Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Làng cửa biển

Bùi Diệp

1. Ngày đó, làng tôi nhỏ bé và buồn hiu hắt như cái tên gọi của nó: xóm Cồn. Đúng ra đó chỉ là một thoi loi được bồi đắp bởi phù sa con sông Dinh (Ninh Thuận) trước khi lao mình ra phía đại dương mênh mông. Ngoài kia, qua khỏi ngã ba sông nghe nói một nửa ngày ghe là vô biên trời nước. Ngày nhỏ theo má tôi ra bến Hương Tư bắt dắt (một loài trai nhỏ), thấy một vùng trời nước lam mờ, hỏi người lớn mới biết đó là biển. Tuy nhiên, dấu ấn biển khơi lần đầu trong đời tôi là thứ âm thanh gieo rắt một nỗi hoang mang mơ hồ và dự báo những gian nan của thân phận người nhà quê, đó là tiếng sóng ngày biển động. Không phải là tiếng sóng rì rào bình yên và thanh thản vỗ vào vách đá mà bạn vẫn lắng nghe từ những bãi biển cát vàng nắng xanh trong những cuộc chơi kỳ thú.

Tiếng biển đầu tiên trong đời tôi hiện ra giữa một khuya nhiều mưa gió. Ngoài trời tiếng gió rít kin kít, ào ào, từng cơn từng chập, sấm chớp lóe chói màn đêm, tôi ôm cứng và thì thào hỏi má cái tiếng ùng ùng vọng về từ xa xa là gì vậy. Má bảo đó là tiếng sóng ối từ phía cửa sông, dấu hiệu lụt to, “sắp ngặt nghèo rồi đây”. Tôi chưa hiểu hết những tai ương sắp xảy ra nhưng hai tiếng “ngặt nghèo” má nói trong tiếng thở dài làm cho thằng bé lên tám như cảm được nỗi buồn lo từ người mẹ, xa hơn là những dự cảm hoang mang mà tôi và má có dự phần. Thiệt tình lúc ấy tôi muốn an ủi cho má yên lòng nhưng không biết làm sao. Trong suy nghĩ trẻ con tôi cho rằng biển cũng giống như người!

SGTT_Cua bien-1

Vậy đó. Biển ngày thơ bé của tôi chỉ là một dải mờ mờ xanh lam vừa mơ hồ vừa gần gũi. Cuối xóm Cồn của tôi là bến Hương Tư, tiếp giáp giữa sông Dinh và biển Đông. Nơi đó là họng biển mà người trong vùng quen gọi là Cửa. Người nhà nông xóm Cồn và người nhà biển làng Cửa tuy cách nhau một trảng cát cửa sông mà cuộc sống khác nhau nhiều lắm, rõ nhất là tính cách và sinh hoạt. Người làng quê quen công việc đồng áng nên dễ chịu đựng, nhẫn nại, kiệm lời và nói năng từ tốn, trong khi người nhà biển tính tình phóng khoáng và “hoang dã” bởi họ sống quanh năm với trời nước biển khơi “ăn sóng nói gió” nên mạnh mẽ và can trường. “Tính khí biển khơi” đó vừa chân chất nhưng cũng dễ làm “người ngoài cuộc” e dè.

2. Khi đã thiếu niên, ngày nghỉ học tôi theo ba tôi ra vùng cửa sông đánh lưới bén (loại lưới đan bằng sợi cước rất mảnh, mỗi mắt lưới nhỏ chừng vừa lọt ngón tay cái người lớn nên còn có tên là lưới một, bắt được nhiều loại cá). Bến Hương Tư là cửa sông nên bắt đầu từ đây con nước đã “chà hai”. Sao gọi là nước chà hai? Xin thưa, nơi giao nhau giữa nguồn nước sông Dinh đổ về gặp nước biển ối lên, mùa gió nồm thổi từ biển đưa con nước lợ (nước chà hai) tràn sâu vào sông. Ôi chao, con nước chà hai rủ theo nó rất nhiều sản vật vừa lạ vừa ngon mà không nơi nào có được. Tôm cá vào mùa nước chà hai thì phong phú lắm. Vì là vùng nước lợ nên có cả cua và ghẹ. Những con cua cốm, ghẹ cốm vừa nhóm mai (sắp lột) nên bên dưới lớp vỏ cứng sắp được lột bỏ là một con cua mới, mập ú, béo núc và mềm lụn nếu đem kho hay hấp đều tuyệt.

