HẢI DƯƠNG -
Hà Giang từ lâu mê hoặc du khách bốn phương với cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ, ruộng bậc thang hút hồn Hoàng Su Phì.. Nhưng để chiêm ngưỡng tận cùng bức tranh phong cảnh bao la, vời vợi của vùng đất này, du khách hãy vượt đèo Mã Pí Lèng rồi lang thang trên những cung đường huyện Mèo Vạc cuối trời tổ quốc.
Lần đầu tiên chúng tôi đến Hà Giang mới chỉ leo tới đỉnh đèo Mã Pí Lèng trên cung đường Hạnh Phúc, ngắm dòng Nho Quế xanh biếc chảy giữa hẻm vực rồi quay về. Lần này trở lại, chúng tôi quyết tâm đi xa hơn cung đường quen thuộc để lang thang men theo sườn biên giới Việt-Trung thuộc huyện Mèo Vạc.
Một màu xanh bao phủ núi đồi, Xín Cái hiện ra như một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Qua đỉnh đèo Mã Pí Lèng khoảng 10 km chúng tôi bắt gặp một cung đường uốn lượn quanh sườn núi. Cảnh sắc ngay từ giây phút đầu tiên của hành trình đã hiện ra đầy cuốn hút. Đứng từ xa có thể nhìn thấy những mái nhà của người Mông nhỏ xíu cheo leo trên vách núi. Theo người dân bản địa, đây là cung đường đi cửa khẩu Săm Pun. Cảm hứng cùng sự phấn khích của cảnh vật mang lại, vậy là chúng tôi không ai bảo ai bắt đầu lao xe đổ dốc xuống con đường ngoằn ngoèo trước mắt.
Càng đi càng thấy con đường phía trước hun hút, vắng bóng người. Giờ đây chỉ còn lại những vách núi dựng đứng, cùng dòng Nho Quế nhỏ xíu chạy theo phía dưới chân vực thẳm. Sau cơn mưa vào đêm hôm trước, nước sông Nho Quế đã nhuộm màu đỏ chứ không còn xanh biếc như lần trước chúng tôi đã thấy.
Cung đường uốn lượn theo từng thế núi dần dần hạ độ cao để xuống một thung lũng nhỏ, hẹp. Khi đến địa phận có tên gọi Tràng Hương và phía trước là chiếc cầu sắt nhỏ thì cũng tức là dòng sông Nho Quế ngay sát trước mặt. Có lẽ chúng tôi và nhiều người khác khi đứng ngắm Nho Quế trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng đều muốn sẽ có một lần chạm tay xuống dòng nước sông ấy. Hôm nay chúng tôi đã được thỏa niềm ước ao ấy. Đứng bên dòng Nho Quế, ngửa mặt lên nhìn, chỉ còn thấy những khối núi sừng sững và bầu trời cao. Nghỉ ngơi một lúc để lấy lại sức, chúng tôi lại bắt đầu giục nhau lên đường
Từ Tràng Hương ngược lên cửa khẩu Săm Pun đường càng ngày càng nhỏ hơn và chỉ còn toàn dốc cao, vực sâu. Những con dốc dựng đứng, khúc khuỷu thực sự là một bài kiểm tra thử thách các tay lái cừ khôi nhất. Chúng tôi đã từng nghe ở đâu đó câu nói “Săm Pun vời vợi mây trời”. Và quả thực con đường từ đáy thung lũng nơi mép nước sông Nho Quế ở Tràng Hương cứ lên cao, lên cao mãi như đi tới chín tầng mây.
Núi ở đây xanh thẳm, nhọn hoắt như những mũi khoan khổng lồ đâm lên trời cao. Con đường phía trước nhỏ như một sợi chỉ, ngoằn ngoèo chẳng biết sẽ dẫn đi tới đâu. Những thửa ruộng bậc thang đang mùa nước đổ hiện ra trước mắt tạo nên cảnh sắc thơ mộng, lôi cuốn.
Chúng tôi đến Xín Cái khi bóng nắng đã lên đỉnh đầu. Trên con đường bám theo vách núi bây giờ đã thỉnh thoảng xuất hiện những trẻ nhỏ đùa nghịch hay theo mẹ đi làm nương rẫy. Ngôi trường nội trú Xín Cái nằm bên đường khá khang trang với hai tầng và dường như đó là công trình dễ nhìn thấy nhất ở vùng núi cao vực sâu này.
Những đứa trẻ người Mông hồn nhiên đùa nghịch bên đường.
Tạm biệt Xín Cái, chúng tôi tiếp tục hành trình tới điểm đến mới là Lùng Thúng. Quãng đường này ghi trên bản đồ chỉ khoảng 10 km, nhưng thực sự khủng khiếp với ngay cả mấy tay lái đã từng chinh chiến trên các cung phượt. Đường vừa bé lại rất xấu do đang được sửa chữa, độ dốc lớn cộng với cơn mưa hôm trước càng làm cho những thử thách với chúng tôi thêm phần gian nan.
Thỉnh thoảng đoàn xe leo dốc tới một mỏm núi cao, nhìn xuống dòng Nho Quế vẫn đỏ ngầu và dường như sông chưa muốn chia tay với tầm mắt con người. Tới Lùng Thúng rồi có nghĩa Săm Pun vời vợi mây trời và chợ cửa khẩu Thượng Phùng đã ở ngay trước mắt. Đứng ở đây nhìn về phía trước, một vùng trời bao la rộng lớn ở độ cao 2.500 m so với mực nước biển hiện ra.
Nghỉ lại đêm ở nhà một người Mông gần chợ Thượng Phùng, sáng hôm sau chúng tôi bắt đầu lên đường tiến về xã vùng cao và sâu nhất của Mèo Vạc là Sơn Vĩ. Con đường từ Lùng Thúng vòng sang Sơn Vĩ đi men theo những mốc phân giới hai nước Việt-Trung. Đường đi Sơn Vĩ uốn lượn, cảnh sắc hiện ra đẹp đến nao lòng.
Dân cư dọc biên giới thuộc địa phận xã Sơn Vĩ thưa thớt và nghèo khó. Những căn nhà của đồng bào Mông ở đây lụp xụp với vách cây, mái lợp tấm fibrocement, phía bên ngoài có hàng rào đá. Tuy tường đá, hàng rào đá được xếp khá đơn giản nhưng lại khá chắc chắn.
Cô bé người Mông 9 tuổi này đang đi cắt cỏ phụ mẹ.
Có thể nói cung đường rẽ từ đèo Mã Pí Lèng ngược lên Săm Pun rồi vòng sang đến Sơn Vĩ là một hành trình chinh phục đèo, núi và mây. Mèo Vạc bao la, vời vợi mây trời, núi cao vực sâu dường như hiện rõ nhất trên cung đường này. Để an toàn và đi được đến tận cùng của niềm đam mê, đòi hỏi dân phượt phải có tay lái vững vàng và chăm sóc xe thật tốt thì mới có thể vượt qua những cung đường uốn lượn quanh núi cao chót vót đầy mây mù và một bên là vực sâu thăm thẳm này.