Đang có những dư luận trái chiều về việc tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức nhiều sự kiện lễ hội nhân dịp xuân về trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
- Gần 500 xe máy bị khách "bỏ quên' tại bãi xe sân bay Tân Sơn Nhất
- Từ 16-2, Lạng Sơn sẽ tạm dừng nhận xe hoa quả tươi qua cửa khẩu
Sáng mồng 10 tháng Giêng, lễ hội vật làng Sình có truyền thống 200 năm, thành phố Huế, được tổ chức nhân dịp xuân về nhằm cổ vũ tinh thần thượng võ. Theo những hình ảnh và thông tin ghi lại, sự kiện thu hút hàng trăm quan khách. Các du khách và ban tổ chức đeo khẩu trang, sát khuẩn, đồng thời đảm bảo tất cả đều đã được tiêm vaccine.
Trước đó, Huế cũng đã tổ chức một vài lễ hội nhân dịp Tết Nguyên đán như lễ hội đền Huyền Trân, lễ dựng và hạ cây nêu ngày Tết, các tiết mục biểu diễn văn hóa truyền thống trong Hoàng thành Huế…, chưa kể việc những ngày đầu năm mới, thành phố Huế đón hàng chục ngàn khách du xuân.
Những sự kiện này đã dấy lên dư luận khác nhau.
Có những ý kiến lo ngại, cho rằng Huế không nên tổ chức nhiều lễ hội và sự kiện như vậy trong bối cảnh dịch tại địa phương này còn diễn biến phức tạp. Hơn nữa, quá nhiều du khách tâp trung cùng một lúc tại cổng Ngọ Môn hay trước cửa vào Đại Nội mà không có biện pháp giãn cách, điều này sẽ dễ làm lây lan dịch bệnh.
Theo nhóm những người dân lo ngại dịch bệnh, hệ lụy có thể xảy ra khi vẫn tổ chức nhiều lễ hội bất chấp công điện trước đó của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Tuy nhiên, ngược lại cũng có những ý kiến cho rằng tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những bước đột phá, bản lĩnh để lựa chọn tổ chức các sự kiện ở quy mô vừa phải, đảm bảo an toàn.
Trong số đó, có ý kiến cho rằng Huế đã làm đúng tinh thần công điện của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đó là đối với hoạt động lễ hội truyền thống thì không tổ chức các hoạt động hội, chỉ tổ chức phần nghi lễ.
Có ý kiến khác dẫn chứng lại phương châm của Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, cho rằng Huế đang thực sự sống chung với dịch bằng hành động. Người có ý kiến này cho hay mình đã tham gia lễ hội vật làng Sình và thấy một không khí rất tích cực so với sự “vắng lặng đến đáng sợ” thời gian trước đó. “Mọi người đứng vòng tròn xem hai đô vật thi đấu trong trật tự, có đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc”, người này dẫn chứng.
Nhiều ý kiến ủng hộ cho rằng những hình ảnh và thông tin này là động lực thúc đẩy kinh tế du lịch phục hồi trong thời gian đến. Vấn đề quan trọng cần tính đến là cơ quan ban ngành tại Thừa Thiên Huế phải luôn giữ cho mình cái đầu tỉnh táo để có thể tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, và truyền đi thông điệp đến khách trong nước và quốc tế rằng Huế là điểm đến du lịch thú vị và an toàn.
Bên cạnh đó, người dân và du khách tại Huế cũng phải luôn có ý thức bảo vệ mình và người khác khi tham gia các sự kiện, lễ hội.
Dư luận trái chiều là điều bình thường, trong đó sự lo ngại dịch bệnh lây lan là có thể hiểu được trong bối cảnh dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhưng xét ở góc độ kích cầu du lịch, khôi phục lại các hoạt động kinh tế khi bắt đầu một năm mới như thành phố Huế đã làm cũng rất cần thiết. Một số ý kiến trung dung hơn cho rằng quan trọng là ở cách tổ chức và các biện pháp phù hợp của các cơ quan ban ngành và chính quyền thành phố Huế, sao cho vẫn đảm bảo an toàn, kiểm soát được dịch Covid-19 khi mở cửa lại du lịch cũng như nhiều hoạt động kinh tế khác.
Nhân Tâm
Theo Kinh tế Sài Gòn Online