AN NGUYỄN -
Các kiến trúc sư khuyên rằng, với căn phòng của ông bà hay những người lớn tuổi trong gia đình, để tạo ra một không gian đẹp và an toàn, các gia đình nên thiết kế theo lối kiến trúc rõ ràng, mạch lạc. Trong đó công năng của từng vị trí, vật dụng phải đảm bảo được tính hợp lý, thuận tiện và phân khu cụ thể.
Từ những gam màu
Theo thời gian, thị lực của mỗi người sẽ phần nào bị giảm sút, nhất là ở độ tuổi “về chiều”. Do vậy, lời khuyên của các kiến trúc sư nội thất là nếu nhà có người lớn tuổi, gia chủ nên bố trí mức độ chiếu sáng tự nhiên vừa đủ, với lối đi và công tắc đèn có thể bật được ở cả hai vị trí là gần cửa vào phòng và đầu giường – đảm bảo các hoạt động thường nhật được diễn ra dễ dàng, qua đó tránh sự tối tăm, bí bách làm người già có cảm giác cô đơn, trầm cảm.
Riêng với những gian phòng nằm ngay hướng đón nắng, các gia chủ có thể “chữa cháy” bằng cách trang bị thêm rèm cửa, vừa che chắn ánh sáng vừa làm cho phòng ngủ người già thêm hoàn chỉnh. Hiện rèm cửa có nhiều loại cho người tiêu dùng lựa chọn, song với phòng người già chỉ nên chọn sản phẩm có màu sắc nhẹ nhàng, họa tiết đơn giản để mang lại cảm nhận dễ chịu, yên ắng.
Theo nhân viên kinh doanh một công ty thiết kế nội thất ở quận 3, TPHCM, khi thiết kế phòng dành cho người lớn tuổi thì gia chủ thường chọn những màu trung tính, có độ sáng vừa phải. Đặc biệt, các căn phòng phải có những vách ngăn che chắn kỹ càng để gió hay ánh nắng mạnh không làm ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của người lớn tuổi.
Yếu tố tiếp theo để xây dựng một căn phòng lý tưởng dành cho người lớn tuổi chính là kiến trúc, trong đó các không gian hình vuông hoặc chữ nhật, có độ thông gió tốt để tạo sự thông thoáng mang đến một tinh thần sảng khoái, vui vẻ và dễ chịu. Với các bức tường, gia chủ không nên lắp kính hoặc sử dụng quá nhiều loại đèn điện, chất liệu sơn có màu sắc sặc sỡ mà nên chọn một vài tông màu mang đến sự nhẹ nhàng, yên tĩnh như nâu, be, xám.
Tiếng ồn, giường ngủ
Do tính chất sức khỏe nên người lớn tuổi cần được sống trong một không gian phù hợp, thông thường đó sẽ là tầng trệt hoặc lầu 1, tạo một khu vực yên tĩnh với thiết kế cửa cách âm, chống ồn. Lưu ý thêm là tránh bố trí gần nhà bếp, nhà ăn, các phòng karaoke, phòng kỹ thuật có chứa máy gây tiếng ồn nhưng cũng không nên tách biệt hoặc quá xa khu vực trung tâm (phòng sinh hoạt chung) vì người già luôn có nhu cầu giao lưu, muốn gần con cháu.
Kết hợp cùng độ cao lý tưởng thì lối đi lại cũng phải được thông thoáng, rộng rãi với đồ đạc trong phòng được bố trí ngăn nắp để thuận tiện cho quá trình di chuyển. Ví dụ, giường và tủ quần áo nên kê sát tường, không nên kê đối diện với cửa ra vào khiến người nhìn có cảm giác phòng bị thu nhỏ, làm ảnh hưởng đến lối đi chung.
Đối với giường ngủ của “các cụ”, thông thường sẽ là giường đơn. Ngoài ra, người lớn tuổi thường có nhiều thời điểm phải hạn chế đi lại, do đó phòng ngủ nên có thêm các chức năng sinh hoạt khác như xem ti vi, nghe đài, bàn hoặc ghế đọc sách… Bên cạnh đó, việc trang bị một hệ thống báo động và thông tin liên lạc cũng được không ít gia đình lựa chọn, nhằm đề phòng những tình huống xấu có thể xảy ra.
Nếu phòng có ban công, việc tạo một không gian xanh với nhiều loại cây sẽ giúp người già có thêm thú vui. Kế tiếp, để tạo niềm vui tinh thần cho người lớn tuổi thì việc trang trí thêm một số khung hình, có thể là tranh ảnh của gia đình hay của con cháu trong nhà cũng góp phần giúp trí nhớ của người già được tăng cao hơn.
Từ vật dụng đến chốt cửa
Một trong những yếu tố có tầm ảnh hưởng đến sức khỏe của người lớn tuổi phải được kể đến là những đồ đạc và những vật dụng trong phòng cũng nên được cố định để tạo sự quen tay, phòng khi mất điện vào buổi tối hoặc trường hợp ốm đau, không minh mẫn mà không có con cháu bên cạnh. Tuy nhiên cũng nên hạn chế bố trí các loại vật dụng bằng kim loại sắc, nhọn hoặc nhựa tổng hợp ở những vị trí hay chạm đến. Trong đó những chất liệu phổ biến nên sử dụng là giấy dán tường, gỗ tự nhiên, gỗ nhân tạo có vân và màu gỗ tự nhiên…
Với các ổ điện hoặc bảng điều khiển thiết bị điện phải lắp đặt đúng tiêu chuẩn an toàn, ở các vị trí dễ tiếp cận, dễ sử dụng. Không nên lắp đặt các loại thiết bị điện, nước, điện tử, điện lạnh… có cơ chế vận hành phức tạp hoặc có khả năng gây nguy hiểm ở trong phòng và phòng vệ sinh liên quan, ví dụ như bồn tắm có hệ thống sục, hệ thống lò sưởi điện…
Ông Bùi Ngọc Thanh, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Kế hoạch và Đầu tư phát triển xây dựng (quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, với phòng ở của cha mẹ hay ông bà, các gia đình có thể lắp thêm các loại kính có độ dày vừa phải, chống va đập tốt để vừa làm vật trang trí, vừa giúp các thành viên khác có thể trông nom, quan sát từng hoạt động của người lớn tuổi.
Cuối cùng, để đảm bảo cho sự an toàn, các gia đình nên chú ý tới thiết kế của cửa phòng, trong đó nên lắp đặt những loại chốt khóa dễ thao tác đóng/mở. Khóa cửa phòng cần phải để một bộ ở ngoài để có thể kiểm soát và xử lý khi có sự cố. Với cánh cửa các gia đình có thể sử dụng ô kính để tiện cho việc trông nom cũng như dễ dàng phá vỡ để mở chốt khóa từ phía trong khi xảy ra sự cố.