Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Kiếm bộn tiền từ máy cũ

Thái Ngọc

Dù là hàng thải ra ở các nước công nghiệp phát triển, những chiếc máy cơ khí chế tạo cũ vẫn được nhiều doanh nghiệp trong nước tìm mua, một phần vì giá cả vừa túi tiền, một phần vì độ bền của máy cao.

80% là máy Nhật

Quốc lộ 1A, đoạn từ ngã tư An Sương đến Hương Lộ 2, TPHCM, là nơi tập trung khá nhiều cửa hàng bán máy cơ khí chế tạo cũ. Tại khu “chợ” này, những người có nhu cầu có thể tìm thấy các loại máy CNC (Computer Numerical Controlled – điều khiển tự động), từ phay, tiện, bào đến máy ép, thổi nhựa, khí nén... Khoảng 80% các loại máy được nhập về đây có xuất xứ từ Nhật Bản.

Chỉ vào hai cái máy tiện loại hai trục đời 2005 của hãng Eguro (Nhật Bản) mới nhập về tháng trước, ông Đinh Quốc Phong, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hiền Châu, có văn phòng gần ngã tư Gò Mây, quận Bình Tân, TPHCM, ra giá mỗi cái khoảng 250 triệu đồng, kèm theo lời giới thiệu “giá tương đối mềm và tình trạng máy còn sử dụng tốt”.

Máy CNC cũ từ Nhật đáp ứng được nhu cầu của nhiều cơ sở cơ khí trong nước.
Máy CNC cũ từ Nhật đáp ứng được nhu cầu của nhiều cơ sở cơ khí trong nước.

Ông Phong cho biết đã mở công ty mua bán máy CNC cũ tại đây được khoảng sáu năm nay. Với những loại máy của công ty bán, khách mua về có thể sử dụng được ngay. Khách hàng của công ty cũng khá đa dạng, cơ sở sản xuất nhỏ cũng có, công ty lớn cũng có.

Theo ông Phong, trước đây phân khúc máy cũ còn ít người bán nên kinh doanh có lãi nhiều. Nay, nhiều cửa hàng mở ra, kéo theo sự cạnh tranh quyết liệt, nên lợi nhuận cũng không còn nhiều như trước. “Bán được một máy có thể kiếm được khoảng 70 triệu đồng, chưa trừ chi phí mặt bằng và nhân công. Nhưng nhiều khi cũng lỗ chỏng gọng, phải bán máy theo giá sắt phế liệu”, ông Phong cho biết.

Trên đoạn đường có cả trăm công ty, cơ sở, cửa hàng chuyên kinh doanh cách loại máy công nghiệp. Cách cửa hàng của Công ty Hiền Châu không xa là bãi máy của Công ty TNHH MTV Đạt Phương Bình. Bãi máy này trải dài khoảng 50 m đường quốc lộ, với đủ các loại máy lớn nhỏ nằm cả trong nhà lẫn ngoài trời. Trợ lý giám đốc của công ty, ông Trần Minh Hiếu, cho biết có đến 80% các loại máy CNC tại đây nhập từ Nhật Bản, 20% còn lại nhập về từ Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước châu Âu.

Ông Hiếu nói rằng loại máy công ty nhập về là những máy trưng bày, máy thải ra do thay đổi công nghệ, máy thanh lý từ các công ty bị phá sản, và cả những máy từ các bãi rác máy công nghiệp. Đa số máy cũ này được sản xuất từ năm 1985-2005, nhưng khi về Việt Nam được “tút” lại nên vẫn đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nhiều doanh nghiệp.

30 năm vẫn chạy tốt

Một số người kinh doanh trong lĩnh vực này cho rằng sở dĩ các cơ sở bán máy cũ vẫn có đất sống là do các dòng máy có xuất xứ từ Nhật Bản vẫn được tin dùng vì máy vận hành ổn định. Thậm chí, ông Hiếu của Công ty Đạt Phương Bình còn so sánh những chiếc máy cũ của Nhật đời 1990 vận hành ngang bằng với máy mới của Trung Quốc hiện nay.

Tuy nhiên, ngoại trừ máy trưng bày, các máy nhập về đều phải “mông má” lại, chủ yếu ở hệ thống điện, một phần do tuổi đời, một phần do vận chuyển. Song, thường thì các cửa hàng nếu có “tút” lại cũng chỉ làm sơ sơ, dặm lại những chỗ trầy, không dám sơn mới lại. Bởi máy được sơn mới lại khó bán hơn, “vì khách khó thẩm định được tình trạng của máy”, ông Phong nói. Cũng có công ty bán nguyên trạng cho khách, sau đó ai có nhu cầu mới tiến hành tu sửa lại.

Ông Bùi Thanh Luân, Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện tử Hiệp Phát, cho biết công ty thường mua xác máy về, làm lại hệ thống điện, bảng điều khiển rồi sau đó tìm người để bán lại. Giá sửa chữa hệ thống điện, điều khiển dao động trong khoảng 40-100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Mô hình vi trực thăng, chuyên sản xuất linh kiện cho trực thăng mô hình xuất khẩu, cho biết khi đã làm lại hệ thống điện thì các máy CNC cũ này dù có tuổi đời 10-30 năm vẫn hoạt động trơn tru. Các máy mới của Trung Quốc chỉ hoạt động tốt được trong vài năm đầu, sau đó hay hư hỏng, không ổn định và nhất là sai số lớn hơn máy của Nhật.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tìm nguồn hàng thông qua các nhóm chuyên mua máy cũ của Nhật Bản. Khi có một nhà máy nào đó do phá sản hay thay đổi công nghệ cần thanh lý, nhóm này sẽ thông báo cho các đối tác Việt Nam biết để trực tiếp đấu thầu. Thỉnh thoảng có doanh nghiệp Nhật bán một lô nguyên cả nhà máy.

Mỗi lĩnh vực đều có phân khúc khách hàng riêng của mình, chợ máy công nghiệp cũ này cũng vậy. Một số doanh nghiệp ở khu chợ này cho biết, nhiều cửa hàng không chỉ bán được hàng cho các doanh nghiệp trong nước mà còn bán được cho những doanh nghiệp ở Ấn Độ và Hàn Quốc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thẩm định máy móc cũ để không nhập “rác”

0
ANH ĐÀI - Theo quy định mới tại thông tư vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, từ ngày 1-7-2016 sẽ cấm...

Kết nối