(SGTTO) - Giải IRONMAN 70.3 Vô địch Thế Giới tại Nice, Pháp diễn ra từ ngày 5 đến 7-9-2019, Việt Nam có bảy vận động viên tham gia thi đấu. Theo vận động viên Lê Hoàng Vũ, cuộc thi ba môn phối hợp không phải là một cuộc thi hành xác mà đó là một khoảng thời gian 5-8 tiếng mang lại nhiều trải nghiệm đặc biệt và nhiều cung bậc cảm xúc khó quên.
Dưới đây là một vài trao đổi với một trong bảy vận động viên Việt Nam tham dự Giải IRONMAN 70.3 Vô địch Thế Giới, anh Lê Hoàng Vũ.
Việc giành quyền tham dự giải IRONMAN 70.3 Vô địch Thế Giới 2019 có ý nghĩa thế nào với các anh?
Anh Lê Hoàng Vũ: Suất tham dự giải IRONMAN 70.3 Vô địch thế giới là thành quả của quá trình tập luyện nghiêm túc trong một năm qua. Được đứng tại vạch xuất phát cùng với những người chơi ba môn phối hợp ưu tú khắp thế giới tại một trong những giải thi đấu 70.3 được mong chờ nhất năm là một vinh dự và là trải nghiệm rất đặc biệt.
Anh đã lập kế hoạch và tập luyện như thế nào để chuẩn bị tham dự giải đấu này? Trong ba môn bơi-đạp-chạy, anh tự tin sẽ thi tốt nhất ở môn nào?
Giải IRONMAN 70.3 Vô địch thế giới 2019 cũng là một trong những giải đấu nằm trong kế hoạch tham gia của mình trong năm, nên việc tập luyện cho giải này không có nhiều khác biệt so với lịch tập luyện thường ngày. Chỉ duy nhất khác biệt là mình phải tập luyện đạp xe ở địa hình nhiều dốc hơn, vì đường đạp ở Nice, Pháp có độ dốc cao với hơn 1.300m độ cao. Đây là một trong những đường đạp đèo dốc nhất trong các cuộc thi 70.3.
Bơi ở biển Địa Trung Hải cũng sẽ mang lại nhiều trải nghiệm khác biệt so với các biển ở khu vực Đông Nam Á mình đã từng tham gia. Biển ở đây sẽ mặn hơn và lạnh hơn. Do đó sẽ mang lại nhiều thử thách hơn.
Theo anh, điều khó khăn, thách thức nhất trong cuộc đua này sẽ là gì? Làm cách nào để anh có thể khắc phục, hạn chế nó?
Như đã nói, đó là đường đạp đèo dốc cao, với chỉ một lần leo dốc và đổ dốc nhưng chiếm 2/3 đường đạp. Leo dốc đòi hỏi lực đạp khỏe và đổ dốc đòi hỏi kĩ năng cao.
Anh dự kiến sẽ chinh phục cuộc đua này trong thời gian bao lâu không?
Với đường đạp đèo dốc khá đặc biệt như đã nói, phần đạp chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian hơn so với đường đạp bằng phẳng như ở Đà Nẵng, hoặc dốc uốn lượn như ở Nha Trang. Thành tích dưới sáu tiếng ở giải này đối với mình đã là một thành công.
Với các vận động viên thì các cuộc đua không bao giờ kết thúc, vậy với anh, sau khi giải IRONMAN 70.3 Vô địch Thế Giới 2019 kết thúc, giải đua nào anh muốn tham gia tiếp theo?
Chắc chắn có. Sau giải này, mình sẽ lên kế hoạch cho một giải 70.3 cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020 nhằm chuẩn bị cho giải IRONMAN 70.3 Đà Nẵng vào tháng 5 năm 2020.
Công việc thường ngày của anh là gì? Làm sao anh có thể sắp xếp thời gian giữa công việc hằng ngày và luyện tập thể thao?
Mình hiện đang làm việc cho một công ty quản lý quỹ đầu tư nước ngoài tại TPHCM. Công việc tất nhiên luôn được chú trọng trên hết và chiếm nhiều thời gian trong ngày nhất.
