Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Khi người Thái lập nghiệp theo triết lý “nền kinh tế vừa đủ”

Nhịp đập thị trườngĐời sốngKhi người Thái lập nghiệp theo triết lý "nền kinh tế vừa...

(SGTT) - Phát triển hạt giống mang lại thu nhập nửa triệu baht là câu chuyện của anh Anek Kayankhai, một trong những người trẻ quyết định “bỏ phố về quê” ở Chiang Mai, miền Bắc Thái Lan.

Từ quê lên phố - bỏ phố về quê

Trang trại Công ty Maejo68Seed của anh Anek Kayankhai.

Hơn 30 năm trước, phần lớn các gia đình vùng nông thôn Thái Lan luôn hướng về thành phố lớn như thủ đô Bangkok với mong ước đổi đời cho con cháu. Họ sẵn lòng bán đi gia sản duy nhất là đất đai ở quê để gửi con về thành phố, đầu tư học hành và tìm việc.

Điều này có thể hiểu được, vì bấy giờ không có nhiều lựa chọn về việc làm tại khu vực nông thôn, nếu không xin được công việc trong khối nhà nước thì chỉ còn ra đồng nối nghiệp truyền thống.

Bangkok cũng như nhiều thành phố lớn trên thế giới, là trung tâm văn hóa, giáo dục, kinh tế sôi động nhất Thái Lan. Bangkok đón nhận tất cả người nhập cư, trao cho họ cơ hội học hành và lập nghiệp.

Nhiều người nhờ chịu thương chịu khó đã vươn lên thành công và đáp đền mong ước của gia đình. Thế nhưng, Bangkok cũng bộc lộ những khía cạnh là “bài toán nan giải” của những “siêu đô thị” như kẹt xe tắc đường, ô nhiễm khói bụi, chi phí sinh hoạt đắt đỏ.

Rất nhiều người dân ở thành phố lớn này phải đi làm từ lúc tờ mờ sáng và về nhà rất trễ, kiếm được nhiều tiền nhưng lại không tiết kiệm được là bao, hít thở bầu không khí ngột ngạt. Ngày nối ngày, năm nối năm, cuộc sống như được lập trình sẵn đã khiến nhiều người trẻ thế hệ 8X, 9X hoài niệm về không gian xanh bình an giữa thiên nhiên trong lành bên gia đình vui vẻ. Và có người dũng cảm rời thành phố về quê.

Khi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, kéo theo sự chuyển đổi sản xuất từ thâm dụng lao động sang sử dụng công nghệ thì nhiều lao động ở thành phố đối diện với nguy cơ bị sa thải, mất việc làm.

Ngược lại, khu vực nông thôn đã đổi khác, ngày càng khang trang hơn. Bên cạnh đó, công nghệ cho phép người ta tiếp cận nguồn học liệu khổng lồ, và chọn lựa công việc tự do linh động hơn, ngồi từ xa có thể họp online, trao đổi công việc, chỉ cần đảm bảo thời hạn của dự án. Lúc này phong trào bỏ phố về quê càng “nhộn nhịp”.

Từ chỗ chưa biết làm nông nghiệp, các bạn trẻ tìm kiếm thông tin trên mạng Internet, lập hội nhóm chia sẻ kiến thức với nhau. Họ chuyển đổi cách trồng trọt phụ thuộc quá nhiều vào thuốc trừ sâu, phân hóa học sang hữu cơ, đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi thuận tự nhiên. Các trung tâm nghiên cứu của chính phủ Thái cũng tích cực hỗ trợ người dân nâng cao kiến thức và kỹ năng về làm nông.

Từ đây, triết lý nền kinh tế vừa đủ - Sufficiency Economy Philosophy (SEP) dần lan tỏa. Triết lý được đưa ra vào năm 1974 bởi Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej, ưu tiên hàng đầu là lợi ích của con người và môi trường, chứ không phải khai thác tối đa lợi nhuận.

Vòng tròn cộng đồng được thiết lập, các chiến dịch quảng cáo nhờ truyền thông kỹ thuật số đã đưa sản phẩm từ nông trại đến bàn ăn và xây dựng thương hiệu riêng. Vùng nông thôn chuyển mình, thu hút những người có tiền ở thành phố lớn tìm về nghỉ dưỡng.

Câu chuyện điển hình

Phát triển hạt giống mang lại thu nhập nửa triệu baht là câu chuyện của Anek Kayankhai, một trong những người trẻ quyết định “bỏ phố về quê” ở Chiang Mai, miền Bắc Thái Lan.

Trang trại của anh Anek Kayankhai.

