(SGTT) - Hiện nay, dù UBND TPHCM đã cho phép lực lượng giao hàng công nghệ được hoạt động tại các "vùng đỏ". Tuy nhiên, người dân tại một số khu vực tại TPHCM vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với lương thực, thực phẩm trong mùa dịch, thậm chí bị lừa đảo.
- Shipper mùa dịch mạo muội đề xuất vài ý kiến về chuyện lương thực, hàng thiết yếu
- TPHCM miễn phí xét nghiệm Covid-19 cho shipper giao hàng
- Từ 30-8, shipper được hoạt động trong “vùng đỏ” tại TPHCM
Hàng hóa vẫn khan hiếm, khó đặt mua
Ngày 29-8, UBND TPHCM đã chính thức cho phép đội ngũ giao hàng công nghệ (shipper) được hoạt động. Các shipper hoạt động ở 22 quận, huyện, thành phố phải là người đã được tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc xin và thực hiện xét nghiệm nhanh có kết quả âm tính với Covid-19.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân tại TPHCM, hiện nay việc liên hệ đặt mua thực phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn trong thời điểm hiện tại.
Chị Lê Yên ở phường 15, quận 10, TPHCM, cho biết hình thức đi chợ hộ nơi chị sống dù đã được triển khai một tuần nhưng đến nay chị và mọi người gần nhà vẫn chưa nhận được các loại thực phẩm đã đặt mua từ nhiều ngày trước đó.
“Do tổ trưởng khu phố đã lớn tuổi, nên mọi người trong khu phố chọn ra người khác để đảm nhận việc cập nhật đơn hàng. Tuy nhiên, sau khi chốt đơn bên tổ dân phố lại thông báo phải chờ đến tuần sau mới đến lượt khu phố mua hàng”, chị Yên nói.
Bên cạnh đó, khu vực chị Yên sống, việc mua sắm thực phẩm qua hình thức đặt hàng trực tuyến, chờ shipper giao hàng khá tốn thời gian, liên tục bị huỷ đơn, hàng cũng khan hiếm giá cao. Các cửa hàng, siêu thị như BigC, Bách hóa xanh, Co.opmart luôn trong tình trạng quá tải không nhận đơn trực tuyến, các cửa hàng thực phẩm thì đóng cửa, các mặt hàng rao bán cũng ít ỏi, lúc có lúc không và giá thành cao.
Cùng hoàn cảnh, chị Nguyễn Thị Kim Ngân ở quận Bình Tân, TPHCM, cho biết hiện tại khu vực gia đình chị Ngân sinh sống chỉ được cung cấp đường dẫn để đặt hàng trực tuyến từ cửa hàng Bách hóa xanh. Tuy nhiên, việc đặt mua thực phẩm cũng khá nhọc nhằn và cũng chưa biết khi nào thực phẩm mới được giao đến, còn hình thức đi chợ hộ thì vẫn chưa được phổ biến.
Anh Võ Ngọc Quốc, shipper giao hàng tại khu vực quận 10, TPHCM, cho biết hiện tại, khi di chuyển trên các tuyến đường, tài xế đều phải dừng lại ở các chốt chặn để lực lượng chức năng kiểm tra các giấy tờ liên quan như thẻ làm việc, giấy đi đường, quét mã QR thông tin lộ trình nên việc giao hàng sẽ chậm hơn và gặp nhiều khó khăn.
Lừa chuyển tiền để “đi chợ hộ” trong mùa giãn cách
Đáng chú ý, hiện có nhiều đối tượng lợi dụng việc người dân không ra khỏi nhà mua hàng được đã tạo các tài khoản trên mạng giả làm người bán hàng trong các nhóm trên trang mạng Facebook, Zalo để lừa đảo người đang có nhu cầu mua thực phẩm qua mạng.
Chị Trần Thúy đang sống tại phường 10, quận 10, TPHCM, cho biết mới đây chị bị lừa mất 210.000 đồng sau khi chuyển tiền mua thực phẩm. Vì đồ ăn trong nhà gần hết, chị Thúy vào nhóm "Tôi là dân quận 10" trên Facebook thấy có người đăng tin đi chợ hộ nên tranh thủ đặt mua thực phẩm cho gia đình.
Ngày 23-8, chị chốt đơn và chuyển khoản trước 210.000 đồng cho tài khoản có tên “Thảo Nguyễn” để mua hàng với lời hứa sẽ giao hàng vào ngày hôm sau. "Tuy nhiên, tôi chờ đến nay vẫn không có bất kỳ mặt hàng nào được chuyển đến nhà", chị nói.
Sau đó, chị liên tục gọi điện và gửi tin nhắn hỏi về đơn hàng. Khi phát hiện bị chặn tin nhắn và bài viết đăng tin bán hàng của đối tượng này bị gỡ khỏi trang, chị mới biết mình đã bị lừa, chị Thúy ấm ức kể lại.
Để lấy lòng tin của người đặt hàng, đối tượng này tự xưng là nhóm thiện nguyện, giúp người dân đi chợ, không tính phí vận chuyển. Ngoài ra họ còn hứa sẽ hỗ trợ cho những gia đình khó khăn 1 thùng mì và 1kg bún khô nhưng phải chuyển tiền vào tài khoản trước với lý do nhóm đang bận nhiều công việc, không thể đi gom tiền từng nhà, chị Thúy nói.
Tương tự, chị Kim Thanh đang sống tại quận 10, một người vừa mới bị lừa chuyển tiền đi chợ hộ, cũng cho biết, vì gia đình đang cần thực phẩm gấp, không thể chờ tổ dân phố giao hàng quá chậm nên đành phải lựa chọn đặt mua online.
Tuy nhiên, “tôi không ngờ mình bị lừa chuyển tiền mua thực phẩm, sau đó đối tượng chặn Facebook và lặn mất tăm. Tôi hy vọng các cơ quan chức năng nên có hướng xử lý, ngăn chặn những kẻ lừa đảo, đồng thời cảnh báo cho người dân nhẹ dạ cả tin để tránh mất tiền oan. Mùa dịch bệnh ai cũng khó khăn, ấy vậy mà lừa tiền của nhau quá tội”, chị Thanh chia sẻ.
Bên cạnh trang mạng xã hội Facebook, tình trạng lừa đảo đi chợ hộ cũng xảy ra tại các nhóm Zalo, trong đó nhiều nhất là những nhóm Zalo của các khu chung cư tại TPHCM gây hoang mang cho người dân.
Để giảm bớt gánh nặng cho các lực lượng “đi chợ hộ” người dân trong thời gian giãn cách tăng cường, tối ngày 29-8, UBND TPHCM có Công văn số 2925/UBND-ĐT cho phép người giao hàng của các nền tảng công nghệ (shipper) hoạt động theo phạm vi 1 quận, huyện, thành phố Thủ Đức dựa trên danh sách của Sở Công Thương.Theo đó, UBND TPHCM thống nhất cho phép lực lượng shipper theo danh sách của Sở Công Thương được lưu thông ra đường theo phạm vi một quận, huyện, thành phố Thủ Đức trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Minh Hoàng – Minh Thảo