Ngày 9-2, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước đối với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TPHCM.
- Hạ tầng giao thông phía Nam chững lại do thiếu vốn đầu tư
- TPHCM: 3 dự án nhằm giảm kẹt xe sân bay TSN sẽ khởi công năm 2022
Theo đó, Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư được phân công làm chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng. Các ủy viên hội đồng gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương có dự án đi qua.
Các cơ quan có thành viên thuộc Hội đồng thẩm định nhà nước có văn bản cử người gửi về Cơ quan thường trực hội đồng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trước ngày 12-2.
Đường vành đai 3 TPHCM chạy qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chia làm 4 đoạn lớn gồm Tân Vạn – Bình Chuẩn, Tân Vạn – Nhơn Trạch, Bình Chuẩn – quốc lộ 22 và quốc lộ 22 – Bến Lức; trong đó đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch (qua Bình Dương) dài 15,3 km đã được đầu tư 6 làn xe.
Trước đó, vào cuối tháng 1, UBND TPHCM đã gửi tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đường vành đai 3 với tổng chiều dài 91,64 km.
Giai đoạn 1 dự án dài hơn 76 km, thực hiện 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên quy mô tối thiểu 2 làn xe. Cũng ở giai đoạn 1, dự án sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch để giữ đất nhằm tạo thuận lợi khi đầu tư giai đoạn 2 lên 8 làn xe.
Tổng mức đầu tư 75.777 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 41.872 tỉ đồng.
Về tiến độ, từ 2022-2023 chuẩn bị, thực hiện đầu tư; quí 4-2023 khởi công dự án; năm 2025 thi công cơ bản hoàn thành, thông xe toàn tuyến và năm 2026 hoàn thiện tuyến đường.
Về phương án đầu tư công, tờ trình đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư các dự án thành phần ở địa bàn TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và 100% tổng mức đầu tư dự án thành phần ở Long An.
Trước đó, tháng 11-2021, UBND TPHCM và UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã họp, thống nhất ký biên bản về sự cần thiết ưu tiên đầu tư đường vành đai 3 giai đoạn 2021-2025.
Minh Hoàng
Theo Kinh tế Sài Gòn Online