Vừa xoay sở khôi phục sau thời gian dài khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, ngành công nghiệp giải trí vừa nỗ lực thay đổi để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khán giả. Nhiều nhà sản xuất nhận định sự dịch chuyển này đem đến làn gió mới, tạo thêm động lực phát triển cho những người làm nghệ thuật. Bên cạnh đó, mang lại kỳ vọng về những điểm sáng trong năm nay.
- Người Mỹ trở lại thói quen mua sắm, giải trí, du lịch như thời chưa có đại dịch
- Giải trí, mua sắm phục hồi mạnh, nhu cầu sở hữu bất động sản thương mại gia tăng
Xu hướng sự kiện giải trí trong không gian ngoài trời
“Mạnh như lò xo nén rồi bung” là nhận định của ông Nguyễn Minh, Giám đốc công ty Kịch Bản Việt, khi nhìn về lĩnh vực tổ chức biểu diễn các liveshow, đêm trình diễn ca nhạc. Chính hai năm dịch bệnh giãn cách xã hội đã khiến cho cuộc sống ngày bình thường mới của người dân thay đổi. Người xem yêu cầu nhiều hơn về không gian, cảm xúc của đêm nhạc, đặc biệt là yêu thích biểu diễn ngoài trời.
Năm qua, thị trường sân chơi này trở nên nhộn nhịp hơn bởi sự xuất hiện của nhiều đơn vị, công ty tổ chức đêm nhạc ngoài trời như Xin Chào, Mây Lang Thang, Lululola… và nhận được phần lớn hiệu ứng tốt từ khán giả. Xu thế kết hợp du lịch, tạo đêm nhạc tương tác hai chiều giữa nghệ sĩ và người nghe trong cùng một diện tích là điểm sáng lớn trong năm và dự báo tiếp tục nở rộ trong năm tới.
Nhiều nhãn hàng lớn cũng chọn xu hướng truyền thông, marketing thương hiệu đến khách hàng thông qua tổ chức, đồng hành tài trợ các đêm nhạc ngoài trời. Với sự chuẩn bị chỉn chu, tìm hiểu “gu” để phân hóa, tiếp cận đúng tệp khán giả, ông Nguyễn Minh đánh giá đây là sự thay đổi hình thức quảng bá thông qua món ăn tinh thần âm nhạc nhằm gần gũi hơn với khách hàng tiềm năng của mình.
Nhìn chung, xu hướng đem tổ chức biểu diễn từ trong nhà ra ngoài trời không mới, nhưng đến nay vẫn gặp khó làm sao để bán được vé và thu hút được nhiều người quan tâm đến xem. Chính vì vậy, bài toán thách thức đặt ra cho đơn vị tổ chức phải tập trung khai thác trúng đối tượng khán giả muốn hướng đến qua việc thăm dò thị hiếu từng nhóm riêng, hiểu họ muốn “chiêu đãi” những gì. Người tổ chức làm màu sắc đêm nhạc trở nên “nét hơn” thay vì gom “sao” tràn lan, ôm đồm quá nhiều phong cách trong một đêm diễn như nhiều năm trước đây, ông Nguyễn Minh nói thêm.
Về sân khấu kịch, người trong nghề cũng nhìn thấy vòng lặp cái cũ mất đi, nhường chỗ cho cái mới mọc lên. Từ góc nhìn của đại diện nhà sản xuất, các sân khấu kịch tại thành phố lớn có thay đổi nhưng vẫn còn chậm chạp. “Chúng ta kỳ vọng nhiều hơn sức bật của mảng này vào năm tới thông qua việc tìm kiếm khán giả ở thị trường online, tập trung truyền thông đến công chúng bằng mạng xã hội, vận hành sân khấu đúng theo mô hình kinh doanh nhiều hơn là làm theo cảm tính, cảm xúc thông thường. Quan trọng nhất, người đứng đầu phải xác định rõ đối tượng khán giả, gọi tên được họ là ai và tạo ra những sản phẩm gãi đúng chỗ ngứa của họ”, vị này nhấn mạnh.
