(SGTT) - Du lịch xanh và bền vững không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt. Thành phố Hội An nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung, với những nỗ lực tiên phong, đang cho thấy sự chuyển mình trong vận hành du lịch xanh. Nhìn lại hành trình làm du lịch xanh, các doanh nghiệp trong ngành du lịch cho rằng con đường này không hề dễ dàng, nhưng là con đường xứng đáng để đi.
- SGTT đến Hội An vinh danh các điểm đến trong 'Top 7 Ấn tượng Việt Nam'
- Quảng Nam cần làm gì để chứng nhận du lịch xanh vượt qua mức độ thí điểm?
Ý kiến trên được chia sẻ tại buổi buổi tọa đàm với chủ đề “Kiên định với du lịch xanh – Từ cam kết đến hành động” do Sài Gòn Tiếp Thị phối hợp cùng Hiệp hội du lịch Quảng Nam tổ chức, diễn ra sáng 30-3 tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Buổi tọa đàm cũng đã trở thành nơi các diễn giả cùng nhau trao đổi, chia sẻ những giải pháp và định hướng để phát triển du lịch bền vững. Qua đó họ cũng đưa ra những cam kết cụ thể nhằm mục đích bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị trải nghiệm cho khách du lịch.
Cần định hướng rõ ràng ngay từ đầu

Bà Hà Thị Diệu Viên, Tổng quản lý Silk Sense Hoi An River Resort – khách sạn được công bố là không có rác thải nhựa ra môi trường, chia sẻ về những ngày đầu tiên xây dựng resort. “Khi bắt đầu xây dựng Silk Sense, chúng tôi đã tự hỏi liệu con đường mình chọn có đúng không, có hiệu quả và có thể lan tỏa được không. Khái niệm du lịch xanh và Net Zero còn khá mới mẻ ở Việt Nam vào thời điểm đó”, chị cho hay.
Tuy nhiên, Silk Sense đã xác định rõ giá trị cốt lõi của mình là du lịch bền vững. Từ đó, mọi hoạt động đều hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, hỗ trợ cộng đồng và mang lại trải nghiệm ý nghĩa cho du khách.
Cụ thể, từ năm 2019, Silk Sense đã hoàn tất việc chuyển đổi này, giúp giảm thiểu từ 200 đến 300 chai nhựa ra môi trường mỗi ngày. Ngoài ra, Silk Sense cũng triển khai dự án "Green Cups - Ly dùng một lần chưa phải là rác", khuyến khích khách hàng sử dụng ly có thể tái chế thay vì ly nhựa, tiếp tục củng cố cam kết của resort trong hành trình trở thành khách sạn không rác thải nhựa. Và từ tháng 10-2023, Silk Sense cũng đã thử nghiệm ứng dụng công nghệ xử lý rác hữu cơ Waste2Green (W2G). Gần 24 tấn rác hữu cơ được xử lý trong năm 2024 để biến thành phân bón hữu cơ là minh chứng cụ thể.
Trong khi đó, ông Vương Đình Mạnh, Chủ nhiệm CLB Du lịch Xanh Quảng Nam thuộc Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, nhận định sau đại dịch Covid-19, cam kết về du lịch xanh và bền vững ở Hội An và Quảng Nam đã tăng lên rất cao. Trong 3 năm qua, bản thân ông đã chứng kiến sự chuyển đổi từ tự phát sang tự giác, từ giảm thiểu tác động xấu đến tạo ra những thay đổi tích cực.
Và theo ông Mạnh – cũng là tổng quản lý một resort vận hành theo mô hình xanh và bền vững tại Hội An, sự thay đổi này thể hiện rõ nét ở sự chủ động của các cơ sở lưu trú như homestay, villa, khách sạn và nhà hàng trong việc đăng ký và vận hành theo hướng xanh và bền vững. Ông Mạnh cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các làng nghề truyền thống như làng chài Tân Thành, làng rau Trà Quế trong việc tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo và bền vững.
Liên kết và hành động đồng bộ để giải quyết “điểm nghẽn”
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, theo các diễn giả, du lịch xanh tại Hội An và Quảng Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Đó là sự thiếu hụt nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực có chuyên môn về du lịch bền vững. Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng về du lịch xanh còn hạn chế, cần được nâng cao hơn nữa.

Để vượt qua những thách thức này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, bao gồm chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng và du khách. Cần tăng cường đầu tư vào các công nghệ xanh, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực và đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về du lịch bền vững.
Bà Viên nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách và hướng dẫn để du lịch xanh đạt hiệu quả, cũng như việc marketing điểm đến một cách bền vững, sử dụng nguồn sản phẩm và nhân lực địa phương để quảng bá.
Ông Mạnh tin tưởng vào tiềm năng của Hội An trong việc phát triển du lịch xanh và cho rằng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), sẽ hỗ trợ rất nhiều cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng con người và các giá trị truyền thống vẫn là yếu tố cốt lõi, cần được bảo tồn và phát huy. Sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và trách nhiệm với cộng đồng, cùng với việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là những yếu tố then chốt để du lịch xanh phát triển bền vững.
Khoảng 92% du khách cân nhắc đến các lựa chọn du lịch bền vững là con số tích cực, cổ vũ các doạnh nghiệp, địa phương vận hành mô hình du lịch xanh, bền vững.
Bàn về các giải pháp để phát triển du lịch xanh, ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan.
“Chúng ta cần có sự liên kết cụ thể và chặt chẽ không chỉ trong lĩnh vực du lịch mà còn trong văn hóa và các yếu tố khác. Việc khai thác hợp lý văn hóa bản địa, tài nguyên thiên nhiên và ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường là rất quan trọng," ông Sơn cho biết.
Ông Sơn bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của các đơn vị truyền thông, đặc biệt là Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, trong việc quảng bá và kết nối các điểm đến du lịch xanh, tạo ra giá trị gia tăng cho cộng đồng địa phương thông qua việc phát huy các giá trị văn hóa và tài nguyên thiên nhiên.
Tọa đàm với chủ đề “Kiên định với du lịch xanh – Từ cam kết đến hành động” nằm trong khuôn khổ lễ công bố kết quả bình chọn “Top 7 Ấn tượng Việt Nam” năm 2024 và phát động “Top 7 Ấn tượng Việt Nam” năm 2025 tại Silk Sense Hoi An River Resort (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) vào sáng 30-3. Buổi lễ nhận được sự đồng hành từ Công ty Ariston Việt Nam.