Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Lặng lẽ chợ phiên giữa ồn ào đô thị

Vũ Yến

Đều đặn vào những ngày cuối tuần, chợ phiên nhóm họp. Không phải một mà nhiều chợ phiên. Sài Gòn có chợ phiên, nghe thật lạ và cũng thật thú vị! Thường bắt đầu từ chiều thứ Sáu cho đến tối ngày Chủ nhật, nhiều người rủ nhau: “Đi chợ phiên không?”. Chỉ hai từ “chợ phiên”, thốt ra giữa ồn ào náo nhiệt Sài Gòn có sức gợi mãnh liệt, làm hiện lên hình ảnh của những phiên chợ nơi làng quê Bắc bộ hay những phiên chợ nơi núi rừng Tây Bắc xa xôi…

Độc đáo chợ phiên

Ở Sài Gòn hiện nay ước chừng có gần hai mươi chợ phiên. Có chợ phiên hoạt động từ chiều thứ Sáu đến chiều thứ Bảy, có chợ nhóm họp vào thứ Bảy và Chủ nhật. Là chợ nhưng dường như nhiều chợ phiên ở Sài Gòn mang dáng dấp một sân chơi, một nơi gặp gỡ để cùng chia sẻ những niềm vui, sở thích về hàng hóa giữa người mua và người bán. Cho nên, có nơi chỉ lèo tèo vài gian hàng cũng làm nên một phiên chợ. Có nơi, quy mô chợ phiên lại lên đến cả trăm gian hàng.

Cũng dường như vì được cho là sân chơi nên địa điểm tổ chức chợ phiên khá linh hoạt. Có chợ chọn một khoảng sân rộng ở Nhà Văn hóa Thanh niên, ở Cung Văn hóa Lao động, ở nhà thi đấu, ở rạp chiếu phim; có chợ lại họp ở sảnh khách sạn, thậm chí mở chợ phiên ở quán cà phê... Mặt hàng giao dịch đa dạng, phong phú, độc đáo nên khách hàng ở mọi độ tuổi, nghề nghiệp, sở thích đều có thể tìm thấy từ chợ phiên vài món đồ cho riêng mình.

Chợ ve chai, ở một góc độ nào đó, nó còn là nơi tái hiện ký ức qua những món đồ xa xưa. Ảnh: Thành Hoa
Chợ ve chai, ở một góc độ nào đó, nó còn là nơi tái hiện ký ức qua những món đồ xa xưa.
Ảnh: Thành Hoa

Mỗi chợ phiên mang một đặc điểm về hàng hóa bày bán và tùy theo nhu cầu mà người tiêu dùng chọn chợ phiên để lui tới. Đến giờ đã có những chợ phiên được định hình, như chợ phiên Saigon Flea Market ở khu Phú Mỹ Hưng, quận 7, chợ 2Day sale ở đường Nguyễn Thái Bình, quận 1, chợ phiên Thanh Niên trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 1, chợ Sale4Share tại rạp chiếu phim Galaxy Nguyễn Du, chợ 1Spot ở sảnh khách sạn Victory, đường Võ Văn Tần, chợ sale ở Nhà hát Bến Thành, chợ Garage Sale tại quán cà phê Ân Nam đường Trương Định, quận 3…

Chợ trời Saigon Flea Market do cô chủ người Hưng Yên mở ra vào năm 2011 được coi là chợ phiên hoạt động sớm nhất tại Sài Gòn. Cứ hai Chủ nhật mỗi tháng chợ lại nhóm họp với khoảng 80 gian hàng, bao gồm quần áo thời trang, phụ kiện, túi xách, mỹ phẩm, các vật dụng trang trí gia đình… Điểm thu hút khách khi tới Saigon Flea Market là những món đồ độc đáo, làm thủ công, được những chủ nhân gian hàng giải thích về ý tưởng, chất liệu, cũng như quá trình làm ra nó một cách cặn kẽ, tỉ mỉ với khách hàng.

Nét riêng của chợ phiên cũng có thể tìm thấy ở chợ “ve chai”, được mở cửa mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần tại một quán cà phê trong con hẻm nhỏ đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh. Những người mê sưu tầm gọi đây là chợ phiên ve chai độc đáo nhất Sài Gòn, bởi chợ bán khá nhiều món đồ hiếm, lạ; chủng loại đa dạng, từ bình dân đến cao cấp. Đó có thể là chiếc bật lửa zippo rất cũ, chiếc đồng hồ hay những món nữ trang cổ, đĩa nhạc xưa, máy nghe nhạc bằng đĩa than. Đó có thể là những chiếc xe, chiếc máy quay phim mà giá trị được tính bằng mức độ xưa, cổ. Đó có thể là chiếc tẩu thuốc làm bằng gỗ quý có từ thế kỷ trước, hay chiếc mũ cối và đèn lam lưu giữ ký ức thời kháng chiến. Thậm chí cả những loại tiền cổ của các nước qua từng giai đoạn lịch sử, những cuốn sách xuất bản từ rất lâu, vương màu thời gian…

Hàng hóa ở chợ ve chai khá đa dạng, từ bình dân đến cao cấp. Ảnh: Hồng Lam
Hàng hóa ở chợ ve chai khá đa dạng, từ bình dân đến cao cấp.
Ảnh: Hồng Lam