Tập luyện thể thao như là một sở thích cá nhân và cách để cân bằng cuộc sống. Hầu hết thời gian luyện tập thể thao là buổi sáng sớm hàng ngày. Những ngày làm việc trong tuần mình phải kết thúc buổi tập trước 7 giờ 30 sáng để chuẩn bị đi làm. Những buổi sáng cuối tuần thì mình dành nhiều thời gian cho những bài đạp dài, thường kết thúc trước 10 giờ sáng. Đôi lúc có những bài tập thêm hoặc nhẹ vào buổi tối, lúc này mình sẽ tập thêm khoảng 45 phút sau khi đi làm về, lúc 7 giờ 30 tối.
Trước IRONMAN 70.3 Vô địch Thế Giới 2019, anh đã từng tham gia giải IRONMAN 70.3 hay các cuộc đua ba môn phối hợp ở các nước khác chưa?
Giải IRONMAN 70.3 Vô địch thế giới 2019 tại Nice, Pháp sẽ là giải đấu ba môn phối hợp thứ chín mình tham gia. Mình đã tham gia ba mùa Ironman 70.3 Đà Nẵng, ba lần tham gia giải Ironman 70.3 tại khu vực Đông Nam Á. Hai lần tham gia giải đấu ba môn khác là Challenge Nha Trang 2019 và Tri Factor Vũng Tàu 2019, cự ly Enduro (bơi 1,5km - đạp xe 80km - chạy 20km)
Anh đã chơi ba môn phối hợp từ khi nào? Cơ duyên nào đưa anh đến với ba môn phối hợp?
Mình bắt đầu tập chơi ba môn phối hợp vào thời điểm đầu năm 2017. Vào tháng 3-2017 mình có suất tham gia đạp xe gây quỹ từ thiện tại Anh vào tháng 7 năm đó. Do phải tập luyện đạp xe tham gia giải này, nên sẵn mình thử sức bản thân ở cuộc thi Ironman 70.3 Đà Nẵng vào tháng 5-2017.
Theo anh, tại sao phong trào chơi ba môn phối hợp lại phát triển nhanh như vậy tại Việt Nam những năm qua? Điều gì ở ba môn phối hợp khiến cho ngày càng có nhiều người Việt chơi môn thể thao này?
Phong trào chơi ba môn phối hợp phát triển nhanh chóng tại Việt Nam trong những năm gần đây không nằm ngoài xu hướng theo đuổi cuộc sống khỏe mạnh của mọi người trên khắp thế giới. Người Việt Nam ngày càng có cuộc sống cân bằng hơn và khỏe mạnh hơn. Các nước khác trong khu vực đã có phong trào phát triển mạnh từ nhiều năm trước. Một khi, phong trào càng phát triển nhanh thì càng có nhiều vận động viên phong trào xuất sắc nên càng tiếp cận được với thành tích trong khu vực.
Anh có lời khuyên gì cho những người đang có ý định bước vào thế giới ba môn phối hợp?
Hãy theo đuổi tập luyện ba môn phối hợp như là một thói quen hàng ngày. Tạo hứng khởi trong mỗi buổi tập luyện, để tinh thần thoải mái và tươi vui. Cuộc thi ba môn phối hợp không phải là một cuộc thi hành xác mà đó là một khoảng thời gian 5-8 tiếng mang lại nhiều trải nghiệm đặc biệt và nhiều cung bậc cảm xúc khó quên. Để đón nhận những trải nghiệm đó một cách đầy đủ và trọn vẹn thì phải tập luyện hàng ngày với tinh thần hứng khởi.
Xin cảm ơn anh!
Kim Oanh thực hiện
Anh Lê Hoàng Vũ – thành viên nhóm boidapchay.com – người từng tham gia các giải đấu IRONMAN 70.3 Vietnam 2017 và 2018; IRONMAN 70.3 Asia Pacific Championship Cebu, Philippines 2018; Ironman 70.3 Langkawi 2018; Ironman 70.3 Bangsaen 2019 và Trifactor Vietnam 2019.Anh Vũ đạt thành tích tốt nhất 5h10’ tại giải Bangsaen 2019; qualified for 2019 Ironman 70.3 World Championship Nice France và hạng 3 Nam, cự ly Enduro tại Trifactor Vietnam 2019.
** Trong link này, anh Vũ sẽ có phần hướng dẫn cho những người lần đầu dự IRONMAN 70.3 với môn đạp xe.