(SGTTO) Là một phần của bộ tiêu chí và chỉ số du lịch bền vững do Đại diện Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP) bàn giao cho Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, tiêu chí du lịch bền vững cho các cơ sở lưu trú vừa và nhỏ được xây dựng nhằm thúc đẩy sự thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng.
- Bảo tồn chợ nổi Cái Răng trong yêu cầu phát triển du lịch bền vững hậu Covid-19
- Tìm lời giải cho câu hỏi “Hành động nào cho du lịch an toàn tại Quảng Nam”?
Tiêu chí này được chia thành 8 chủ đề bền vững chính, mỗi chủ đề gồm một số tiêu chí du lịch bền vững được chỉ định, cùng với các chỉ số du lịch bền vững phù hợp, có thể định lượng (đo lường) được.
Tiết giảm năng lượng và sống xanh
Tám chủ đề du lịch bền vững chính áp dụng cho cơ sở lưu trú vừa và nhỏ là: sử dụng điện hiệu quả, quản lý chất lượng nước và hiệu quả sử dụng nước, quản lý chất thải rắn, quản lý và xử lý nước thải, quản lý hóa chất độc hại, quản lý chất lượng không khí và ô nhiễm tiếng ồn, các hoạt động bảo vệ môi trường khác và phát triển nguồn nhân lực.
Cụ thể, việc sử dụng điện hiệu quả cũng phải đảm bảo 9 tiểu tiêu chí khác: kiểm soát tiêu thụ năng lượng trong cơ sở lưu trú, nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng và cách thực hiện, tiết kiệm năng lượng bằng cách lắp đặt thiết bị năng lượng và chất lượng ánh sáng phù hợp với chức năng của không gian, tối đa hóa ánh sáng ban ngày nhưng giảm thiểu mức tăng nhiệt do mặt trời (sử dụng ánh sáng mặt trời gián tiếp và dùng kính), sử dụng điều hòa hiệu quả, sử dụng quạt vào thời điểm và địa điểm phù hợp, sử dụng các thiết bị điện khác một cách hiệu quả, giảm tiêu thụ điện bằng cách bảo trì thường xuyên thiết bị điện và giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch bằng cách sử dụng năng lượng xanh.
Chín tiểu tiêu chí này có hơn 30 chỉ số mà các khách sạn vừa và nhỏ phải đáp ứng từ 1 đến 3 năm. Ví dụ, những nơi này cần có bảng hướng dẫn để nhắc nhở nhân viên quan tâm tầm quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng, hướng dẫn và khuyến khích nhân viên có hành động phù hợp, có thể sử dụng hệ thống tự động hoặc chìa khóa bằng thẻ đặt vào ổ điện để bật đèn và thiết bị điện, khi khách đến buồng của họ.
Tiêu chí này cũng đưa ra các yêu cầu các khách sạn sử dụng sản phẩm xanh, tham gia các chiến dịch hạn chế biến đổi khí hậu hoặc chương trình vì môi trường của địa phương và quốc gia, bảo vệ cuộc sống hoang dã.
Một số chỉ số quan trọng của những tiểu tiêu chí này là dùng sản phẩm thân thiện môi trường như đồ gỗ hoặc tre; sản phẩm từ vật liệu tái chế; các chất tẩy rửa nguồn gốc hữu cơ và các sản phẩm có “nhãn xanh”, cung cấp cho khách các hoạt động ngoài trời tùy chọn, thân thiện với môi trường, bao gồm đi bộ, đi xe đạp, bơi lội... Các khách sạn cũng cần thông báo cho khách không tham gia các hoạt động gây hại cho động vật hoặc môi trường sống của chúng.
Kim chỉ nam thực hiện
SSTP có đưa ra những hướng dẫn để các cơ sở lưu trú vừa và nhỏ có thể thực hiện 8 chủ đề bền vững trên.
Phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh, kế hoạch hoặc chính sách của từng cơ sở lưu trú, mức độ thực hành du lịch bền vững hiện tại, mà từng cơ sở lưu trú sẽ thay đổi hoặc thực hành nhiều hơn du lịch có trách nhiệm và tùy thuộc vào khả năng (và mức độ sẵn sàng) đối với việc đầu tư của từng cơ sở lưu trú.
Ví dụ, nếu có sẵn những chỉ số tiêu chuẩn về việc sử dụng nước và điện trung bình (và bảo tồn), cơ sở lưu trú sẽ dễ dàng hơn để xác định mức đầu tư cần thiết và thời gian hoàn vốn liên quan. Tuy nhiên, ngay cả khi không có dữ liệu như vậy, mỗi doanh nghiệp cần tính toán đến tính bền vững và lợi tức đầu tư (ROI) kể từ khi đầu tư để có thể nhận thấy việc thực hiện du lịch bền vững sẽ ảnh hưởng đến bảng lãi và lỗ của doanh nghiệp như thế nào.
Đối với các cơ sở lưu trú đang kinh doanh, được xây dựng từ nhiều năm trước, đặc biệt là ở các khu vực đô thị có mật độ xây dựng cao, việc cải tạo sẽ rất khó khăn và tốn kém - ví dụ như xử lý nước thải không đủ tốt hoặc hệ thống điện lỗi thời. Cơ sở lưu trú mới xây dựng - đặc biệt là ở khu vực ngoại thành - có thể đã áp dụng công nghệ tiên tiến để sử dụng hiệu quả và giảm tiêu thụ điện và nước; và giải quyết các vấn đề chất thải dễ dàng hơn, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững.
Bước đầu tiên cơ sở lưu trú sẽ tự đánh giá mức độ bền vững của hoạt động kinh doanh lưu trú hiện tại, dựa trên các tiêu chí và chỉ số du lịch bền vững của SSTP.
Việc tự đánh giá sẽ được các chuyên gia của SSTP xem xét lại và cung cấp thêm tư vấn cá nhân, hoặc chương trình đánh giá tự nguyện do các chuyên gia của SSTP thực hiện, nếu cơ sở lưu trú đề nghị.
Vì bất kỳ cơ sở lưu trú nào cũng phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp khác nhau, do vậy cơ sở lưu trú nên tích cực tìm kiếm sự hợp tác của các nhà cung cấp dịch vụ của mình để cải thiện tính bền vững trên toàn chuỗi giá trị, bằng cách chia sẻ và phổ biến hướng dẫn này.
Tài liệu tham khảo cũng có thể được gửi đến mục Du lịch bền vững của trang website du lịch chính thức của Việt Nam (vietnam.travel/sustainability). Mục Du lịch bền vững này được Hội đồng tư vấn du lịch TAB hợp tác chặt chẽ với SSTP xây dựng, nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp các sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm bền vững cho khách du lịch có trách nhiệm.
Nhân Tâm