(TBKTSG Online) - Mùa tết Nguyên Đán là cao điểm đón khách Trung Quốc đến Việt Nam du lịch nhưng với tết Canh Tý này, ngành du lịch không chỉ tất bật lo phục vụ khách mà còn phải đối diện với nỗi lo về loại virus gây viêm phổi cấp mới, có nguồn gốc từ Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của nước này (còn gọi là virus corona Vũ Hán) đang có nguy cơ lan rộng.
Chiều muộn ngày 19-1 (25 tháng Chạp), trong khi ga đến của Sân bay Quốc tế Cam Ranh khá vắng vẻ do chưa đến giờ máy bay thuê bao đổ khách Trung Quốc đến thì ga đi lại rất tấp nập.
Hàng dài hành khách, chủ yếu là du khách từ nước láng giềng đang chuẩn bị làm thủ tục về nước sau chuyến du lịch Việt Nam. Hành khách ồn ào qua lại liên tục, nhân viên hàng không làm việc mướt mồ hôi. Bảng thông báo bay hiện lên hàng dài những chuyến bay sang Trung Quốc, trong đó có chuyến bay đến Vũ Hán, nơi đầu tiên phát hiện những ca bệnh viêm phổi cấp mới.
"Cũng hơi lo vì mỗi ngày đọc thông tin đều thấy nói đến bệnh này nhưng ở ga đến cơ quan y tế kiểm tra thân nhiệt nghiêm ngặt lắm nên cũng đỡ lo," cô nhân viên của một quầy nước tươi cười đưa cho tôi ly cà phê sữa đá, kèm câu trả lời cho câu hỏi liên quan đến dịch bệnh.
Tuy nhiên, có vẻ như nhân viên ở quầy cung cấp thông tin, nơi có ở bảng thông báo bay ở gần đấy lại không yên tâm như cô. Anh đã đeo khẩu trang khi làm việc. Trước đó, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tại sân bay này cũng đã lắp thêm máy đo thân nhiệt từ xa bằng hồng ngoại để phát hiện người bị viêm phổi cấp. Đặc biệt, khách đến từ Vũ Hán được bố trí làn riêng khi đi qua cổng kiểm soát.
Vào năm ngoái, cả nước đón hơn 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc. Tỉnh Khánh Hòa đón khoảng một nửa trong số này và Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh được xem là nơi đón nhiều khách Trung Quốc nhất Việt Nam nên công tác ngăn dịch từ cửa khẩu được thực hiện cấp tập. Hệ thống kiểm tra y tế, giám sát thân nhiệt tại các cửa khẩu hàng không lớn khác như Đà Nẵng, Nội Bài, TPHCM cũng đã hoạt động nhưng nỗi lo dịch bệnh có thể xâm nhập vào Việt Nam, đặc biệt là trong thời điểm khách Trung Quốc đang đổ dồn đi du lịch mùa Tết như hiện nay vẫn đang treo lơ lửng.
"Chúng tôi không có khách từ Vũ Hán nhưng vẫn lo lắng, nhất là sau thông tin Bắc Kinh vừa phát hiện một ca nghi nhiễm," ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang Travelink nói với TBKTSG Online vào tối nay, nhằm ngày 27 tháng Chạp.
Phần lớn khách du lịch Trung Quốc mà công ty này đón nhập cảnh vào Việt Nam qua Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Việc kiểm tra thân nhiệt để phát hiện những khách có biểu hiện sức khỏe bất thường đã được cơ quan kiểm dịch thực hiện ngay tại sân bay nhưng hướng dẫn viên du lịch vẫn được dặn dò kỹ lưỡng về việc quan sát các biểu hiện sức khỏe bất thường của khách.
"Hướng dẫn viên dẫn khách trong những ngày này vừa lo dịch vụ vừa phải để ý kỹ đến sức khỏe của du khách. Chúng tôi yêu cầu hướng dẫn viên phải báo ngay với công ty khi thấy khách mệt mỏi hay sốt," ông nói.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết sở đã gửi khuyến cáo đến các công ty lữ hành quốc tế tại thành phố về tình hình dịch bệnh và yêu cầu hợp tác để theo dõi sát tình hình sức khỏe của khách du lịch Trung Quốc. Trong quá trình đi tour, nếu khách có biểu hiện bất thường như sốt thì cần phải báo cáo với cơ quan chức năng liên quan để có biện pháp xử lý.
Theo thông tin từ một số cơ quan truyền thông, mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Trung Quốc lần lượt xác định virus mới gây nên bệnh viêm phổi ở Vũ Hán thuộc thuộc chủng coronavirus vốn gây ra dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
Đây là điều làm những người làm du lịch hết sức lo lắng, bởi MERS và đặc biệt là dịch SARS năm 2003 đã gây ra hậu quả rất nặng nề với với ngành du lịch do lượng khách quốc tế đến sụt giảm mạnh.
Năm khuyến cáo của Bộ Y tế
Để chủ động phòng chống bệnh viêm phổi cấp do chủng virus mới coronavirus tại Thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên:
1- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
2- Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
3- Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
4- Hạn chế tiếp xúc gần với trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.
5- Những người trở về từ Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại Thành phố Vũ Hán trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Minh Duy
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online