NGUYỄN HUỆ NGHI -
Nhiều cây viết trẻ hôm nay đã dễ dàng đạt được thành công về thị trường khi biết sử dụng thành thạo những ưu thế công nghệ trong viết lách và quảng bá.
Những quyển sách mỏng, gọi là tản văn, được tập hợp từ các đoạn nhật ký, notes (ghi chép ngắn của các chủ trang cá nhân trên mạng xã hội), thậm chí là comments (bình luận, phản hồi) của họ từ trên các trang mạng nhanh chóng tìm được sự đồng điệu của người đọc cùng thế hệ.
Hai thời kỳ “văn mạng”
Nếu như một thời, những trang viết (sáng tác, nhật ký, bình luận) từ blog có văn phong táo bạo, cá tính khi “hóa thân thành sách” đã mang lại cho các cây bút nữ một thời như Keng, Gào, Hà Kin, Trần Thu Trang, Tâm Phan… sự thành công nhất định về thương mại, danh tiếng, thì nay, mạng xã hội với ưu thế truyền thông, tương tác trực tiếp, mạnh mẽ hơn, một thế hệ những tác giả trẻ trung, đa sắc thái đã xuất hiện và “làm mưa làm gió” trên… thị trường sách.

Trên giá sách dành cho độc giả trẻ xuất hiện những cuốn sách có nguồn gốc từ mạng xã hội như thế, bán khá tốt. Trong số những cây bút nói trên, thì có những người ý thức sự khác biệt giữa tính chất của sách với những notes nhất thời là ở vấn đề ý niệm giá trị thời gian hướng đến, họ có những chỉnh sửa nhất định khi tập hợp in sách, để sách có tính lâu dài, không dừng lại ở những điều vụn vặt, vu vơ chóng qua. Nhưng đa số thì chỉ cần cấu trúc lại một chút, hoặc “bê nguyên xi” notes trên mạng lên sách và nôn nóng khẳng định, hướng tới sự phù phiếm của tiếng tăm và giá trị thương mại. Hầu hết những cây bút dạng này cố gắng tạo ra liên kết giữa sách và mạng bằng nhiều cách: thiết lập mã vạch hai chiều (QR code) hay in đường link trên sách để người đọc có thể truy cập thẳng vào trang cá nhân hay fanpage (trang hâm mộ), hoặc ngược lại, từ trang fanpage, trang cá nhân, quảng bá cho ấn bản. Cũng như các ca sĩ, trên trang fanpage của họ luôn luôn có những topic (chủ đề) tranh luận về đủ thứ chuyện trên đời, lôi kéo các fan hâm mộ vào cuộc.
Thời gian qua, những cây bút đang được giới trẻ yêu thích qua những tập tản văn nhẹ nhàng lãng mạn như Anh Khang, Hamlet Trương, Phan Ý Yên hay Iris Cao… đều là những người giỏi sử dụng chức năng tương tác, lan tỏa của công nghệ vào quảng bá cho tác phẩm của mình. Họ thu gặt được những thành công lớn về thương mại khi các nhà sách tranh giành tác quyền những tác phẩm mới của họ và sẵn sàng in vài chục ngàn bản trong đợt in đầu tiên.
Nhóm sách dạng “liên mạng” này đang ngày càng nở rộ. Danh sách những cái tên thành công trong thị trường sách in nhờ biết tận dụng lợi thế công nghệ mang lại ngày càng nối dài. Một cách khách quan, công nghệ, cụ thể là mạng xã hội không chỉ giúp họ đẩy thông tin tác phẩm đến với công chúng mà còn là nơi để thế hệ những người viết mới “làm hình ảnh” bản thân, chia sẻ về hình mẫu lối sống mà nhiều người đọc ao ước, đồng thời, thực tế tương tác hàng ngày cũng tạo nguồn cảm hứng để họ viết lách.
Nếu “soi” giá trị...
Người tiêu dùng sách trẻ hóa cũng là một trong những yếu tố góp phần quyết định sự thành công của dòng sách khai thác từ nguồn mạng xã hội.
Thường thì các nhà phê bình văn học nghiêm túc ít đánh giá cao loại tác phẩm thị trường dạng này. Nếu soi mục kỉnh với những hệ quy chiếu giá trị nghiêm túc vào những tác phẩm thị trường là một việc làm hoài công. Nhưng phải thừa nhận rằng, đây là những tác phẩm có chỗ đứng riêng, có khe thị trường riêng, cụ thể, tạo ra sự sôi động riêng cho đời sống xuất bản đang ở vào thời kỳ khá trầm lắng. Giữa thời buổi các đơn vị làm sách đều đang thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi phí truyền thông, ca thán về nhiều đầu sách giá trị in 1.000 bản bán không trôi thì những đầu sách dễ làm, dễ bán, giúp gia tăng lượng độc giả tiềm năng không hấp dẫn sao được. Những buổi ra mắt sách diễn ra trẻ trung, năng động, hấp dẫn, hình ảnh người viết đầy năng lượng, hiện đại và đôi khi có chút phù phiếm son phấn thì cũng chẳng sao, quan trọng là sau đó cảnh độc giả rồng rắn hàng giờ để chờ những thần tượng của họ ký tặng… đem lại rất nhiều động viên cho những người làm sách thức thời.
Tuy nhiên, những gì quá thức thời thì thường… nhất thời. Như đã đề cập, những cuốn sách được sinh ra từ những bình luận, nhật ký mạng sẽ dễ dàng là thứ mỏng manh trước đòi hỏi về giá trị lâu dài mà một cuốn sách cần có, ngay cả khi người viết, người làm sách chủ định tính giải trí phù du của nó.
Về mặt tích cực, sự thành công của dòng sách này nhắc nhở người làm sách về phương thức truyền thông thời mạng xã hội đã vượt xa tư duy tiếp thị truyền thống; gợi ý người viết về sự hướng tới nhu cầu người đọc hay sự chịu khó tương tác với độc giả trong thời đại số… Nhưng bản thân sự tồn tại chóng vánh của những tác phẩm thuộc dòng sách này cũng đang đặt ra câu hỏi với những người làm sách: có nên dốc toàn tâm lực, suốt ngày tất bật với những cuộc chạy đua để đạt được doanh thu bằng mọi giá?; sự nắm bắt trào lưu bề nổi liệu có đem lại những giá trị bền vững cho những thương hiệu sách?
Khi nhìn về những trào lưu “văn học mạng”, từ “thế hệ blogger” cho đến thời của những Facebooker, có thể thấy một điểm chung: sự bộc phát bộc tàn của những cái tên, những cái nickname. Quá hiếm hoi những cây bút đứng được hay trưởng thành thật sự sau những đầu sách mỏng, ra đời và thành công quá ư dễ dàng. Mà như đã nói, một “định dạng lâu dài”, thậm chí, sự đầu tư nghiêm túc cho tác phẩm ít khi là nhận thức hay chủ tâm mong muốn của những người viết thuộc những nhóm trào lưu này.