(SGTT) - Núi Dinh thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách TPHCM khoảng 80km. Đây là một địa điểm khá quen thuộc với giới trekking (leo núi), hiking (đi bộ đường dài) ở khu vực miền Nam. Nếu chọn một địa điểm để hòa mình với thiên nhiên thì núi Dinh là một lựa chọn đúng đắn cho du khách. Ngoài ra ngọn núi này cũng khá nổi tiếng với nhiều loại rắn sinh sống tại đây.
- Vi vu Đà Lạt 3 ngày 2 đêm chỉ với 1,9 triệu đồng
- Du lịch giữa dịch: Về Long An check-in nhiều công trình nổi tiếng thế giới
Để đến núi Dinh trong mùa dịch này, du khách có thể đi qua chốt kiểm soát Phú Mỹ, nằm giữa Đồng Nai và Vũng Tàu. Qua đây, du khách chỉ cần khai báo di chuyển nội địa trên app VNEID, không cần giấy xét nghiệm âm tính.
Chuyến đi cắm trại của gia đình chúng tôi bắt đầu từ sáng thứ Bảy. Khoảng 10:00 chúng tôi đã có mặt tại khu cắm trại Ong Rừng Camping trên núi Dinh. Tại đây, gia đình tôi tiến hành dựng lều và bắt đầu hành trình của mình với các hoạt động như đốt lửa trại, câu cá, tắm suối, soi cá ban đêm, tập yoga, đi bộ leo đỉnh La Bàn…
Trên núi cũng có vài hàng quán bán đồ cho khách du lịch, tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta nên chuẩn bị sẵn đồ ăn, thức uống vì giá cả tại đây khá mắc do chi phí vận chuyển. Thêm một lưu ý nữa là trên núi không hề có sóng điện thoại.
Sau khi lên núi tôi đi tìm một vài bãi đất trống gần suối để dựng trại. Tuy nhiên, năm nay lượng mưa tại Vũng Tàu rất thấp nên nước trên núi cũng cạn. Những con suối khá ít nước, chỉ còn những dòng chảy nhỏ.
Sau khi chạy tìm nhiều bãi mà không ưng ý, tôi quyết định cắm trại ngay tại khu Ong Rừng Camping. Tôi và con gái dựng lều, còn vợ thì ra hồ câu cá, kiếm thức ăn cho buổi tối. Ở khu Ong Rừng có một cái hồ rộng, trong đó có nhiều loại cá tự nhiên như cá rô, cá sặc, cá lóc…
Đốt lửa trại là một hoạt động không thể thiếu nếu bạn đi cắm trại, vì vậy, sau khi dựng lều xong, tôi ngay lập tức đi kiếm củi. Trên đây thì củi khô rất nhiều, cứ đi một vòng là gom được một đống.
Con gái tôi thì đào một cái hố để đốt lửa. Ưu điểm của hố bếp là chống gió và giữ than rất tốt, khi lửa tàn chỉ cần bỏ lá khô vào và thổi là sẽ lên lửa lại. Ngoài ra thì sau khi dùng xong mình chỉ cần lấp đất lại như cũ, vừa giúp dập tắt đám cháy vừa giúp cảnh quan không bị lem nhem bởi những vệt than cháy đen.
Buổi chiều, tôi đi tắm suối để thư giãn cơ thể. Được ngâm mình trong dòng suối mát, vừa tắm, vừa nghe chim rừng hót, bao nhiêu mệt nhọc dường như tan biến hết.
Buổi tối, gia đình tôi quây quần lại bên đống lửa trại cùng nhau ăn tối với cá nướng, khoai lang nướng. Sau khi ăn xong thì nhà mình đi soi cá dưới con suối gần trại. Rừng núi Dinh có rất nhiều thứ để soi ban đêm như cá, cua, thú nhỏ, côn trùng, bò sát, nhưng nguy hiểm nhất là rắn độc.
Ban đêm thì các loài rắn và động vật hoạt động rất mạnh, mình đã nhiều lần đi soi đêm trong rừng này và gặp cũng nhiều rắn, các loại kỳ tôm, ếch nhái… Tuy nhiên, nếu đi với gia đình thì soi cá là an toàn nhất.
Không khí ban đêm trên núi Dinh rất mát, tuy nhiên cũng có thể chuyển lạnh vào dịp cuối năm. Khu Ong Rừng mà chúng tôi cắm trại hầu như không có muỗi, nếu cắm trại trong suối sẽ có muỗi nhiều hơn.
