Theo TS Dương Văn Ni, thay vì nhập sếu đầu đỏ về để bảo tồn và phát triển (nuôi) thì nên chú trọng vào nền tảng khôi phục hệ sinh thái để kéo đàn sếu đầu đỏ trở về lại Vườn quốc gia Tràm Chim.
- Đồng Tháp lập chương trình phát triển đô thị cho vùng đệm Vườn quốc gia Tràm Chim
- Dự án cụm công nghiệp Phú Hiệp sẽ tác động nguy hiểm đến Vườn quốc gia Tràm Chim
Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có thông báo kết luận của ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh, tại buổi làm việc với Vườn quốc gia Tràm Chim. Trong đó, giao đơn vị này chủ trì, phối hợp với Giám đốc Chương trình bảo tồn sếu Đông Nam Á, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cùng các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh khi có thông tin chính thức về việc nhập 2 cá thể sếu đầu đỏ từ Lào.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao Vườn quốc gia Tràm Chim hoàn chỉnh đề cương dự án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032.
Về bảo tồn những loài hoang dã, TS Dương Văn Ni, chuyên gia về đa dạng sinh học vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết vào những năm 1950-1960 trên thế giới đã xúc tiến chuyện bảo tồn bằng việc bắt loài hoang dã về nuôi nhốt cho sinh sản. Tuy nhiên, các đánh giá sau đó cho thấy, việc nuôi nhốt là không tốt, bởi sẽ làm mất đi tính hoang dã hay nói đúng hơn là mất đi bản năng tự sinh tồn của nó. Khoảng thập niên 1990-2000, đã có ý kiến không ủng hộ việc bắt loài hoang dã nào đó để nuôi nhốt.
Trong một số trường hợp bất khả kháng, để duy trì nguồn gen, việc nuôi nhốt bắt buộc phải thực hiện để tránh nguy cơ tuyệt chủng của loài, ông Ni cho biết thêm.
Sếu đầu đỏ được “bảo tồn” ở Thái Lan ra sao?
Đối với sếu đầu đỏ, theo ông Ni, hiện trong khu vực (các nước Lào, Campuchia và Việt Nam) còn khoảng 400 cá thể, giảm khoảng 10 lần so với con số khoảng 4.000 cá thể đã từng ghi nhận trước đó.
Chính sự sụt giảm nêu trên, theo ông Ni, các đánh giá cho biết sếu đầu đỏ có nguy cơ bị tuyệt chủng, vì vậy từ khoảng năm 2000-2002, Thái Lan bắt đầu chương trình bảo tồn loại chim này bằng cách nuôi nhốt và việc này được Hội Sếu quốc tế hỗ trợ về mặt kỹ thuật.
Theo ông Ni, việc nuôi nhốt sếu đầu đỏ ở Thái Lan thành công. “Nhưng, khi những cá thể khoẻ mạnh đủ điều kiện và được thả ra tự nhiên thì sau đó đã biến mất, tức bản năng tự sinh tồn của nó không đủ, thành thử khi về thiên nhiên nó không hoà nhập nên bị những con khác ăn thịt, hoặc không tự tìm được thức ăn nên chết”, ông cho biết.
Đến khoảng năm 2015-2016, đúng vào thời điểm khu vực Đông Nam Á xảy ra đợt khô hạn khốc liệt kéo dài, dẫn đến vùng đất khô hạn đã được mở rộng. Điều này, giúp một số con sếu đầu đỏ được thả ra bên Thái Lan sinh sản thành công.
Theo ông Ni, vùng sinh thái khô được mở rộng đã giúp cây năng kim phát triển, tạo nguồn thức ăn (củ năng kim) cho sếu đầu đỏ. “Chương trình này được đánh giá thành công, nhưng nó phải kèm theo điều kiện là giữ được một vùng sinh thái khô rộng lớn để có đủ thức ăn giúp sếu đầu đỏ có thể sinh sản được”, ông cho biết.
Khôi phục sinh thái “kéo” đàn sếu tự nhiên về lại Tràm Chim
Riêng ở Vườn quốc gia Tràm Chim, theo ông Ni, vào nhưng năm 1989-1990, một quần thể sếu đầu đỏ khoảng 1.800-2.000 con đã được ghi nhận. Tuy nhiên, từ những năm 2021-2022, nơi đây đã không còn ghi nhận sự xuất hiện của loại chim này. (Theo Vườn quốc gia Tràm Chim, năm 2021 đã ghi nhận sự xuất hiện 3 cá thể sếu đầu đỏ).
Ông Ni cho biết có nhiều yếu tố tác động đến sự biến mất của sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Thế nhưng, tác động lớn nhất xuất phát từ quyết định về việc ban hành chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng năm 2012.
Theo ông, quyết định này đúng cho những vùng sinh thái trên núi, tức nếu để xảy ra cháy, thì việc phục hồi rất khó, phải mất hàng trăm năm. Tuy nhiên, vùng sinh thái của Vườn quốc gia Tràm Chim là sinh thái đất ngập nước, tức cháy là một phần của sinh thái nơi đây, nó giúp cỏ cây phục hồi tốt hơn ở mùa sau. Nhưng vì quyết định này bao phủ, thành thử Vườn quốc gia Tràm Chim hay các khu bảo tồn khác đều sợ cháy nên phải trữ nước quá nhiều.
Cụ thể, Vườn quốc gia Tràm Chim đã giữ nước quá cao, tức đã chuyển từ hệ sinh thái của đầm ngập nước theo mùa thành vùng ngập nước quanh năm. “Điều này dẫn đến mất đi nguồn củ cỏ năng kim, trong khi sếu đầu đỏ về Tràm Chim với mục đích lớn nhất là tìm thức ăn, củ cỏ năng kim”, ông Ni cho biết.
Theo ông Ni, với Thái Lan, quốc gia này đã biến đất ngập nước thành ruộng lúa, cho nên chuyện tập trung nuôi nhốt là không tránh khỏi. Tuy nhiên đối với Việt Nam, cơ hội để kéo đàn sếu đầu đỏ tự nhiên quay lại vẫn còn. “Do đó, nếu chúng ta không tích cực cải thiện hệ sinh thái để đàn sếu tự nhiên có thể quay về thì nó sẽ mất vĩnh viễn lộ trình đi kiếm ăn trong đầu của nó và thế hệ sếu con cũng không được truyền “kinh nghiệm” đi đến vùng này (Tràm Chim) để ăn”, ông Ni nói.
Theo ông Ni, cần phải coi trọng việc phục hồi hệ sinh thái, tức không nên giữ ngập Vườn quốc gia Tràm Chim quá nhiều. “Hệ sinh thái phục hồi giúp đàn sếu tự nhiên quay về là quan trọng hơn chuyện phải bỏ nhiều tiền ra để nuôi nhốt”, ông nói.
Trung Chánh