuổi đến cùng. Khó khăn lớn nhất làm tôi thiếu kiên nhẫn chắc là tư duy của phụ huynh bởi nhiều người chỉ muốn con học vài lớp rồi đi làm thuê kiếm tiền”, anh bộc bạch.
Ròng rã đứng lớp ngần ấy năm, anh không mong gì nhiều ngoài việc các học trò của mình có một tương lai tươi sáng. Khi bước ra khỏi lớp học, các em không còn được bao bọc bởi vòng tay của anh và ở ngoài cuộc sống, giông bão cuộc đời và rào cản về cái nghèo đang chờ các em. “Tôi chỉ mong các em sau này dùng kiến thức có được để làm hành trang vào đời. Nhìn vào cuộc sống khó khăn mà bố mẹ các em đã trải qua, mong rằng các em sẽ biết quý trọng con chữ hơn”, anh tâm sự.
Thu Hoài