Trung Quốc đã phong tỏa bốn thành phố có dân số tổng cộng khoảng 28 triệu người trong nỗ lực ngăn chặn làn sóng lây nhiễm Covid mới trước dịp Tết Nguyên đán.
- Đề xuất cho bán bảo hiểm Covid-19 để chuẩn bị mở cửa du lịch quốc tế
- Việt Nam tiêm mũi 2 vắc-xin Covid-19 liều 25mcg
Tâm điểm của dịch Covid-19 hiện nay là tỉnh Hà Bắc, nơi có ba thành phố bị phong tỏa. Trong khi đó, chính quyền tỉnh Hắc Long Giang, phía đông bắc Trung Quốc, cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp để kiểm soát dịch bệnh.
Số ca nhiễm mới hàng ngày lên mức cao nhất trong năm tháng
Hôm 13-1, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ghi nhận có thêm 115 ca nhiễm Covid-19 mới so với 55 ca nhiễm ngày hôm trước. Đây là số ca nhiễm mới hàng ngày cao nhất kể từ ngày 30-7. Trong số các ca nhiễm mới, có 107 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hà Bắc, tỉnh nằm sát Bắc Kinh có 90 ca mới và tỉnh Hắc Long Giang, ở phía đông bắc Trung Quốc có 16 ca mới.
Cùng ngày, chính quyền tỉnh Hắc Long Giang, nơi sinh sống của 37,5 triệu dân, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp để ứng phó dịch Covid-19. Chính quyền yêu cầu người dân hủy các cuộc hội họp, tụ tập và không được rời khỏi tỉnh trừ những trường hợp cấp thiết.
TP Tuy Hóa thuộc Hắc Long Giang bị áp đặt lệnh phong tỏa vào hôm 11-1 sau khi phát hiện một ca nhiễm và 45 ca khác không triệu chứng (Trung Quốc không xem bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng là ca nhiễm chính thức).
Hôm 13-1, giới chức trách cũng triển khai lệnh phong tỏa hoặc hạn chế đi lại ở một số thành phố nhỏ nằm gần Tuy Hóa. Truyền thông Trung Quốc cho biết nhiều thành phố khác ở Hắc Long Giang đã yêu cầu đóng các cơ sở giải trí. Hai TP Thạch Gia Trang và Hình Đài của tỉnh Hà Bắc đã bị phong tỏa vào cuối tuần trước.
Đến hôm 12-1, giới chức trách quyết định phong tỏa thêm TP Lang Phường, cũng thuộc tỉnh này. Ba thành phố này là nơi sinh sống của hơn 22 triệu dân. Tính tổng cộng, có khoảng 28 triệu người dân ở Hà Bắc và Hắc Long Giang đang bị cấm rời khỏi nhà ngoại trừ trường hợp cấp thiết.
“Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc trở nên nghiêm trọng hơn, điều này sẽ tác động đến các hoạt động kinh tế và các thị trường có thể phải giảm kỳ vọng về nhu cầu tiêu dùng bật dậy mạnh mẽ trong dịp Tết Nguyên đán vào giữa tháng 2”, Ting Lu, nhà kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc ở Ngân hàng Nomura (Nhật Bản), nhận định trong báo cáo gửi cho khách hàng hôm 11-1.
Ông viết: “Với tình hình dịch Covid-19 nghiêm trọng hơn và một mùa đông lạnh nhất trong nhiều thập kỷ, đà phục hồi tăng trưởng của Trung Quốc đã mất đi một số xung lực trong những tuần gần đây. Triển vọng phục hồi đầy đủ ở ngành dịch vụ có thể bị trì hoãn, thể hiện qua sự suy yếu của chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành dịch vụ của Trung Quốc trong tháng 12”.
Các cuộc khảo sát vào tháng trước cho thấy chỉ số PMI ngành dịch vụ Trung Quốc giảm so với tháng 11 dù vẫn trên mức 50 điểm, ngưỡng phân tích chiều hướng tăng trưởng và sụt giảm.
Khuyến cáo người dân hạn chế đi lại dịp Tết
Làn sóng Covid-19 mới có thể phủ bóng đen lên dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán ở Trung Quốc vào tháng sau khi hàng trăm triệu người dân trở về quê ăn Tết. Nhiều tỉnh đang yêu cầu công nhân nhập cư không về quê trong dịp lễ này.
Feng Zijian, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CCDC), nói rằng ít có khả năng số ca nhiễm tăng mạnh trong dịp Tết nếu các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh được thực thi đúng đắn.
Tại cuộc họp báo vào cuối tuần trước, Phó Giám đốc NHC, Zeng Yixin kêu gọi người dân ở yên tại thành phố nơi họ làm việc trong dịp Tết và tuân thủ các quy định phòng ngừa dịch bệnh ở các địa điểm tham quan.
Ông cảnh báo tình hình dịch bệnh trong mùa đông này và mùa xuân sắp tới vẫn ảm đạm và phức tạp, vì vậy, hạn chế tụ tập đông người và lượng người di chuyển trong dịp Tết là điều cần thiết.
Trong những ngày đây, nhiều chính quyền tỉnh thành trên khắp Trung Quốc khuyến cáo người dân hạn chế đi lại và kêu gọi công nhân nhập cư không trở về thăm quê vào dịp Tết.
Một số chính quyền địa phương cho biết sẽ trả lương thêm cho những công nhân nhập cư không trở về quê vào tháng sau. Trong khi đó, các công ty tư nhân được yêu cầu phân bổ lịch nghỉ Tết luân phiên cho người lao động để giảm lượng người di chuyển.
Lavine Luo, nhân viên của doanh nghiệp nhà nước ở Bắc Kinh, cho biết cô sẽ tuân thủ khuyến cáo của giới chức trách. Cô đã hủy kế hoạch trở về quê nhà ở Quảng Châu trong dịp Tết này. Cô nói: “Tôi đã quen ăn Tết xa nhà rồi vì điều này đã xảy ra vào Tết năm ngoái”.
Một số chính quyền địa phương đang yêu cầu người dân xa quê muốn trở về nhà dịp Tết phải có kết quả nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, một số chính quyền địa phương khác yêu cầu họ phải báo cáo trước kế hoạch trở về quê.
Cho đến nay, tổng số ca nhiễm ở Trung Quốc trong đại dịch Covid-19 là 87.706 bao gồm 4.634 ca tử vong. Dù số nhiễm tương đối thấp so với nhiều nước khác nhưng Trung Quốc đang sốt sắng dập tắt các ổ bùng phát Covid-19 trước thềm lễ Tết Nguyên đán vào tháng sau, thời điểm có hàng trăm triệu người dân di chuyển khắp đất nước để về thăm quê, đi du lịch.
Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 13-1, Wang Bin, một quan chức của NHC, cho hay Trung Quốc đã tiêm chủng 10 triệu liều -xin Covid-19 và đã nâng cao năng lực xét nghiệm lên mức 12,55 triệu người/ngày, gấp 10 lần so với tháng 3 năm ngoái. Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm vắc-xin Covid-19 cho 50 triệu người trước Tết. Tại cuộc họp báo gần đây, Zeng Yixin, Phó Giám đốc NHC, nói rằng Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm vắc-xin Covid-19 cho 60% dân số để thiết lập ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Chính phủ Trung Quốc đã cam kết tiêm vắc-xin miễn phí cho mọi người dân sau khi hồi tháng 11, một số người dân ở tỉnh Chiết Giang phàn nàn họ được yêu cầu trả 100 đô la Mỹ cho hai liều tiêm vắc-xin Covid-19.
Chánh Tài
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online