Ngã ba sông ngày đó còn xanh um những ngòi dừa nước. Chủ ngòi bán lá còn người làng hưởng tôm cá và trai ốc. Dừa nước giữ chân bùn phù sa nên sinh nhiều rong rêu là môi trường trú ngụ lý tưởng cho cá tôm. Cá bóng nước lợ làm hang trong rạch dừa con nào con nấy như cán dao, đen trũi, mập căng. Rồi thì cá cháo, cá măng, cá lăng, cá căn, cá chốt… Mỗi loại đều có mùi vị đặc trưng. Cá cháo, cá măng, cá đối còn giãy đành đạch trong rổ đem nấu cháo thơm ngon. Cá căn, cá lăng, cá chốt là những thứ đem nấu chua (canh chua) với nắm đọt me hay mấy trái khế, gia thêm nắm lá é, quế cũng ngắt trong vườn khiến bữa cơm nhà quê tuy đạm bạc mà ngon vô cùng.

Ngẫm ra, sông nước biển khơi luôn hiện diện trong đời sống con người quê tôi quen thuộc và gần gũi tựa như cơm ăn, không khí để thở mà vậy. Biển thổi ngọn gió nồm nồng nồng đung đưa cánh võng đưa bé vào giấc trưa hè. Biển no, tôm cá rộn ràng bến bãi. Biển đói, nhiều bữa cơm chỉ có nắm cá khô rang hay chén mắm nêm, mắm ruốc chấm đọt lang, đọt bí hái sau vườn.

Xóm Cồn của tôi nhà nông nhưng cũng “ăn theo” biển. Đặc biệt, vùng nước lợ cửa sông, nơi lý tưởng cho một loài nhuyễn thể sinh sôi nhiều vô kể mà nhờ nó người làng tôi có thêm kế sinh nhai: con dắt. Đó là một loài hến nhưng vỏ mềm, trông giống con trai nhưng nhỏ hơn và thịt rất ngọt. Mùa nông nhàn bà con kéo nhau ra cửa sông cào dắt. Người thì dùng sàng tre sàng cát để bắt dắt. Người thì dùng cào sắt có lưới mắt nhỏ luồn sâu vào lòng cát để lọc cát lượm dắt. Người ngồi ngâm mình trong nước dùng tay để mò, cách này tuy lâu hơn nhưng chỉ toàn là “dắt lựa”, con nào con nấy mập ú và béo ngậy, đem luộc nước ngọt thanh. Dắt con lớn người ăn, con nhỏ dùng làm thức ăn nuôi vịt đẻ, tôm hùm và một vài loài thủy sản nuôi lồng, đìa khác.

3. Bây giờ xóm Cồn của tôi và làng Cửa đã là thị trấn của một thành phố trẻ. Ngã ba sông giờ thay đổi nhiều lắm. Nơi đây người ta dự tính xây một bến cá bề thế. Nhà phố đã lấn dải cát vốn trước đây là những ngòi dừa nước hoang vu.

Thiên nhiên ít nhiều đã bị tổn thương và mất đi phong thái tự tại vốn là bản chất tuyệt vời của nó. Dẫu biết làng xưa quê cũ không thể cứ mãi đóng khung bằng hoài niệm tuy nhiên việc con người đã “làm chủ” thiên nhiên mà không để thiên nhiên có cơ hội tự vệ làm sao mà tránh khỏi những hệ lụy đáng tiếc. Tôi chợt nhớ câu thơ của Trung niên thi sĩ Bùi Giáng như một tiếc nuối muộn màng: Hỏi tên rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa/ Gọi tên rằng một hai ba/ Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.

Thi thoảng có những khuya đơn độc tôi lại nghe tiếng sóng ối ùng ùng từ cửa biển. Như gần lắm. Gần với những dự báo tai ương, với những ngày mưa gió lũ lụt đầy bất trắc phía trước. Có ai đồng cảm với tôi: phải chăng đó là lời phản biện mà thiên nhiên gửi đến con người?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Vùng biển dã của ngư dân “chạy gió”

0
Nguyễn Vĩnh Nguyên Hầu hết ngư dân duyên hải miền Trung hễ nghe biển động là rầu, chỉ có ngư dân ở làng biển Sơn...

Biển ngàn đời, chợ cũng bao đời

0
Tư Miền Biển Khách du lịch đến Nha Trang có thể gặp những con đường mang tên Bến Cá, Hàng Cá, Bến Chợ ngay giữa...

Cây tỏi cô đơn

0
Hoàng Việt Hằng Có một người ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ra Hà Nội mưu sinh mang theo cây tỏi một tép mà dân...

Lạc nghiệp với nghề đóng thúng chai

0
Nguyễn Vinh 30 năm nay, ở xóm Gò (Đông Hải, Phan Rang, Ninh Thuận) có ông Bảy Nam nổi tiếng với nghề làm thuyền thúng...

Nạo vạn nơi vùng biển địa đầu

0
Khánh Tường Người dân Trà Cổ ở địa đầu Tổ quốc gọi nghề cào ngao (nghêu) trên vùng biển giáp biên với Trung Quốc bằng...

Duyên nợ với ghe bầu

0
Thanh Quang Ghe bầu – loại thuyền buồm đi lại trên biển, nhờ đó mà xưa kia xứ Đàng Trong phát triển mạnh giao thương...

Kết nối