Rồi còn có những phiên chợ từ bán hàng online chuyển sang gặp gỡ offline cuối tuần. Quy mô các phiên chợ này thường khá nhỏ, chừng 8 đến 20 gian hàng, bán các mặt hàng thực phẩm tự tay làm ra như xôi vò, chả quế, rau sạch, nước mắm sạch, đồ trang trí nhà cửa, bánh mứt, cơm cháy chà bông, mắm tép, ruốc cháy tỏi…

 

Mang ước mơ – chở hoài niệm

Một cô bạn người Bắc vào Sài Gòn lập nghiệp, tham dự rất nhiều buổi chợ phiên, bảo: “Sao đi chợ phiên Sài Gòn mà thấy nhớ quê, nhớ phiên chợ quê quá!”. Quê mà cô bạn nói ở đây là Mai Châu, Hòa Bình, vùng đất có đông người dân tộc Mông sinh sống. Và phiên chợ quê mà cô nhớ là phiên chợ Pà Cò, họp vào Chủ nhật hàng tuần.

Chợ phiên Pà Cò ấy có nhiều điểm giống với các chợ phiên làng quê ở các tỉnh miền Bắc khác như Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định… Chợ phiên Pà Cò cũng như chợ phiên Cán Cấu, Bắc Hà, Sa Pa, Mù Căng Chải ở các tỉnh vùng cao Hà Giang, Lào Cai… là nơi đồng bào dân tộc ít người mang những sản vật ở nhà làm ra như nải chuối, bó rau rừng, bộ váy xòe… tới để bán, trao đổi hàng hóa.

Những món hàng lạ này ở chợ Sài Gòn Flea Market luôn được những chủ nhân gian hàng giải thích về ý tưởng, chất liệu... một cách cặn kẽ với khách hàng. Ảnh: Ngọc Minh
Những món hàng lạ này ở chợ Sài Gòn Flea Market luôn được những chủ nhân gian hàng giải thích về ý tưởng, chất liệu... một cách cặn kẽ với khách hàng.
Ảnh: Ngọc Minh

Có lẽ sẽ quá lãng mạn nếu ví những chợ phiên ở Sài Gòn có nét giông giống những chợ phiên làng quê, chợ phiên vùng cao. Tuy nhiên, điều có thể cảm nhận được là chợ phiên dù ở đâu cũng không đơn thuần chuyện mua bán. Mỗi phiên chợ ở Sài Gòn theo đó không chỉ là nơi bán-mua những mặt hàng, món đồ mình cần, mình thích mà còn là nơi người ta gặp gỡ, làm quen, giao lưu, chia sẻ sở thích, đam mê. Thậm chí, với những buổi chợ phiên như chợ tem, chợ ve chai, ở một góc độ nào đó còn là nơi tái hiện ký ức, nơi thời gian được quay ngược lại với những món đồ xa xưa, nơi nhiều người hoài niệm quá khứ.

Những phiên chợ Sài Gòn cũng là nơi chia sẻ buồn vui, lo toan, bán mua, lập nghiệp của người ở thành phố này. Những sinh viên ít vốn chung nhau mở một gian hàng, những sinh viên không có vốn đi bán hàng thuê kiếm tiền đóng học phí, hoặc như những người ở nơi xa bắt đầu mưu sinh bằng một gian hàng nhỏ… Sài Gòn bao dung và chia đều cơ hội cho tất cả mọi người.

Chợ phiên Sài Gòn, có thể không hoàn toàn mang hơi thở, dáng dấp của những phiên chợ làng quê, chợ vùng cao Tây Bắc, nhưng bản thân nó mang một nét riêng có, chứa đựng văn hóa, lối sống, phong cách của những người sống ở Sài Gòn. Chẳng thế mà, những người tổ chức chợ phiên thường chia sẻ, nhu cầu chính ở chợ phiên không phải là bán-mua, mà là giao lưu, gặp gỡ; không chỉ là trao đổi sản phẩm mà còn trao đổi cả niềm vui, tình cảm cho nhau.

Bài trước
Bài tiếp theo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Những ngôi chợ độc đáo ở TPHCM

0
(SGTT) - Chợ vốn dĩ là hình ản quen thuộc của biết bao người, ấy vậy mà ở tại TPHCM vẫn có những ngôi...

Tấm lòng của chợ

0
Ánh Tuyết Ngày còn bé, đường đến trường của tôi phải qua một cái chợ. Đó chỉ là vài chục cái lều lụp xụp lợp...

Ngẫm giữa chợ mai cuối năm

0
Xuân Huy Năm nào cũng vậy, cứ khoảng một tháng trước tết Âm lịch là tụi bạn quê lại gọi điện thoại hoặc nhắn tin...

Lên “mây”… họp chợ

0
Chí Thịnh Bên cạnh những ngôi chợ truyền thống tồn tại từ rất lâu, đến nay chợ đã có thêm nhiều hình thức hiện đại....

Dạo chợ trong lòng đất

0
Như Quỳnh Xu hướng phát triển đô thị đang đưa những ngôi chợ truyền thống vượt ra khỏi chức năng đơn thuần là mua bán...

Chợ… đèn pin

0
Phạm Đình Quát Ngày nào cũng vậy, cứ tầm 3-4 giờ sáng là con đường Quang Trung, đoạn đầu đường dẫn ra bờ sông Thạch...

Kết nối