(SGTT) – Vào tối ngày 1-8-2023, ông Dương Văn Ngộ, người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam đã mất tại nhà riêng ở quận 1, TPHCM. Ông qua đời vì tuổi cao, sức yếu, hưởng thọ 94 tuổi.
- Những cô nàng khiếm thị và hành trình lan tỏa lối sống xanh đến mọi người
- Nghe nhà văn người Úc kể chuyện phượt Việt Nam là trải nghiệm đáng thử trong đời
Được biết, ông Dương Văn Ngộ từng là nhân viên Bưu điện Thị Nghè từ năm 17 tuổi. Sau khi về hưu vào năm 1990, ông xin ở lại Bưu điện TPHCM để viết thư tay cho bà con không biết chữ, cũng như dịch thư sang tiếng Anh và tiếng Pháp cho khách gửi đi nước ngoài. Năm 2009, ông được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam.
Tôi từng có dịp gặp ông Ngộ tại Bưu điện TPHCM và ghi nhận hình ảnh về một “lão thư” với mái tóc bạc trắng, thân hình gầy gò, miệt mài viết thư thuê dưới mái vòm của bưu điện. Công việc dần trở nên quen thuộc với ông và cả nhân viên bưu điện cũng như khách du lịch đến tham quan.
Ông từng chia sẻ với tôi về tính chất công việc, gồm viết thư thuê và dịch thuật, cũng như giúp mọi người dán tem đúng vị trí quy định để đảm bảo thư không bị sai khi gửi đi. Khoảng mươi năm trước, có 4, 5 người cùng viết thuê với ông, nhưng đến nay chỉ còn một mình ông duy trì công việc này.
Kể về một kỷ niệm ấn tượng nhất, ông chia sẻ đó là hình ảnh một người mẹ ở Bến Tre, tháng nào cũng bắt xe đò đi hơn 200km để nhờ ông viết thư cho con trai và hai cháu nội đang sống bên Pháp. Dù đôi lúc sức khỏe không tốt nhưng người mẹ vẫn dặn ông viết vài dòng thư báo bình an, để con cháu yên tâm về mình.
Rồi cũng có lúc ông Ngộ giới thiệu với tôi và khách du lịch nước ngoài về những hình ảnh, bài báo và những kỷ niệm mà người khác đã viết hay nói về ông. Trong số đó, ông đặc biệt nhớ tới cuộc phỏng vấn qua điện thoại của cô Việt kiều bên Mỹ, cô ấy không chỉ chân thành mà còn gửi cho ông một tờ báo bằng tiếng Anh. Hay có anh chàng Việt kiều đang sinh sống ở London (Anh) cũng viết bài về ông sau khi đến TPHCM du lịch và có thiện cảm với ông.
Thực sự, tôi không khỏi thán phục sự kiên nhẫn, yêu nghề của ông với khả năng dịch thuật thành thạo hai thứ tiếng Anh và Pháp, ông đã làm việc từ 8 đến 16 giờ mỗi ngày. Với một lượng khách hàng đông, ông viết khoảng 10 bức thư mỗi ngày, giá mỗi bức thư là 10.000 đồng. Song những người có hoàn cảnh khó khăn, ông chỉ nhận 50% tiền công hoặc không lấy bởi nơi ông còn có tấm lòng nhân ái.
Giờ đây, tuy người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam không còn, nhưng tôi tin chắc rằng, trong ký ức mỗi người từng nhờ ông viết vẫn là những hình ảnh đẹp về một người đàn ông miệt mài gửi những dòng thư tay qua trang giấy mang yêu thương đến mọi nơi.
Tiên Sa