(SGTT) - Dù bận rộn với công việc, thế nhưng các ông bố - những cổ động viên nhiệt tình của mẹ và bé ở cuộc thi Vào bếp cùng mẹ - cho biết vẫn luôn cố gắng duy trì bữa cơm chung để giữ lửa cho tổ ấm của mình.
Để xây dựng nếp nhà với những bữa ăn có đầy đủ các thành viên trong gia đình, nhiều ông bố đã xung phong đảm nhận công việc rửa chén sau khi ăn, thỉnh thoảng vào bếp trổ tài nấu một món ngon hay đơn giản là không quên gửi lời cám ơn vợ đã chu toàn bữa cơm gia đình.
Cơm nhà vẫn hơn
Đến cổ vũ vợ và con tham gia vòng loại tuần 3 cuộc thi Vào bếp cùng mẹ, anh Trần Minh Tú (nhân viên âm thanh ánh sáng), ba của bé Trần Nguyễn Lan Phương, cho biết bữa cơm tối luôn là sự ưu tiên hàng đầu của gia đình anh. “Buổi trưa đi làm nên tôi phải ăn ở ngoài một cách tạm bợ, chỉ có bữa cơm tối mới thật sự đầy đủ, trọn vẹn nhất cả về mặt tinh thần và dinh dưỡng”, anh nói. Ngoài ra, việc có bà xã nấu ăn ngon cũng giúp anh hạn chế các buổi tụ tập ăn nhậu cùng bạn bè sau giờ làm.
Tương tự, ba của bé Vũ Khánh Nguyên, anh Vũ Đức Thuận (kỹ sư cơ khí), cho biết cả nhà anh từng có một khoảng thời gian dài phải ăn “cơm hàng cháo chợ” vì bận rộn với công việc. “Ăn ở ngoài quá ngán nên gia đình tôi quyết tâm duy trì bữa cơm nhà. Về nhà có cơm nóng canh ngon để ăn quả thật là một điều sung sướng”.
Nói về bữa cơm nhà, anh Thuận cho biết ngoài đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì mỗi gia đình còn có thể chủ động lựa chọn chế độ dinh dưỡng để bảo vệ sức khỏe cho cả nhà. “Gia đình tôi ăn ít tinh bột, tăng cường rau củ và trái cây. Thỉnh thoảng sẽ đổi vị nấu các món mới như bún, bánh… để tăng thêm sự ngon miệng”, anh chia sẻ.
Mỗi người phụ một tay
Thông cảm với vô số công việc không tên mà vợ phải quán xuyến trong gian bếp, anh Tống Hào Kiệt (cán bộ trường Đại học Mở TPHCM), ba của thí sinh nhí Tống Thanh Giang dự thi Vào bếp cùng mẹ, cho biết vào dịp cuối tuần hoặc khi rảnh rỗi, anh sẽ không ngại vào bếp phụ vợ hoặc đảm nhận luôn phần nấu chính cho cả nhà nếu vợ đang quá bận rôn. “Mỗi lần tôi vào bếp nấu cơm là vợ con rất thích. Các con thì luôn nịnh rằng thích ba nấu ăn và cực kỳ khoái khẩu món mì Ý mà ba làm”, anh hóm hỉnh nói.
Không biết nấu nướng như anh Hào Kiệt, anh Đức Thuận tình nguyện… rửa chén giúp vợ sau bữa ăn. Anh cho biết: “Tôi đi làm về đến nhà thì thường vợ con đã nấu cơm xong. Do vậy, tôi sẽ phụ trách phần rửa chén, dọn dẹp”.
Tương tự, anh Minh Tú cho biết rất cảm thông với khối lượng công việc không tên của vợ như chăm sóc nhà cửa, chăm lo cho con cái… nên anh luôn sẵn sàng phụ vợ một tay khi có thể. “Bữa cơm gia đình rất quan trọng và cần thiết, nhiều người nghĩ nó mất thời gian nhưng thật sự mỗi người trong nhà phụ nhau một tay thì chỉ năm phút là xong”, anh khẳng định.
Xây dựng nề nếp cho con
Để duy trì được nếp nhà, các ông bố bà mẹ cho biết phải kết hợp linh hoạt phương pháp giáo dục vừa cứng rắn, vừa mềm mỏng với các con. Anh Nguyễn Thế Vinh (chủ doanh nghiệp công ty xây dựng), ba của bé Nguyễn Lê Nam đưa ra quy tắc rõ ràng trong bữa ăn. Anh nói: “Bữa ăn chỉ kéo dài khoảng 40-50 phút, đó là thời gian quý báu mà gia đình ngồi với nhau nên cả nhà tôi quy ước không dùng điện thoại hay xem ti vi trong lúc ăn”. Tuy vậy, anh cho biết thêm nếu hôm nào có chương trình thiếu nhi phù hợp với sở thích của các con thì cả nhà sẽ ăn cơm sớm hơn để con có thời gian xem.
Ngoài ra, gia đình anh Thế Vinh cũng phân chia công việc cụ thể cho từng người, ví dụ mẹ nấu ăn thì ba dọn dẹp bàn ăn còn con thì rửa chén và cứ vậy thay phiên nhau. Đặc biệt, anh Thế Vinh còn áp dụng phương pháp thưởng - phạt rõ ràng, để thông qua đó rèn luyện kỹ năng cho con. Anh nói: “Nếu bé phạm lỗi gì ở trường thì sẽ bị phạt rửa chén nguyên một tuần, còn nếu con làm tốt thì tôi sẽ khuyến khích con bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ như dẫn con ra ngoài ăn món con thích”.
Gia đình anh Minh Tú cũng tận dụng bữa cơm để giáo dục con cái: “Điều quan trọng là mọi người ăn cùng nhau, không ai ăn trước, ăn sau. Gia đình tôi thường ăn cơm rất lâu, dành khoảng 1-2 tiếng đồng hồ bên nhau để nói chuyện chứ không phải ăn vội vã cho xong”. Ngoài ra, anh Tú cũng cho biết luôn tạo không khí thoải mái cho bữa cơm chứ không gò bó. Tuy vậy, một số phép tắc bàn ăn theo truyền thống thì vẫn phải thực hiện như lúc ăn phải mời người lớn, trước khi ăn thì cùng nhau dọn chén bát, ăn xong thì mỗi người một tay phụ dọn dẹp.
Về việc các bé có xu hướng thích “ăn ngoài” hơn “ăn nhà”, mỗi ông bố lại có cách kiểm soát con rất riêng. Anh Tú chia sẻ: “Tôi rất hiếm cho bé ăn ngoài vì lo sợ không đảm bảo vệ sinh nhưng thỉnh thoảng cũng cho phép bé ăn pizza, gà rán để đỡ nhàm chán”.
Mặc dù ở tuổi này, các bé vẫn chưa cảm nhận được giá trị thực sự của bữa cơm gia đình nhưng với nỗ lực giữ gìn nếp nhà qua những bữa cơm chung của các ông bố bà mẹ, chắc hẳn đây sẽ là nền tảng vững chắc cho các con ngày một phát triển tốt hơn về cả thể chất lẫn tinh thần.
Minh Yến