Vừa qua, tôi được một người bạn rủ đến một công ty nước giải khát có trụ sở tại quận Bình Thạnh, TPHCM để dùng thử và cho ý kiến về một loại nước uống mà công ty này sắp đưa ra thị trường. Việc làm này là nhằm lấy ý kiến khách quan của người tiêu dùng về các sản phẩm nước uống mới để giúp công ty có những điều chỉnh tốt hơn. Thế nhưng khi đến công ty nọ, anh bạn tôi lại đưa tôi cùng một số người nữa đến quán nước gần đó để lấy thông tin và khảo sát theo bảng câu hỏi có sẵn dù chúng tôi chưa được dùng thử sản phẩm. Trong suốt quá trình khảo sát tôi cảm thấy mình như một “con rối” khi mà mọi thông tin tôi đưa ra đều bị chỉnh sửa một cách sai lệch. Cụ thể, “địa điểm khảo sát” là ở quán nước nhưng chúng tôi phải trả lời là “ở nhà”; “sống với ai” thì nói là “sống với gia đình” trong khi tôi chỉ ở một mình. Đối với câu hỏi “cha mẹ làm nghề gì” thì trả lời là công nhân, trong khi thực chất là bố mẹ bán tạp hóa; hay “mỗi tuần uống bao nhiêu lần các sản phẩm nước giải khát của công ty” thì trả lời là hai lần dù thực tế tôi chỉ uống khoảng 2, 3 lần mỗi tháng.
Sau khi thực hiện khảo sát xong, anh bạn đề nghị tôi và mọi người vào công ty, sẽ có người kiểm chứng lại thông tin và sau đó sẽ được nhận một phần quà nhỏ. Anh dặn dò nếu có ai hỏi thì cứ trả lời theo những gì đã trả lời trong khảo sát mẫu.
Thấy quá trình khảo sát không đúng, tôi bèn hỏi người bạn và được anh cho biết, nếu trả lời đúng như thông tin cá nhân của tôi thì không phù hợp với tiêu chuẩn của đối tượng cần được khảo sát. Vì vậy, anh phải thay đổi thông tin của tôi và một số người để có được một bản khảo sát đúng theo quy định. Điều này khiến tôi bất ngờ bởi nó ảnh hưởng đến tính khách quan của cuộc khảo sát. Trên thực tế, công ty thực hiện cuộc khảo sát này mong muốn đem lại cho người tiêu dùng những gì tốt đẹp nhất nhưng thông tin thực của người tiêu dùng thì lại không được quan tâm. Vậy làm sao họ có thể cải tiến chất lượng sản phẩm đúng như mong muốn của người tiêu dùng.
Thiết nghĩ, để một cuộc khảo sát có kết quả chính xác và khách quan, các công ty nên quan tâm đến các thông tin chân thực mà người tiêu dùng đưa ra thay vì chỉ chăm chăm vào cách làm lấy được thông tin mà mình mong muốn. Nếu như vậy, khảo sát đó vô nghĩa và lãng phí tiền bạc mà thôi.
Nam Thi (TPHCM)