(SGTT) - Theo Bộ Công Thương, mỗi tháng có khoảng 1 tỉ đô la Mỹ hàng hóa nước ngoài về Việt Nam qua 4 sàn thương mại điện tử lớn. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có một lượng thuế của Việt Nam bị thất thoát nếu không điều chỉnh các quy định hiện hành.
- Khuyến khích phát triển thương mại điện tử theo hướng bền vững
- Thương mại điện tử và nỗi lo 800.000 tấn rác thải vào năm 2030
Xoay quanh những vấn đề về thương mại điện tử, thanhuytphcm.vn đưa tin, trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu tại kỳ họp thứ 7 diễn ra ngày 4-6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sẽ phối hợp các bộ, ngành chức năng tham mưu với Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử.
Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ xem xét bãi bỏ quy định miễn thuế VAT với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ, tránh tình trạng nhập khẩu thương mại điện tử cạnh tranh với hàng trong nước không bị áp thuế. Theo quy định hiện hành, những hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng không bị áp thuế VAT.
Qua theo dõi cho thấy, 4 sàn thương mại điện tử lớn nước ngoài đang khai thác ở nước ta mỗi tháng giao dịch khoảng trên dưới 1 tỉ đô la Mỹ với hàng nhập khẩu. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có một lượng thuế của Việt Nam bị thất thoát nếu không điều chỉnh các quy định hiện hành.
Ngoài ra, nêu thêm giải pháp chống thất thu thuế, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thực tế doanh số giao dịch trên sàn lên tới gần 21 tỉ đô la Mỹ, việc nộp thuế trong lĩnh vực này vào năm 2023 theo thống kê đã tăng 16,1% so với năm 2022 nhưng vẫn còn thất thu thuế trong lĩnh vực này.
Trên thực tế, Bộ Công thương đã phối hợp với ngành thuế và Bộ Tài chính xây dựng cơ sở dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, hướng đến việc thực hiện rà soát và tăng khả năng quản lý thuế trên sàn. Thời gian tới, cơ quan này cũng phối hợp với Bộ Công an thực hiện các biện pháp trong áp dụng định danh điện tử cho người bán trên sàn giao dịch, để quản lý, chống thất thu thuế…
Cũng theo bản tin trên, mức tăng bình quân của hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam khoảng 20-25%/năm, thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng. Quy mô thương mại điện tử đạt trên 20 tỉ đô la Mỹ/năm, chiếm 8% tổng doanh thu hàng hóa tiêu dùng cả nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thêm, thương mại điện tử đang phải đối mặt với 3 thách thức chính là người tiêu dùng mất an toàn dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng bao vây; thất thu thuế với tỷ lệ đáng kể.
Để khắc phục tình trạng này, bộ sẽ phối hợp với Bộ Công an xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó có lĩnh vực thương mại điện tử. Bên cạnh đó là yêu cầu các tổ chức cá nhân kinh doanh xây dựng quy tắc bảo mật thông tin; yêu cầu sàn giao dịch điện tử công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
Bộ Công thương kỳ vọng, khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực vào ngày 1-7 tới, những quy định này sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên.