Các nhà nghiên cứu của Thung lũng Silicon (Mỹ) đang tấn công loài muỗi và Alphabet, tập đoàn mẹ của Google, đã nã phát súng đầu tiên nhằm tiêu diệt các dịch bệnh liên quan đến muỗi.
Alphabet theo đuổi nhiều vấn đề y tế và khoa học thường thức, trong đó diệt trừ các bệnh liên quan đến muỗi được tập đoàn đặc biệt coi trọng. Là một trong những loài gây chết chóc hàng đầu thế giới, muỗi lan truyền các loại bệnh dịch như sốt xuất huyết, sốt chikungunya... ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, khiến hàng chục triệu người thiệt mạng mỗi năm và hàng triệu người khác bị nhiễm bệnh.
Dùng muỗi để trị muỗi
Chiếc xe tải màu trắng vừa chạy trên con đường của hạt Fresno, bang California, Mỹ vừa thả ra ngoài một đàn muỗi đực Aedes aegypti qua cửa sổ phía ghế ngồi dành cho khách. Ngồi trên xe là bà Kathleen Parkes, phát ngôn viên của Verily Life Sciences, và nhà khoa học cấp cao của công ty là Jacob Crawford. Verily Life Sciences là công ty nghiên cứu trực thuộc Alphabet, tập đoàn mẹ của công ty Google.
Thả đàn muỗi xong, ông Crawford bắt đầu giải thích về kỹ thuật kiểm soát muỗi, được đánh giá là rất tiềm năng. Theo ông, những con muỗi đực nói trên được gây giống bằng công nghệ cao trong hệ thống tự động mà Verily đặt ở phía nam thành phố San Francisco. Sau khi bị lây nhiễm một loài vi khuẩn thông thường có tên gọi là Wolbachia, 80.000 con muỗi đực này được thả ra tự nhiên để giao phối với muỗi cái và kết quả là: muỗi cái không thể đẻ trứng nữa.
Verily bảo vệ công nghệ của mình rất nghiêm ngặt. Tại trụ sở của công ty, muỗi được gây giống tự động: robot nuôi trứng muỗi trong các thùng chứa có đầy đủ nước, không khí. Muỗi con nở ra được cho ăn, giữ ấm và sau đó được robot phân loại theo giới tính. Tất cả số muỗi này được đánh số để có thể theo dõi từ khi còn là trứng cho đến khi được thả ra (kết hợp với công nghệ định vị GPS).
Thành công trong dự kiến
Vào mùa muỗi hoành hành từ tháng 4 tới tháng 11, mỗi buổi sáng chiếc tải trắng nêu trên đều đặn tới những địa điểm được xác định trước của hạt Fresno, cẩn thận thả ra đúng số lượng muỗi đã được tính bằng thuật toán. Từng con muỗi thoát ra khỏi xe được đếm bằng tia laser. Thử nghiệm ở Fresno là lần đầu tiên muỗi đực A. aegypti lây nhiễm vi khuẩn được thả ra ở Mỹ. Năm 2018 đã làm năm thứ hai Verily đăng ký thả muỗi, với số lượng nhà dân trong phạm vi thả muỗi là hơn 3.000 căn. Trong 6 tháng cuối năm 2018, công ty đã thả hơn 15 triệu con muỗi. Kết quả từ năm 2017 cho thấy số lượng muỗi cái trong khu vực đã giảm 2/3 so với trước.
Trong năm 2018, chương trình của Verily tiêu diệt tới 95% số lượng muỗi tại khu vực. Tới năm nay, Verily dự tính áp dụng thêm nhiều công nghệ hiện đại trong nuôi và thả muỗi “mồi” để có thể diệt muỗi trên quy mô lớn. Ngoài dự án tại hạt Fresno, bang California, Mỹ, Verily còn triển khai dự án ở thị trấn Innisfail, Úc. Tính tới tháng 6 năm 2017, số lượng muỗi tại Innisfail đã giảm tới 80%.
Bên cạnh cách làm của Verily, còn có một số công ty công nghệ khác cũng tìm cách xóa sổ các bệnh dịch liên quan đến muỗi. Chỉ riêng tỉ phú Bill Gates, nhà đồng sáng lập Microsoft, đã cam kết chi hơn 1 tỉ đô la Mỹ để phát triển các công nghệ có thể quét sạch bệnh sốt rét, trong đó có nỗ lực gây tranh cãi nhằm chỉnh sửa gien của muỗi. Trong khi đó, phương pháp của Verily “cổ điển” hơn, dựa theo một chiến lược có từ lâu là kỹ thuật làm côn trùng mất khả năng sinh sản, từ đó giết dần chúng. Nếu kiểm soát được muỗi một cách dễ dàng và giảm chi phí xuống, công ty công nghệ này coi như nắm trong tay khả năng sinh lời hấp dẫn: Nhiều chính phủ và doanh nghiệp trên toàn thế giới có thể hào hứng móc hầu bao để tiêu diệt muỗi.
Hiện chưa rõ thế giới sẽ ra sao một khi loài muỗi bị tiêu diệt. Vai trò sinh thái của muỗi chưa được nghiên cứu đầy đủ song một số nhà khoa học trấn an rằng “không có chúng cũng chẳng sao”.
Duy An