Trước đây, anh là công chức ngành phát triển giống cây ở Bangkok với mức lương ổn định hàng tháng đúng như mong ước của gia đình. Thế nhưng, bỏ qua những cấm cản của lối suy nghĩ cũ, anh quyết định học cao học, tìm hiểu chuyên sâu ngành phát triển giống cây và hạt giống, rồi sau đó trở về Chiang Mai lập nghiệp.

Trên diện tích đất khá khiêm tốn, chỉ 200 m², anh trồng rau sạch và hoa. Ban đầu gia đình phản đối, không hỗ trợ, cho rằng nông nghiệp không ổn định và nặng nhọc. Nhưng anh kiên trì làm việc trên mảnh đất của mình, bắt đầu từ hạt giống salad, tích cực chia sẻ thông tin và kinh nghiệm qua mạng xã hội. Dần dần gia đình mở lòng và hỗ trợ thêm 500.000 baht (khoảng 380 triệu đồng Việt Nam) để mở rộng khu đất thành 400 m².

Nhờ mạng xã hội và cộng đồng online biết đến ngày càng nhiều, anh đã hoàn trả khoản hỗ trợ của gia đình trong vòng 3 tháng và mở Công ty Maejo68Seed chuyên tư vấn, phát triển và buôn bán hạt giống, cây giống và hoa cảnh hữu cơ.

Hiện tại, sau 3 năm, anh đã mở rộng khu đất gấp nhiều lần, sở hữu hơn 300 loại giống salad có chất lượng cao như hàng nhập khẩu, được cộng đồng đón nhận và mang lại thu nhập hàng tháng hơn nửa triệu baht cho gia đình.

Đối với Thaveesak Promla, “bỏ phố về quê” khó khăn hơn khi anh chỉ là một nhân viên văn phòng bình thường, chưa có nhiều hiểu biết trong lĩnh vực nông nghiệp. Khi trở về Khao Yai năm 2012, anh bắt chước mọi người vay tiền, trồng loại cây đang được ưa chuộng và thất bại nặng nề, lỗ đến cả triệu baht khi nông sản bị ép giá, phí thuê nhân công và phân bón quá cao.

Nhưng thất bại không làm anh nản chí, anh chịu khó mày mò học hỏi qua Internet và áp dụng ngay trên mảnh đất của mình, chuyển sang hướng nông nghiệp hữu cơ và bán sản phẩm theo các sự kiện sức khỏe ở trung tâm mua sắm và bệnh viện.

Nông trại Tavee Farm

Sau 3 năm, anh đã trả hết tiền nợ và xây dựng nên nông trại Tavee Farm với diện tích 80.000 m² với nhiều loại nông sản ngon, năng suất cao, thu về hơn 300.000 baht/tháng.

Tuân theo triết lý vừa đủ, anh thiết kế nông trại theo 3 tầng, tương ứng với cây để sử dụng, cây có giá trị kinh tế và cây ăn được. Bên cạnh đó, anh đa dạng hóa nguồn thu nhập bằng cách kết hợp mở nhà hàng chuyên phục vụ món Tây, quán café và mở cửa cho du khách tham quan, hình thành chuỗi khép kín từ nông trại đến bàn ăn và các dịch vụ phụ trợ.

Nông trại Tavee Farm

Dù trở thành chủ, nhưng anh vẫn tự mình đón khách đến tham quan nông trại hàng ngày, khoảng 60-100 người/ngày và anh yêu cầu khách cần đặt trước để được phục vụ tốt nhất. Giữa đại dịch Covid-19, trong những ngày giãn cách xã hội, nhiều người Thái phải vội vàng mua thức ăn dự trữ cho gia đình, còn anh thì rau trái quanh nhà và được sống giữa thiên nhiên nhiên trong trẻo, vui đùa cùng gia đình.

Bangkok vẫn là trung tâm văn hóa, giáo dục, kinh tế hàng đầu Thái Lan, nhưng suy nghĩ “phải lập nghiệp ở thành phố lớn” đã thay đổi. Người ta ngày càng tìm về thiên nhiên và trân trọng các giá trị của phát triển bền vững.

Triết lý "nền kinh tế vừa đủ" cũng chứng tỏ được sự đúng đắn và tầm nhìn xa, có sự kiểm soát tốt việc sử dụng công nghệ phù hợp, quản lý chặt chẽ nguy cơ và rủi ro, chú trọng đến việc ra quyết định mang tính toàn diện và sự phát triển tiếp theo.

Mananya Techalertkamol*

(*) Mananya Techalertkamol (Jee), người Thái Lan (tên tiếng Việt là Linh Chi), là người nước ngoài đầu tiên nhận được học bổng và đã tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Chính sách công và Quản lý, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, Việt Nam. Đến nay, Jee sống và làm việc ở Việt Nam gần 5 năm. Hiện là giảng viên tại trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục