Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Lối đi nào cho nhà nhập khẩu ô tô nhỏ lẻ?

Hùng Lê-

Ngày 17-10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Nhận xét về quy định mới, những nhà nhập khẩu ô tô nhỏ lẻ cho rằng họ sẽ gặp khó khăn, đồng thời những ràng buộc này cũng sẽ khiến cho việc nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng bị hạn chế hơn trước đây.

xeotoTheo quy định mới, những nhà nhập khẩu ô tô nhỏ lẻ cho rằng họ sẽ gặp khó khăn, và nhiều khả năng xe ô tô đã qua sử dụng sẽ tăng giá bán.   Ảnh: Hùng Lê

Không có sự lựa chọn

Nghị định 116 quy định nhà nhập khẩu phải có văn bản xác nhận được quyền thay mặt hãng sản xuất lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi xe khi xảy ra sự cố. Nhiều người trong ngành cho rằng, điều kiện này là cánh cửa hẹp cho những doanh nghiệp nhỏ chuyên nhập khẩu ô tô nguyên chiếc.

Hơn sáu năm qua, người tiêu dùng trong nước khi đi mua xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đã không có nhiều sự lựa chọn. Nói cách khác, họ phải trả một mức giá bán do chính nhà phân phối duy nhất của thương hiệu ô tô đó đặt ra ở thị trường trong nước.

Những người trong ngành cho rằng, tình trạng này là do Thông tư 20/2011/TT-BTC của Bộ Công Thương quy định khi làm thủ tục nhập khẩu ô tô, doanh nghiệp phải có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất. Trong khi đó, các nhà kinh doanh ô tô nhỏ lẻ thường là những người thường mua xe từ các đại lý thứ cấp, hoặc từ nước thứ ba nên không thể xin được các loại giấy này. Chỉ có những liên doanh ô tô hoạt động lắp ráp ô tô dưới các thương hiệu của công ty mẹ, hoặc những doanh nghiệp quy mô lớn được chọn phân phối ở thị trường trong nước mới có được loại giấy nói trên. Đây là vấn đề gây tranh cãi về việc hạn chế quyền nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp thời gian vừa qua.

Trước khi Nghị định 116 ra đời, nhiều người kỳ vọng các nhà làm luật sẽ đưa ra chính sách nới lỏng điều kiện nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, qua đó hạn chế tình trạng độc quyền kinh doanh của một nhà nhập khẩu. Giới phân tích thị trường cho rằng, một khi có nhiều đơn vị được nhập khẩu kinh doanh cùng một thương hiệu xe thì thị trường sẽ cạnh tranh hơn. Từ đó giá cả, dịch vụ cũng sẽ tốt hơn và người tiêu dùng có được nhiều lựa chọn hơn.

Thế nhưng không phải vậy. Cụ thể, khoản 2 Điều 15 của Nghị định 116 quy định doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh họ được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam.

Một số doanh nghiệp nhỏ lẻ cho rằng đây là điều kiện bất khả thi đối với họ, rằng điều này chẳng khác nào yêu cầu phải có giấy chỉ định là nhà nhập khẩu của chính hãng sản xuất như quy định trong Thông tư 20. Nghĩa là, chỉ những doanh nghiệp nhập khẩu xe chính hãng mới có thể xin được cam kết này từ nhà sản xuất.

Nhập xe cũ cũng khó

Không chỉ tác động đến các công ty nhập khẩu ô tô không chính thức, Nghị định 116 cũng quy định chặt chẽ điều kiện nhập khẩu xe đã qua sử dụng (ô tô cũ).

Cụ thể, nghị định này ràng buộc các nhà nhập khẩu phải cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng giấy chứng nhận đăng ký lưu hành được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương. Bên cạnh đó, ô tô cũ đã qua sử dụng nhập khẩu về phải có thời hạn bảo hành tối thiểu 2 năm hoặc 50.000 km đối với ô tô con, tối thiểu 1 năm hoặc 20.000 km đối với các loại ô tô còn lại tùy điều kiện nào đến trước.

Gần đây, Bộ Tài Chính đã điều chỉnh các mức thuế đối với dòng xe đã qua sử dụng được nhập về Việt Nam. Cụ thể, đối với xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, có dung tích xi-lanh dưới 1.000cc, mức thuế nhập khẩu hiện nay là 5.000 đô la Mỹ/chiếc. Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu ô tô loại xe này lên thành 10.000 đô la Mỹ/chiếc. Với xe có dung tích từ 1.000cc đến dưới 1.500cc, mức thuế nhập khẩu hiện hành là 10.000 đô la Mỹ/chiếc. Bộ Tài chính đề xuất tăng mức thuế suất loại xe này bằng mức cam kết WTO là 200% hoặc 150% + 10.000 đô la Mỹ. Xe ô tô có dung tích xi lanh từ 1.500cc đến dưới 2.500cc, mức thuế nhập khẩu hiện hành là x + 5.000 đô la Mỹ. Mức thuế được đề xuất tăng là 200% hoặc 150% + 10.000 đô la Mỹ, lấy theo mức thấp nhất.

