Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Khi du lịch không chỉ tận hưởng mà còn ‘cho đi’

Du lịchHành trình nối những miền xanhKhi du lịch không chỉ tận hưởng mà còn 'cho đi'
(SGTT) - Chị Linh Lê, một doanh nhân kinh doanh văn phòng phẩm ở TPHCM mấy hôm nay tất bật gọi điện, chat với bạn bè để quyên góp sách vở, túi xách và thậm chí là máy tính để bàn đã qua sử dụng. Thì ra chị ấy là thành viên của nhóm Yêu Camping mà nhóm này trong tháng có chương trình du lịch trải nghiệm bằng xe ô tô đến một tỉnh vùng biên.

Ngoài ghé thăm và trải nghiệm các điểm đến tỉnh vùng biên thì nhóm của chị Linh Lê còn tổ chức chương trình tặng phòng máy vi tính cũ, cũng như sách vở cho học sinh đồng bào dân tộc tại địa phương.

Theo chân những người thích cắm trại trong nhóm Yêu Camping trong một lần về Bình Phước, người viết bài này cảm nhận khái niệm đi du lịch là để hưởng thụ những điều tiện nghi dường như bị xóa bỏ, thay vào đó, ngoài trải nghiệm điểm đến mới lạ, phong cảnh đẹp, nhóm còn "cho đi". Đó là trao đi những phần quà được vận động từ các thành viên và trao lại những người thiếu điều kiện. Du lịch của họ thể hiện trách nhiệm nhiều hơn và điều đáng nói là gần như tháng nào họ cũng tổ chức một chuyến đi chừng 40-50 thành viên là doanh nhân và người thân trong gia đình. Các điểm đến của nhóm đa phần là vùng xa, vùng sâu, còn  hoang sơ.

“Mỗi chuyến đi là mỗi cảm xúc khác nhau, chúng tôi đi không chỉ để du lịch, trải nghiệm mà muốn góp chút sức của mình cho những nơi đến tốt lên, như làm từ thiện, dọn rác... ”, chị Linh Lê nói.

Du lịch và nhặt rác...

Giống với suy nghĩ của chị Linh Lê, rất nhiều du khách hiện nay đã chọn cách đi du lịch thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, môi trường sinh thái. Không chỉ là thiện nguyện, du khách tham gia nhặt rác, trồng cây, tặng quà cho đồng bào nghèo, tặng xe đạp cho học sinh khó khăn… càng trở nên phổ biến và được kết hợp nhiều trong những tour du lịch, dù đi du lịch kiểu này vất vả và cực nhọc.

Các thành viên nhóm Yêu Camping trao quà và máy tính để bàn cho các bạn học sinh. Ảnh: Ngọc Khuyến

Trong một lần người viết và bạn bè đi chèo SUP trên sông Sài Gòn, khi ra về, bạn của người viết cho rằng chèo SUP là trải nghiệm khá thú vị nhưng vẫn có rác trên sông đã phần nào làm giảm trải nghiệm của du khách. Rất có thể từ phản hồi của du khách và cũng có thể từ ý tưởng của những người làm du lịch mà Trạm chèo Saigon Paddle, thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn gần đây đã tổ chức tour chèo SUP kết hợp nhặt rác.

Không khác gì những buổi chèo SUP khác, người tham gia vẫn phải đóng phí, được hướng dẫn cách chèo, các kỹ năng an toàn khi xuống nước nhưng khác ở chỗ là vớt thêm rác trên dọc sông mà người chèo nhìn thấy và sau đó được thu gom và bỏ vào 'con cá đựng rác'.

Ông Thiên Nguyễn, Quản lý trạm chèo Saigon Paddle cho hay: “Ý tưởng 'con cá đựng rác' xuất phát từ trách nhiệm bảo vệ môi trường mà nhóm cũng như người chơi muốn thực hiện vì vùng nước mình sử dụng. Hoạt động này vẫn sẽ được duy trì và con cá đựng rác này sẽ được trưng bày tại trạm để du khách đến đây đều nhìn thấy và có ý thức hơn với môi trường”. Tất nhiên, du khách chèo SUP không thể nào nhặt hết rác trên sông Sài Gòn nhưng ít ra, hành động này góp phần thay đổi nhận thức của người dân về rác, về môi trường sông nước.

Rất nhiều loại rác thải khách nhau như thùng xốp, bình nước, chai nhựa, bao bì… được khách chèo SUP thu gom tại khu vực bến Thanh Đa, TPHCM. Ảnh: Saigon Paddle

Trong một lần gặp gỡ khác ở TPHCM, người viết có chuyện trò với ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Thuyền Nhiêu Lộc, doanh nghiệp mở các tour du ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc, dòng kênh từng gây "ám ảnh" về tình trạng ô nhiễm nặng nhiều năm về trước. “Mặc dù đã có những đội vệ sinh của thành phố dọn dẹp rác ở đây, nhưng tôi vẫn thường xuyên tổ chức những buổi nhặt rác riêng, có thể việc làm này không giải quyết lâu dài nhưng việc nhặt rác giúp truyền thông hình ảnh trách nhiệm với môi trường của doanh nghiệp và du khách. Tôi còn đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng cho con kênh thêm lung linh lúc đêm về”, ông Xuân Anh cho biết.