Hứa hẹn sự chuyển biến trong lĩnh vực phim ảnh
Mảng giải trí qua màn ảnh như phim truyền hình, phim rạp, các chương trình gameshow, truyền hình thực tế… cũng trải qua một năm nhiều biến động. Nhiều tác phẩm đem đến nước mắt, nụ cười trong lòng người hâm mộ nhưng cũng không ít sản phẩm tạo ra “điểm đen”, không đáp ứng được mong đợi của người xem. Cụ thể, “Hai ngày một đêm”, “Ca sĩ nặt nạ” gầy dựng được tiếng vang chỉ sau mùa đầu tiên nhưng loạt phim ra rạp không đủ chất lượng, đâu đấy đã phản ánh được bức tranh ảm đạm của điện ảnh Việt năm qua.
Nhà sản xuất Nguyễn Cao Tùng, nổi tiếng với nhiều dự án điện ảnh, nhận định đó là giai đoạn người làm phim cần nhìn nhận lại nghiêm túc kỹ năng làm nghề cũng như sự tôn trọng dành cho những ai bỏ tiền ra rạp. Khán giả Việt Nam cảm thụ văn hóa, đưa ra nhận định, yêu cầu ngày càng cao với sản phẩm nước nhà. Điều đó là tín hiệu tích cực, kiểu “tự hào dân tộc” để những người cầm kịch bản hiểu rõ sức nặng, vai trò của mình mà hoàn thành sản phẩm tốt hơn trong tương lai.
Theo đạo diễn Trần Toàn, phim truyền hình có sự khởi sắc, tuyến phim quay lại các chủ đề về gia đình, chữa lành, hàn gắn sau những vết thương từ đại dịch để lại. Bên cạnh đó, chất lượng hình ảnh, kỹ thuật cũng có sự đầu tư hơn. Những chủ đề cũ được “sáng tạo”, thêm màu sắc riêng để phù hợp với khán giả truyền hình tại thời điểm này. Riêng mảng phim mạng, trình chiếu miễn phí ở các nền tảng khác nhau như Facebook, YouTube phát triển mạnh vá trở thành trào lưu vài năm nay. Các nghệ sĩ trở thành nhà sản xuất, tập trung đầu tư cho kênh của mình qua nhiều phim “nhà làm” chất lượng. Việc cung cấp phim ảnh miễn phí cho người xem cũng tạo sức ép lên sân chơi VOD (video theo yêu cầu), truyền hình trả phí.
Bước vào những ngày đầu xuân năm mới, sau loạt món ăn tinh thần phục vụ ngày Tết lên sóng, lời khen có, chê có, nhưng thị trường giải trí đủ hy vọng vào sự hồi sinh và thay mới mình. Nhiều nhà làm phim tin rằng thị trường phim rạp 2023 sẽ chuyển biến tốt, tạo cơ hội cho những dự án chân chính lấy lại lòng tin của khán giả.
“Lấy người xem là trung tâm, tìm cách khai thách quặng mỏ cảm xúc của khán giả để đem đến những liều thuốc tinh thần đã nhất chính là mục tiêu cuối cùng người làm nghệ thuật. Chúng ta cần đề cao vị trí của họ nhiều hơn vì chính khán giả mới là người cho lĩnh vực giải trí được sống đúng cuộc đời của mình”, ông Nguyễn Minh, Giám đốc công ty Kịch Bản Việt nhấn mạnh.
Trước dự báo nền kinh tế suy thoái, khán giả vẫn mong muốn được ăn nhiều món ngon tinh thần hơn. Đừng nghĩ công chúng không chịu chi tiền cho những sản phẩm văn hóa vì nỗi lo cơm áo gạo tiền, những người làm giải trí hãy nhìn nhận tích cực hơn với thị trường.
An Phú
Theo Kinh Tế Sài Gòn Online