THÁI NGỌC -
Ngày 7-7 vừa qua, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM (LĐTBXH TPHCM) có buổi sơ kết sáu tháng đầu năm, trong đó có đề cập đến vấn đề sắp xếp lại các cơ sở từ thiện. Hiện đã có các quy định về cơ sở vật chất đối với các cơ sở từ thiện, và đó cũng là vấn đề nan giải cho nhiều cơ sở từ thiện hiện nay.
Khó đáp ứng
Theo Sở LĐTBXH TPHCM, thành phố hiện có 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập, 53 cơ sở ngoài công lập, nhưng chỉ có 32 trong số này đã được cấp phép. Các trung tâm bảo trợ xã hội đang nuôi dưỡng 6.713 người.
Các cơ sở từ thiện ngoài công lập đóng góp đáng kể vào việc chăm sóc, tạo nơi ăn chốn ở và học hành cho những người có hoàn cảnh không may. Tuy nhiên, để đáp ứng được các quy định về cơ sở vật chất theo quy định là điều không đơn giản.

Ngôi nhà Hạnh Phúc tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM là một trong những cơ sở phải dừng hoạt động. Hoạt động từ năm 2006, cơ sở này đang nuôi dưỡng 32 em nhỏ bị bỏ rơi, mồ côi. Ngôi nhà Hạnh Phúc bị buộc phải giải tán vì chưa được cấp phép do không đủ điều kiện.
Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM, giải thích việc đóng cửa cơ sở này là do diện tích quá nhỏ, chỉ có hai phòng, mỗi phòng chưa đầy 20 m². Những yêu cầu về bếp ăn, nhà vệ sinh đều không đáp ứng. Chính quyền, cơ quan chức năng kiểm tra, và chủ cơ sở cũng nhiều lần xin gia hạn, nhưng vẫn không giải quyết được.
Theo Nghị định 68/2008/NĐ-CP về thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội, diện tích đất tự nhiên bình quân khu vực nông thôn 30 m²/người, ở thành thị 10 m²/người. Diện tích phòng ở bình quân 6 m²/người. Cơ sở nuôi dưỡng từ 10 người trở lên phải có nhà ở, nhà bếp, khu làm việc của nhân viên, có điện, nước. Từ 25 người trở lên, ngoài các quy định trên ra còn phải có khu vui chơi giải trí, đường đi nội bộ.
Với quy định này, các cơ sở từ thiện xã hội ngoài công lập rất khó để đạt được. Ông Nguyễn Chí Linh, phụ trách một mái ấm trên đường Dương Bá Trạc, quận 8, cho biết cơ sở có diện tích 100 m², nuôi dưỡng 20 em 8-16 tuổi. Xét theo Nghị định 68 thì mái ấm này không đạt chuẩn, và chỉ có thể nhận thêm khi có em ra ngoài.
Tương tự, mái ấm Bừng Sáng trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, cũng đang nuôi dưỡng 20 em khiếm thị, mồ côi, không nơi nương tựa, trong ngôi nhà có tổng diện tích khoảng 120 m². Chị Nguyễn Thị Hoàng, phụ trách mái ấm, cho biết cơ sở này có thể nuôi được nhiều trẻ hơn, nhưng quy định không cho phép.
Khó xin phép
Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM đang có tám mái ấm, nơi đang nuôi dưỡng khoảng 200 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa. Phó chủ tịch hội Lê Thị Thanh cho biết mái ấm Bà Chiểu hoạt động từ năm 1996, nhưng nhiều năm nay vẫn chưa thể xin phép được theo Nghị định 68, mặc dù trước đó theo quy định cũ mái ấm đã được thành phố cấp phép.
Năm 1996, quận Bình Thạnh cấp đất cho liên hiệp phụ nữ quận và hội phụ nữ từ thiện đứng ra xin kinh phí xây dựng nhà để mở mái ấm Bà Chiểu với diện tích sử dụng khoảng 350 m². Lý do để được cấp phép, theo bà Thanh, hội phải là chủ sở hữu, hoặc có hợp đồng thuê lại. Nhưng trước đây, không ai nghĩ phải làm sổ cho miếng đất.
Mái ấm Hoa Hồng Nhỏ trên đường Lâm Văn Bền, quận 7, cũng trong hoàn cảnh tương tự. Bà Mai Thị Hoa, Phó giám đốc Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM, đơn vị đứng ra tổ chức, hoạt động mái ấm này, cho biết trước đây, theo quy định cũ mái ấm này đã được cấp phép, nhưng khi làm lại giấy phép theo Nghị định 68/2008/NĐ-CP thì hơn hai năm nay vẫn chưa được cấp. Nguyên nhân diện tích đất mái ấm Hoa Hồng Nhỏ một phần trước đây được hội bỏ tiền ra mua, một phần phường Tân Kiểng cho một vạt đất ao rau muống để nới rộng đã sử dụng ổn định hàng chục năm không có ai kiện cáo gì, nhưng do không làm giấy tờ đất nên bây giờ vướng khi xin phép.
[box type="bio"] Theo ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM, trong tuần này các phòng chức năng của sở sẽ làm việc với từng em tại Ngôi nhà Hạnh Phúc. Các em có gia đình, người thân thì cho về nhà, còn những em không có nơi nương tựa sẽ được đưa vào các cơ sở bảo trợ của thành phố.[/box]
Có nên hạ tiêu chí?
Theo tinh thần Nghị định 68/2008/NĐ-CP, Nhà nước khuyến khích các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo, cá nhân trong và ngoài nước… lập cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc, nuôi dưỡng những người có hoàn cảnh không may.
Ông Dũng cho biết các tổ chức, cá nhân bên ngoài đã góp sức lớn trong việc nuôi dưỡng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, học hành cho những người có hoàn cảnh không may. Việc quy định chi tiết về giấy phép, cơ sở vật chất, con người, tài chính để những con người có hoàn cảnh éo le này bảo đảm có được nơi nuôi dưỡng tốt hơn.
Bà Thanh của Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM cũng đồng ý những ràng buộc theo Nghị định 68/2008/NĐ-CP là tốt, song quy định cũng cần xét đến hoàn cảnh của từng địa phương. Tại TPHCM, các cơ sở ngoài công lập phải đám ứng đủ tiêu chuẩn diện tích 10 m²/người, diện tích phòng ở 6 m²/người là rất khó. Nhiều cơ sở xã hội dù chưa thể đầy đủ nhưng các em cũng có chỗ ăn ở nghiêm túc, được học hành đến nơi đến chốn. Nếu xét theo các tiêu chí này, dẹp bỏ các cơ sở bên ngoài thì chính những người có hoàn cảnh không may sẽ chịu thiệt thòi nhiều nhất. Trên thực tế, các cơ sở của Nhà nước không thể chăm sóc tất cả.
Bà Nguyễn Thị Liên, Phó giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM, cho rằng thành phố phải chiếu theo Nghị định 68/2008/NĐ-CP và Nghị định 81/2012/NĐ-CP để thực hiện chứ không thể làm khác được. Các cơ sở xã hội trên địa bàn thành phố có thể nêu ý kiến nới lỏng một số tiêu chí, đặc biệt về diện tích trên đầu người, dựa vào đó sở sẽ tổng hợp và kiến nghị lên Chính phủ.