Trong đó, x là khoản thuế tính theo mức thuế suất của xe mới cùng chủng loại. Còn 150% được hiểu là 150% của mức thuế suất xe mới cùng loại, chứ không phải 150% của giá tính thuế xe cũ.

Với cách đề xuất đánh thuế mới, giới kinh doanh xe ô tô đã qua sử dụng cho rằng giá xe đã qua sử dụng nhập khẩu sẽ bị đẩy lên nhiều so với hiện tại, do vậy sẽ khó thu hút người mua. Bởi lẽ, giá bán một số loại xe đã qua sử dụng còn cao hơn cả xe mới.

Những người trong ngành cho rằng, những quy định chặt chẽ cùng với việc điều chỉnh về thuế như trên gần như đã khép lại cánh cửa đối với phân khúc xe cũ nhập khẩu vào Việt Nam.

Nhà nhập khẩu chính thức cũng choáng

Mặc dù Nghị định 116 có lợi cho mình, nhưng nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô chính thức cũng lo ngại trước những quy định mới. Một số doanh nghiệp cho biết, quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô không chỉ có nhiều quy định gây khó cho họ mà còn khó vì thời điểm áp dụng.

Cụ thể, nghị định này được ký ngày 17-10 và có hiệu lực ngay lập tức chứ không có độ trễ như thường lệ. Doanh nghiệp nhập khẩu chỉ có độ hai tháng để xoay xở đủ các loại giấy tờ theo quy định nếu không muốn bị tạm ngưng nhập khẩu sau ngày 1-1-2018. Trong khi đó, các loại giấy phép này rất khó thu xếp chỉ trong thời gian ngắn.

Điều khiến các doanh nghiệp nhập khẩu lo lắng là quy định mỗi một lô hàng nhập khẩu phải mang một chiếc xe đi thử nghiệm, bao gồm cả thử khí thải, độ bền về phanh, động cơ... Theo các doanh nghiệp, chi phí thử nghiệm như thế tốn từ 40-100 triệu đồng/lần và phải chờ từ hai tuần đến hai tháng mới có kết quả. Trong khi đó, quy định trước đây cho phép doanh nghiệp chỉ lấy một xe làm mẫu mang đi thử nghiệm, những lô hàng sau nhập mẫu xe không cần thử nghiệm lại.

Nhận định về các quy định này, một số doanh nghiệp cho rằng chi phí trên mỗi đầu xe nhập sẽ tăng đáng kể bởi việc kiểm định, thử nghiệm xe kéo dài không dưới hai tháng mà tốn thời gian nhất là thử nghiệm khí thải. Các đơn vị nhập dù ở Hải Phòng hay TPHCM cũng sẽ phải mang xe tới trung tâm thử nghiệm của Cục Đăng kiểm tại Hà Nội để kiểm định. Chi phí phát sinh cuối cùng cũng sẽ được tính vào giá bán, khiến giá xe khó giảm như mong đợi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Huế công bố 54 sản phẩm du lịch ấn tượng năm...

0
(SGTT) - Sau 4 tháng triển khai, chương trình bình chọn "Top 9 sản phẩm du lịch ấn tượng Huế" năm 2024 đã tìm...

Giá vàng trong nước tiếp tục tăng theo giá vàng thế...

0
(SGTT) - Sáng nay (22-11), giá vàng trong nước tiếp tục tăng giá, trong khi đó giá vàng thế giới chạm mức cao nhất...

Từ năm 2025, xe buýt trợ giá tại TPHCM sẽ thanh...

0
(SGTT) - Dự kiến, từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt sẽ chính thức được áp dụng cho tất cả...

Cần Thơ lần đầu tổ chức Tuần lễ Du lịch –...

0
(SGTT) - Với mục tiêu kích cầu ngành du lịch, dịch vụ, đồng thời nâng cao hiệu quả hợp tác của Cụm liên kết...

Còn 143.000 thuê bao 2G đang bị khoá 2 chiều vì...

0
(SGTT) - Theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đến thời điểm này, cả nước còn 143.000 thuê...

Bộ Công Thương yêu cầu không để thiếu hàng, tăng giá...

0
(SGTT) - Bộ Công Thương đề nghị các sở công thương và các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất,...

Kết nối