Sáng hôm sau, khoảng 7:00, gia đình tôi đã dậy hết và tập trung ra suối để rửa mặt, ăn sáng. Vợ tôi tranh thủ tập yoga trên một tảng đá ngay dòng suối, trong không gian thoáng đãng và mát mẻ. Buổi sáng đó, nhà tôi ăn mì gói với hột gà, món ăn nhanh gọn và cũng đủ dinh dưỡng được nhiều dân cắm trại lựa chọn. Ăn sáng xong, vợ tôi chuẩn bị nước cam cho hai cha con đi bộ lên đỉnh La Bàn.
Đường lên đỉnh La Bàn là cung đường trekking, hiking quen thuộc của rất nhiều người. Vào dịp cuối tuần có rất nhiều nhóm từ TPHCM và các tỉnh lân cận lên núi Dinh chạy bộ, đi bộ. Đường này có thể đi xe máy hoặc ô tô đều được. Tuy nhiên, đường ở đây khá dốc nên nếu đi xe cũng khó. Cung đường lên đỉnh La Bàn rất mát vì hai bên có nhiều cây che, chim hót rả rích suốt dọc đường.
Trên đường đi, có thể du khách sẽ gặp các loài rắn ra nằm phơi nắng. Nói về rắn thì khu vực núi Dinh có rất nhiều rắn chàm quạp, rắn lục đuôi đỏ, hổ mang, hổ mang chúa… toàn những loài độc. Nếu các bạn chưa có kinh nghiệm nhiều thì cứ đi theo các con đường mòn và để ý dưới chân một chút, đừng mạo hiểm khám phá những nơi rậm rạp.
Sau khoảng một tiếng đi bộ, tôi và con gái đã lên đến đỉnh La Bàn. Sau đó, chúng tôi nghỉ ngơi, ngắm cảnh, ăn uống trên đó khoảng 30 phút mới đi xuống. Khoảng 11:00, gia đình tôi dọn trại và về lại TPHCM, chuyến hành trình của chúng tôi cũng đã kết thúc.
Dưới đây là những hình ảnh trong chuyến hành trình đến núi Dinh vừa rồi của gia đình chúng tôi
Danh Võ
Hiện tại người ta hạn chế đốt lửa trực tiếp trên đất nhé bạn, do vậy rất nhiều dụng cụ hổ trợ để lửa, than cháy cách xa mặt đất.
Cái hố này là mình dạy cho con gái cách đào, cách nhóm bếp, nói cho nó biết về công dụng của hố này, chỉ nó cách lấp lại sau khi dùng. Bây giờ chỉ hướng dẫn nó xài bếp ga không, mai mốt bếp gặp trục trặc hoặc hết ga thì nó lại ko biết cách xử trí chắc chắn sẽ đốt đại ra nền rừng.
Cái này tùy khu vực nữa bác, nếu đi thảm cỏ hoặc khu vực trống trải thì sẽ làm hỏng cảnh quanh chung, còn đi trong rừng có thể đốt lửa dưới đất. Sau khi dùng xong mình mình lấp đất lại là xong. Ngoài ra còn 1 cách chơi đốt lửa trên thảm cỏ là đào 1 cái hố sau đó giữ nguyên cỏ để qua 1 bên, sau khi dùng xong thì đậy miếng cỏ lại. Tuy nhiên cách này hiện giờ rất ít người chơi.
Tuỳ theo quan điểm và cách thức cắm trại của mỗi người mỗi khác.
Có người thích sinh tồn nên chỉ mang theo mỗi con dao. Có người thì trang bị những món cần thiết nhất như lều, dao, nồi, thực phẩm. Có người trang bị tận răng , không thiếu thứ gì, kiểu như mang nguyên cái nhà bếp, phòng ngủ, phòng khách vào bãi camp. Muốn camp kiểu gì là tuỳ vào phong cách mỗi người, ta không nên xét đoán.
Vấn đề bảo vệ mội trường thì rất nhiều thứ để bàn. Có nhiều thứ ô nhiễm mà một số người đã mang vào môi trường thiên nhiên, vd như ô nhiễm tiếng ồn phát ra từ những loa kẹo kéo chẳng hạn.
Một vài vết đốt trên đất lưu lại tàn tro là một kho dinh dưỡng cho cây. Nhưng các dự án gạt bỏ cả ngàn ha đất màu mỡ để đổ bê tông lên . Rồi ng ta được dạy không nhẫm lên cỏ.