(SGTT) - Bình Thuận là một tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với nhiều bãi biển đẹp, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, cùng với bề dày lịch sử văn hóa lâu đời. Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững, Bình Thuận cần khai thác hiệu quả những câu chuyện đặc sắc của địa phương để tạo nên sức hút riêng cho thương hiệu du lịch của mình.
- Bình Thuận muốn phát triển du lịch cộng đồng dựa vào sinh thái hồ-rừng
- Gành Son Bức tranh nghệ thuật của đất trời Bình Thuận
Khi tuyến cao tốc đường bộ đoạn Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo chính thức đưa vào sử dụng, gần đây ngành “công nghiệp không khói” của Bình Thuận càng thêm sức cạnh tranh hút khách. Đâu chỉ có vậy, Bình Thuận còn có những câu chuyện “có một không hai” tạo nét riêng của vùng đất.
Với góc nhìn lữ hành, câu chuyện trong xây dựng sản phẩm du lịch rất phù hợp với xu hướng du lịch mới khi du khách yêu cầu phải có các chương trình trải nghiệm sâu hơn nơi họ đến tham quan. Không chỉ dừng lại là các câu chuyện của từng điểm đến qua lời thuyết minh của hướng dẫn viên.
Những sự kiện lịch sử
Năm 1995, sự kiện nhật thực toàn phần vào ngày 24-10 đã thu hút hàng trăm ngàn người từ khắp nơi đổ về Mũi Né (TP Phan Thiết, Bình Thuận) để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên. Có lẽ địa danh Bình Thuận từ đây cũng được du khách biết đến. Nhưng quanh mảnh đất hơn 300 ngày nắng này còn chứa đựng cả một kho tàng.
Phải kể đến thời kỳ đấu tranh giữ nước với câu chuyện của các thủ lĩnh nghĩa quân Cần Vương ở Bình Thuận như Ung Chiếm, Cao Hành, lãnh đạo nghĩa quân và nhân dân Bình Thuận chống Pháp, phong trào mở mang dân trí của cụ Phan Châu Trinh với nội dung giảng dạy tiến bộ nhất Bình Thuận thời bấy giờ. Nơi có dấu chân chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành làm ông giáo ở trường Dục Thanh hay biệt danh “Chiến khu cọp” với các câu chuyện ly kỳ trong hồi ký về Thái An thuộc chiến khu Lê (Bắc Bình) của cố Thiếu tướng Phạm Hoài Chương.
Thời kỳ đầu sau bao cấp, khi ngành du lịch Việt Nam mới bắt đầu phát triển, du khách chưa biết đến du lịch biển đảo của Bình Thuận nhưng đã biết đến thương hiệu nước mắm nức tiếng của Bình Thuận, nhất là thương hiệu nước mắm Liên Thành. Đây là hãng nước mắm thuở hình thành nhằm làm kinh tế gây quỹ hoạt động cho phong trào Duy Tân. Không chỉ vậy năm 1911, Liên Thành đã giúp đỡ Nguyễn Tất Thành trong quá trình từ Phan Thiết vào Sài Gòn và lên tàu ra nước ngoài. Liên Thành trở thành một trong những công ty Việt Nam đầu tiên xây dựng thương hiệu Việt từ những năm đầu của thế kỷ 20, đây sẽ là câu chuyện thú vị cho du lịch Bình Thuận.
Những câu chuyện văn hoá
Khu vực Mũi Né là điểm nóng phát triển, thu hút du khách nhưng ở Bình Thuận những địa phương khác cũng có tiềm năng du lịch không hề kém cạnh nhưng chưa được khai thác. Các lễ hội truyền thống đặc sắc của Bình Thuận nếu được nâng tầm tổ chức sẽ khẳng định thêm vị trí đẳng cấp quốc tế của thương hiệu du lịch Bình Thuận.
