(SGTTO) - Mắm Châu Đốc là thương hiệu được biết đến bởi chất lượng con mắm và hương vị rất riêng. Tùy vào loại cá mà người làm mắm sẽ chế biến thành ra nhiều món mắm với khẩu vị khác nhau.
Trong văn hoá ẩm thực của người dân Châu Đốc nói riêng và nhiều địa phương miền Tây Nam Bộ nói chung, mắm là món ăn có một vị trí đặc biệt. Bên cạnh đó, sự tồn tại và phát triển bền vững của nghề làm mắm cá ở Châu Đốc không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà đó còn là nét văn hóa ẩm thực mang đậm hương vị quê nhà.
Trong các loại mắm được bày bán ở chợ Châu Đốc (An Giang), mắm thái được nhiều người ưa chuộng. Nguyên liệu chính để làm loại mắm này thường là cá lóc, đem lọc bỏ xương và da, sau đó xé nhỏ trộn với đu đủ xắt sợi và thịt ba rọi ram, thêm thính gạo, đường và ớt. Đường dùng làm mắm là đường thốt nốt - đặc sản của xứ Bảy Núi (An Giang).
Mắm thái ăn kèm với rau sống, chuối chát, thịt ba rọi luộc là đúng điệu. Người dân làm nghề ủ mắm ở Châu Đốc cho biết bất cứ loài cá nào cũng có thể làm mắm được nhưng ngon hơn cả là cá lóc, cá trèn, cá sặc, cá trốt, cá linh.
Mỗi ngày có khoảng hàng ngàn khách đến chợ Châu Đốc tìm mua thứ đặc sản nổi tiếng này. Giá bán các mặt hàng ở chợ Châu Đốc từ 40.000 đến vài trăm ngàn đồng một ký. Trong đó, mắm lóc được xem là loại ngon nhất với giá dao động từ 70.000 – 180.000 đồng/kg.
Tại đây, nhiều gian hàng mắm trở nên nổi tiếng, được nhiều người dân và du khách khắp nơi biết đến, như Mắm Bà Giáo Khỏe, Mằm Bà Giáo Thảo, Mắm 9999, Mắm 6666… Ngoài việc bán trong nước, hàng còn xuất khẩu sang các nước lân cận như Campuchia, Lào...
Không chỉ nổi tiếng là "vương quốc mắm”, chợ Châu Đốc còn được nhiều người biết đến với các loại khô cá, đặc sản có giá trị. Trong đó, phải kể các loại khô như: khô cá tra phồng, khô cá lóc, khô nhái, khô rắn, khô cá sặc…
Đến chợ Châu Đốc, ngoài việc được ngắm nhìn các mặt hàng mắm được trưng bày bắt mắt thì việc thưởng thức các món ăn vặt nơi đây cùng là một trong những điều thú vị.
Bảo Phương