(SGTT) - Khi đến vùng cư dân Gia Rai (còn có cách viết khác là Gia-rai Jrai, Jarai) ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, thật lý thú với du khách khi bắt gặp các loại tượng gỗ đặt bên mộ ở các nghĩa địa nằm bên đường.
- “Bánh tét mini” trong tết của người dân tộc phía Bắc
- Khi đồng bào dân tộc lập hợp tác xã nông nghiệp sinh thái
- Trải nghiệm nét văn hóa 54 dân tộc tại Au Lac Legend Hotel
- Bản đồ ẩm thực: Độc đáo thịt hun khói kiểu người Tây Nguyên
Nghĩa địa của người Gia Rai thường là một khu đất trống ở bên đường, bên một góc buôn làng, nếu có được một ít cây lớn và chồi cây thấp che chở lại càng tốt. Đây là điều khác biệt với nghĩa địa của các dân tộc ít người ở Đông và Tây Trường Sơn như Ca Dong, Xơ Đăng, Cor, Cơ Tu vốn thường được cư dân chọn đặt ở một khu rừng già với nhiều cổ thụ rậm rạp, xa cách buôn làng, thường được gọi là rừng ma.
Cũng như một số các dân tộc anh em ở vùng Tây Nguyên (như Ba Na, Rơ-mâm, Rơ-ngao, Hờ-lăng...), đặc trưng nổi bật trong văn hóa tâm linh của người Gia Rai là việc dâng cúng tượng gỗ nơi nhà mồ người thân trong lễ bỏ mả (pa-thi). Là một lễ mà người sống dành cho người thân đã mất, lễ bỏ mả (mộ) được tổ chức trong thời gian từ một đến ba năm kể từ ngày tống táng người khuất, khi chủ gia có đủ điều kiện để làm cỗ cúng và khoản đãi người trong tộc họ, trong buôn làng.
Nhưng vật phẩm quan trọng nhất trong lễ pa-thi là gia chủ phải sắm sửa tượng gỗ để cúng tặng ở mộ phần người khuất. Như tên lễ cúng đã xác định, sau lễ cúng này thân nhân người khuất không còn lui tới mộ phần để cúng đơm, thăm viếng mà bỏ hẳn, giao lại cho đất, cho rừng ngôi mộ này. Và tượng nhà mồ như là phẩm vật cuối cùng mà người thân tế tặng để tỏ tấm lòng của mình (và gia đình) dành cho người khuất.
Thời trước, tượng nhà mồ thường được làm bằng các loại gỗ quý, bền chắc, chịu được mưa nắng lâu dài như trắc, hương, cà chít... nhưng nay khi rừng cạn kiệt gỗ quý, cư dân phải làm tượng bằng các loại gỗ thường, gỗ tạp. Tượng nhà mồ thường đa dạng thể loại, từ hình người, hình con vật, thường theo lối điêu khắc tả thực hay cách điệu, là những tác phẩm thể hiện nghệ thuật khắc đẽo trên gỗ bằng những công cụ thô sơ của người vùng cao, đây là biểu trưng tính văn hóa, thẩm mỹ tộc người rất rõ nét. Và loại vật dâng cúng được coi là đặc trung của nghĩa địa của các dân tộc ít người ở Tây Nguyên này cũng là cách biểu hiện năng lực kinh tế của người thân và dòng tộc đối với người khuất: nhà giàu tế tặng cho một ngôi mộ nhiều tượng đẹp, to được làm bằng gỗ qúy, người nghèo chỉ là những tượng nhỏ, gỗ thường, đẽo khắc, sơn vẽ đơn sơ.
Cũng như phần vật thực cần có để khoản đãi bà con, làng nóc trong lễ bỏ mả, chi phí cho việc tìm gỗ, đẽo tượng cũng khá tốn kém, nhiều người đã không thể làm lễ pa-thi cho người thân của mình theo hạn lệ. Cũng có người, vì phải ưu tiên dành tiền của làm lễ bỏ mả cho người khuất trước nên phải đình hoãn việc tổ chức lễ cưới cho con cái, cho phép họ được về sống chung với nhau đến dăm ba năm sau mới làm tiệc cưới đãi đằng bà con, làng nóc.
Một bức tranh mới có tính đa dạng về nhà mồ và tượng nhà mồ cũng đang diễn ra ở các vùng cư dân Gia Rai. Sự tiếp cận, giao lưu văn hóa với người miền xuôi vốn cộng cư với cư dân bản địa trong vùng đã làm thay đổi một phần tập tục đối với mồ mả của người Gia Rai.
Đã có một số cư dân Gia Rai xây mộ bằng vật liệu mới, đã thay các tượng gỗ bằng tượng đúc có bán sẵn, họ cũng thăm viếng, nhang khói thường xuyên cho những phần mộ của người thân được họ làm theo kiểu thức mới này dù đây là những ngôi mộ đã qua lễ bỏ mả.
Huỳnh Văn Mỹ