Người tiêu dùng đi chợ, siêu thị muốn mua các loại thực phẩm tươi sống như thịt gà, thịt heo, tôm, cá… chỉ có thể lựa chọn theo cảm quan chứ không thể biết trong đó có chứa những loại chất cấm gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.
Hiện nay, tại các siêu thị bán nhiều mặt hàng tôm đông lạnh, tôm tẩm bột chiên…, người tiêu dùng dễ nhận thấy đa phần bao bì sản phẩm chỉ ghi tên của nhà sản xuất, giá tiền chứ không có thêm thông tin nào khác. Chị Thanh Hòa, một khách hàng mua tôm đông lạnh tại siêu thị trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú), cho biết chị hầu như không biết đến các chất kháng sinh trên tôm, chỉ thấy ngon thì mua về ăn dần thay vì mua tôm tươi mất công làm sạch.
Việc sử dụng kháng sinh để kiểm soát dịch bệnh được nhiều người nuôi thủy sản sử dụng như một cách bảo vệ “miếng cơm” của mình. Vì thế, trong ba tháng trở lại đây, nhiều lô hàng tôm đông lạnh của Việt Nam liên tiếp bị cơ quan quản lý ở thị trường nhập khẩu phát hiện có chứa các chất kháng sinh như Chloramphenicol, Enrofloxacin, Ethoxyquin, Furazolidone… vượt ngưỡng cho phép.
Mới đây, cả Nhật và Liên hiệp châu Âu (EU) đều cảnh báo đã phát hiện một số lô tôm xuất khẩu của Việt Nam có chứa chất Oxytetraxycline (OTC) vượt ngưỡng cho phép. Nếu tiếp tục bị phát hiện ở những lô hàng tiếp theo thì nguy cơ tôm Việt Nam bị cấm cửa ở hai thị trường này rất cao.
OTC là chất kháng sinh có khả năng diệt các loại vi khuẩn ưa khí và kỵ khí… được người nuôi tôm dùng để xử lý vi sinh vật trong ao nuôi và sản xuất thuốc kháng sinh bán trên thị trường. Tuy nhiên, chất này cũng gây ra những phản ứng phụ hết sức tai hại. Theo tài liệu Dược thư quốc gia Việt Nam của Bộ Y tế, việc sử dụng OTC ở trẻ em sẽ khiến cho xương chậm phát triển, giảm sản men răng và làm biến đổi vĩnh viễn màu răng thành vàng xám hoặc nâu. Phụ nữ mang thai sử dụng OTC cũng có thể khiến xương thai nhi chậm phát triển, gây biến thẫm màu răng vĩnh viễn.
Theo bà Nguyễn Thị H., một người nuôi heo ở huyện Chợ Gạo, Tiền Giang, có những thời điểm thịt heo “dội chợ”, các thương lái thường khuyên người nuôi nên sử dụng các loại kháng sinh, chất tạo nạc để con heo cho nhiều nạc, săn vai, u bắp… rồi mới chịu mua. “Các thương lái thấy heo không săn vai, nhiều mỡ sẽ tìm cách ép giá và khuyên chúng tôi là nên sử dụng chất tạo nạc để cho heo ăn”, bà nói.
Ngay trong đợt bùng phát dịch cúm gia cầm A/H5N1 vừa qua, nhiều trang trại chăn nuôi gà thừa nhận ngoài việc tiêm vắc-xin, họ cũng tăng cường thêm các chất kháng sinh vào thức ăn cho đàn gà.
Trước đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TPHCM từng kiến nghị với Bộ NN-PTNT cho sử dụng bộ kít để kiểm tra dư lượng kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật trên thực phẩm. Nếu phát hiện có chứa các chất gây hại cho sức khỏe thì sẽ thu giữ sản phẩm để lấy mẫu kiểm tra.
Tuy nhiên, theo một cán bộ của Sở NN-PTNT, kiến nghị này không được Bộ NN&PTNT chấp nhận vì không phù hợp với các quy định hiện hành. Nghĩa là cơ quan kiểm tra muốn đình chỉ kinh doanh, tạm giữ lô hàng cần phải căn cứ trên kết quả kiểm nghiệm trước đó. Nhưng để kiểm nghiệm các loại chất kháng sinh, dư lượng thuốc trừ sâu… nhanh nhất cũng mất 2-4 ngày và trong trường hợp phát hiện sản phẩm có chứa các chất cấm, đoàn kiểm tra cũng chẳng biết phải làm sao vì sản phẩm đã được bán cho người tiêu dùng từ mấy ngày trước đó.
Ngọc Hùng
Người tiêu dùng không thể nhận biết được thực phẩm nào bị nhiễm chất cấm, chất độc hại - Ảnh: Uyên Viễn