Chẳng hạn như công trình độc đáo của dinh Thầy Thím ở Lagi, một di tích lịch sử văn hóa có giá trị tâm linh cao được công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia (năm 1997). Hàng năm, Lễ hội Văn hóa Du lịch dinh Thầy Thím được tổ chức với nhiều nội dung nhằm gìn giữ lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc. Nhằm kể lại câu chuyện cảm động về lối sống nhân ái, tình nghĩa của vợ chồng đạo sĩ thông qua lễ hội mang đậm nét dân gian miền biển duyên hải như khiêng thúng ra khơi, đánh cá, đan lưới, nghe kể sự tích Thầy Thím… sẽ thu hút thêm nhiều du khách đến Bình Thuận.
Lễ hội Cầu ngư tại Vạn Thủy Tú được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, Di tích lịch sử cấp quốc gia có giá trị rất cao trong thương hiệu du lịch địa phương. Tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông của ngư dân nơi đây hàm chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, hướng con người đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống, tôn trọng và sống hài hòa với thiên nhiên, khát vọng về cuộc sống bình yên của ngư dân vùng biển sẽ được kể khi du khách đến lễ hội và chiêm ngưỡng bộ xương cá Ông lớn nhất ở Đông Nam Á dài 22m nặng 65 tấn và gần 100 bộ xương cá voi lớn nhỏ khác nhau, có niên đại từ 100 đến 150 năm.
Du lịch Bình Thuận còn thừa hưởng nhiều câu chuyện văn hoá lớn với di sản Champa. Có thể nhắc đến như quần thể tháp Poshanư. Theo người dân địa phương, tháp được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ VIII, đầu thế kỷ thứ IX tại Vương quốc Chăm Pa cổ, thờ thần Shiva - một trong những vị thần Ấn Độ giáo được sùng bái và tôn kính nhất trong văn hóa Champa.
Tháp được xây dựng theo phong cách kiến trúc Hòa Lai, một kiểu kiến trúc tháp thành công nhất, đẹp nhất của người Champa, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu mỹ thuật. Sự ra đời của quần thể tháp gắn liền với câu chuyện tình đẹp nhưng buồn của công chúa Poshanư, người có công lớn trong việc tổ chức hướng dẫn nhân dân vùng Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc ngày nay sản xuất nông nghiệp, khai phá đất rừng làm rẫy, trồng lúa nước, trồng bông dệt vải, xây dựng các công trình thuỷ lợi và cũng là người đã định ra nhiều quy tắc trong quan hệ giao tiếp, đối xử tiến bộ trong gia đình và xã hội Chăm thời kỳ đó.
Bình Thuận còn có câu chuyện về ngọn hải đăng Kê Gà, một cây đèn biển bằng đá đạt kỷ lục cao nhất (67m), nhiều tuổi nhất (116 năm), đẹp nhất (kiến trúc bằng đá) ở Việt Nam. Đây cũng là ngọn hải đăng có tuổi đời lớn nhất Đông Nam Á.
Trong một thị trường du lịch đầy tính cạnh tranh nhất là trong thời đại tiêu dùng 4.0, những quảng cáo về đặc tính hay chất lượng của các sản phẩm, dịch vụ làm du khách bị "bội thực”. Bằng cách đi sâu vào những câu chuyện để xây dựng thương hiệu theo cách riêng có của địa phương, Bình Thuận sẽ có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch.
Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận từng ví von: “Ngày xưa Bình Thuận là cô gái có duyên nhưng ở vùng xa xôi, cách trở, khắc nghiệt, nên ít ai để ý. Còn hiện nay, Bình Thuận như cô gái đến tuổi cập kê, càng lớn càng xinh đẹp, chỗ ở và đi lại thuận lợi, nhà cửa khang trang hơn, chàng trai nào cũng muốn đến”. Tuy nhiên, "cô gái xinh đẹp Bình Thuận" cần tiếp tục lột xác thành cô tiểu thư quý tộc đẳng cấp quốc tế nếu du lịch Bình Thuận tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch mới lạ và có các chiến dịch truyền thông thương hiệu hiệu quả từ chính các câu chuyện đặc sắc của địa phương.
Phan Yến Ly