Không chỉ vậy, một số trải nghiệm của doanh nghiệp cũng mang chữ “xanh” cho du khách như thả hoa đăng bằng giấy bột tre, loại giấy tự hủy để làm thức ăn cho cá, và thả cá trê, cá chạch… nhằm cải tạo nguồn nước, góp phần tăng cường hệ sinh thái phong phú cho nguồn nước trong lòng kênh.

Việc du khách, hoặc các công ty lữ hành, điểm đến, cơ sở lưu trú tổ chức nhặt rác, dù lượng rác thu gom được có phần khiêm tốn và không thấm vào đâu, nhưng việc làm này ít nhiều giúp lan tỏa, làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức của bộ phận người chưa quan tâm đến môi trường hoặc còn suy nghĩ “xả rác nhiêu đây, làm gì có ảnh hưởng gì đến môi trường”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Image Travel & Events, đồng thời cũng là người sáng lập Cộng đồng Du lịch có trách nhiệm WAFORT cho biết: “Du lịch có trách nhiệm không phải một sản phẩm du lịch hay một hoạt động riêng lẻ, mà đối với các doanh nghiệp lữ hành của chúng tôi đây phải là chiến lược chung, bao gồm trong nội bộ - khách hàng -sản phẩm".

Tại văn phòng công ty, Image Travel & Events thể hiện du lịch có trách nhiệm với những việc như đặt các thùng rác để nhân viên phân loại rác, sử dụng lại giấy một mặt, thu thập pin sau khi sử dụng, tổ chức các buổi nhặt rác, trồng cây cho nhân viên thực hiện... Trong việc tổ chức tour, công ty hướng đến việc đảm bảo và tôn trọng tính nguyên vẹn văn hóa, môi trường, đồng thời bảo tồn và phát huy tính đa dạng về văn hóa và xã hội, khuyến khích du khách ủng hộ sản phẩm địa phương...

"Điều quan trọng nhất là để du khách tự thực hiện hành vi có trách nhiệm, công ty chỉ là người hướng dẫn và đồng hành", ông Toản nói.

Trả lại 'giá trị xanh' cho môi trường

Dịch Covid-19 đi qua, ngày càng nhiều hình thức du lịch thể hiện trách nhiệm với môi trường được tổ chức. Không cần phải tạo ra một sản phẩm quá mới mẻ, nhiều doanh nghiệp đã phát triển sản phẩm du lịch dựa trên những tài nguyên sẵn có nhưng đồng thời vẫn mong muốn trao lại những “giá trị xanh” cho môi trường.

Nhà hàng The Field ở Quảng Nam để có thể "sống" lâu hơn và mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn, họ cũng tạo ra sản phẩm du lịch nương tựa vào các giá trị bền vững. Theo đó, từ nhiều năm qua, nơi đây đã nỗ lực áp dụng, vận hành theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Có thể kể đến như mô hình bữa ăn tuần hoàn bằng cách thu gom rác, phân loại và tái chế thành phân hữu cơ để bón cho vườn rau, sau đó thu hoạch các loại rau này để chế biến và phục vụ thực khách.

Tại Bến Tre, ngay từ những ngày đầu thành lập, Công ty Truyền thông và Du lịch C2T đã hướng đến việc bảo vệ môi trường gắn với hoạt động xanh. Đó là C2T phục vụ khách với chén cơm bằng gáo dừa, dĩa bằng lá lục bình, lá chuối, khăn trải bàn đệm từ lá dừa… để hạn chế tối đa chất thải nhựa trên từng hành trình khám phá nơi đây.

Mỗi chuyến đi công ty còn cùng du khách phân loại, thu gom và xử lý rác thải. Sự thân thiện với môi trường còn được thể khi cho mỗi du khách trong tour trồng một cây bần, cây dừa nước để giúp giữ đất, góp phần chống sạt lở đất cho vùng đất này.

Du khách tham gia tour trồng cây của Công ty truyền thông và du lịch C2T để đem đến mảng xanh cho xứ dừa Bến Tre và chống sạt lở đất. Ảnh: Võ Phong

Các thuật ngữ “du lịch xanh”, “du lịch thân thiện môi trường”, “du lịch không rác thải nhựa”, "du lịch có trách nhiệm"... ngày càng trở nên phổ biến hơn và không còn xa lạ đối với du khách. Như Chị Linh Lê trong nhóm Yêu Camping ở phần đầu bài viết, cho rằng suy nghĩ du lịch truyền thống là tận hưởng, trải nghiệm hay nói khác hơn là du khách chỉ "nhận" đã và đang thay đổi, mà nay, du lịch có trách nhiệm với cộng đồng, môi trường sinh thái, nói khác hơn du khách "cho đi" để "nhận lại".

Theo bạn, du lịch có trách nhiệm là:

Xem kết quả

Ngọc Khuyến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục