(SGTT) - Hình thức mạo danh các tổ chức tài chính, ngân hàng để lấy cắp thông tin tài khoản, chiếm đoạt tài sản thông qua tin nhắn đang ngày càng gia tăng với thủ đoạn tinh vi, phức tạp.
- Cuối năm, người dân cần cẩn trọng với một số thủ đoạn lừa đảo qua ngân hàng
- Cảnh báo thủ đoạn cướp SIM, đoạt tiền
- Lại chuyện lừa đảo ở máy ATM
Gần đây, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) cho biết xuất hiện đối tượng mạo danh SCB gửi tin nhắn SMS lừa đảo về việc tài khoản của khách hàng bị khóa hoặc đã đăng nhập ở một thiết bị khác, thông báo về đăng ký dịch vụ mới, tài khoản bị trừ tiền... và yêu cầu khách hàng bấm vào đường link trong tin nhắn để Hủy hay Thanh toán dịch vụ. Nội dung này được gửi đến nhiều khách hàng, bất kể khách hàng có sử dụng hay không sử dụng dịch vụ của SCB.
Nếu là khách hàng không có tài khoản tại SCB thì sẽ biết đây là tin nhắn giả mạo. Tuy nhiên, với những khách hàng có mở tài khoản tại SCB và thiếu thông tin về các trường hợp lừa đảo sẽ dễ sa vào bẫy của tội phạm.
Ngân hàng Sài Gòn (SCB) khuyến cáo khách hàng không bấm vào bất kỳ đường link nào trong tin nhắn giả mạo ngân hàng cũng như không cung cấp các thông tin đăng nhập.
Nhiều đường link lừa đảo được cung cấp trong tin nhắn giả mạo như scb.vn-eg.top, scb.vn-eg.xyz, scb.vn-tr.xyz, scb.vn-tr.xyz, scb.vn-zt.top, scb.vn-tr.top… Các đường link lừa đảo chỉ sai khác một vài ký tự hoặc chi tiết so với đường link thật nên rất dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng. Đường link dẫn đến website mạo danh có giao diện gần giống với trang chủ tương ứng theo thương hiệu ngân hàng bị mạo danh. Khi khách hàng nhập username/password và mã OTP, những kẻ lừa đảo sẽ chiếm đoạt tài khoản và đánh cắp tiền.
Trước đó, ngoài SCB, nhiều ngân hàng khác cũng xuất hiện các tin nhắn giả mạo, lợi dụng sự cả tin của người dùng để lấy thông tin.
Anh L.Đ.M, 21 tuổi, sống tại quận 1 TPHCM, cho biết “Vào một buổi sáng, tôi nhận được tin nhắn từ số liên lạc có tên ngân hàng Agribank với nội dung: tài khoản của Quý khách vừa mở dịch vụ tài chính toàn cầu với phí dịch vụ hằng tháng là 2.800.000 VND sẽ bị trừ trong 2 giờ. Nếu không phải bạn mở dịch vụ, vui lòng nhấn vào một đường link để hủy. Lúc đầu tôi hơi giật mình và lo lắng, thế nhưng tôi kịp trấn tĩnh, nghi ngờ tin nhắn lừa đảo và không nhấn vào link này".
Trước đó, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) cũng nêu cảnh báo đến khách hàng khi một số số đối tượng lừa đảo sử dụng tin nhắn giả mạo thương hiệu VIB, với mục đích chiếm đoạt thông tin đăng nhập ứng dụng MyVIB/Internet Banking. Theo đó, tin nhắn giả mạo VIB có nội dung thông báo: “Quý khách đã đăng ký dịch vụ tài chính toàn cầu và yêu cầu Quý khách bấm vào link (ví dụ: vib.vn-xxxxx) để hủy dịch vụ”. VIB đã nhấn mạnh đây chính là đường dẫn giả mạo.
VPBank ngay 12-8 cũng đã khuyến cáo khách hàng "tuyệt đối không bấm vào các đường link, tên miền lạ, không cung cấp mã OTP, mã xác nhận cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng". Đồng thời phía ngân hàng đang khẩn trương làm việc với đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông và các cơ quan chức năng để ngăn chặn hành vi giả mạo.
Ngân hàng Techcombank cũng ra thông báo với nội dung tương tự. Sau khi phát hiện khách hàng nhận được tin nhắn kèm link mạo danh, ngân hàng đã nhanh chóng làm việc với cơ quan có thẩm quyền để sớm có phương án xử lý. Theo đó, link giả mạo trong tin nhắn không còn truy cập được.
Tuy đã được cảnh báo rộng rãi, thế nhưng vẫn có những người dùng thiếu cảnh giác, để rơi vào bẫy của kẻ xấu. Để đảm bảo tài khoản an toàn và bảo mật, người dùng cần chú ý, tuyệt đối không bấm vào các đường link gửi qua tin nhắn SMS, nếu có nghi ngờ tốt nhất nên liên hệ đến số hotline của ngân hàng mình mở tài khoản.
Tuyết Nhi