(SGTTO) - Cổ Chiên là một phân lưu của sông Tiền đổ ra biển Đông ở địa phận tỉnh Trà Vinh, Bến Tre. Trên con sông này có rất nhiều đảo, cồn, cù lao hình thành nên bởi phù sa tích tụ bồi lắng không biết tự bao giờ... Trong đó, du khách có thể ghé thăm Cồn Chim - "ốc đảo" sinh thái mát xanh giữa miền Tây.
- Du lịch mùa này: khám phá miền Tây sông nước
- Trải nghiệm miền Tây sông nước ở Nông trại Hải Vân; Sân chim Vàm Hồ
Nắng đẹp trên cù lao
Cồn Chim là một ấp cù lao thuộc xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Cồn có diện tích 60 ha nằm giữa sông Cổ Chiên, cách trung tâm thành phố Trà Vinh 10 km về hướng Đông Bắc theo tuyến đường sông và khoảng 15 km theo tuyến quốc lộ 53.
Muốn đến Cồn Chim, ta có thể đi tàu khách từ bến tàu chợ Trà Vinh, hay bến đò Long Trị, hoặc theo quốc lộ 53 qua phà Bà Trầm hoặc phà Long Hưng, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành.
Từ thành phố Trà Vinh, chúng tôi về Cồn Chim vào một ngày nắng đẹp. Muốn sang cồn phải vượt sông bằng phà hoặc đò có trọng tải vừa phải, chở theo được nhiều hành khách và một số xe máy. Phà sình sịch rời bến. Bên kia sông là vạt rừng bần, mắm, dừa nước xanh um, đặc trưng của vùng nước lợ giáp biển.
Chừng 15 phút, phà cập bến Cồn Chim. Du khách lên bờ bắt đầu cuộc hành trình khám phá ốc đảo xanh thanh bình như trong tranh vẽ. Theo con đường đất rải đá đỏ, chúng tôi qua một cổng chào đơn sơ, mộc mạc nhưng ấn tượng.
Hai bên đường là những vạt cỏ voi, dừa, chạy dọc theo những vuông (ruộng) nuôi tôm, cua, cá kèo của nông dân cù lao. Đi sâu thêm chút nữa, xuyên qua những hàng dừa rợp mát ta sẽ gặp bản hướng dẫn rất mỹ thuật, những dịch vụ tham quan,vui chơi, ẩm thực đậm chất dân dã, đặc trưng của miền đất cù lao, vùng sinh thái nước lợ gần giáp biển với nhiều sản vật phong phú…
Bạn có thể ghé vuông cua của chú Tư Pha để câu cua, nhà cô Ba Sữa ăn món sương sâm, bánh rau mơ hấp, uống nước dừa ở vườn Bé Thảo, ăn bánh xèo ở nhà cô Sáu Giàu, ghé bếp xưa Nam bộ của cô Bích Vân dùng cơm trưa dân dã...
Dạo chợ quê, đi câu cua
Về tên gọi Cồn Chim, người dân địa phương cho biết, xưa kia, khi cù lao này còn hoang hóa, đây là nơi cư trú của hàng vạn con chim, cò nhiều chủng loại. Chúng tỏa ra đi ăn từ sáng sớm, buổi chiều về đậu ngủ, do đó, người dân gọi cù lao này là Cồn Chim.
Du khách có thể dạo chợ quê với những sạp hàng đơn sơ bày bán tôm cua, cá, rau cải tự trồng, sản xuất của bà con nông dân Cồn Chim. Dừng chân ở một quán nhỏ bên cánh đồng lúa xanh rờn, du khách có thể uống nước dừa xiêm, nghe gió từ sông lớn thổi về mát rượi, lao xao trên những đám lá dừa nước, nhìn những người nông dân lao động, săn sóc lúa, vuông tôm, vườn rau, ao cá...
Tất cả những thú vui đồng quê kể trên sẽ cho khách thêm cảm giác yên bình, yêu mến, gần gũi với thiên nhiên, thôn dã. Đặc biệt, những bờ đê, lối mòn vào nhà người dân thường được trồng nhiều loài hoa dân dã như sao nháy, cúc ban mai, xuyến chi, mười giờ trông thơ mộng và lãng mạn.
Đi câu cua là một tiết mục hấp dẫn! Theo lời một bác nông dân, chúng tôi cầm một cây vợt lưới thưa, cần câu và ít mồi câu như cá, tôm tép vụn, đi dọc ven bờ đê có trồng dừa hoặc cây lá dừa nước. Đến một chỗ nào đó nghi có cua, chúng tôi thả vợt xuống sâu sát đáy ao chừng non 2m nước.
Cua rất háu ăn, nhất là về buổi sáng. Sẽ không lâu, cần câu động đậy, chúng tôi dùng vợt nhanh tay vớt cua dính lưới vẫy vùng tìm lối thoát, rồi cất vợt lên. Thế là sẽ có một chú cua ngon! Cứ tiếp tục câu nữa, một lúc sau bạn sẽ có vài ký cua cho bữa trưa... Ngoài câu cua, bạn cũng có thể nhờ chủ vuông tôm chỉ cho cách vãi chài bắt tôm, cũng không khó thực hành lắm.
Cánh đàn ông, con trai thì đi câu cua, chài lưới. Riêng các chị em phụ nữ lại rất thích tham gia học hỏi, chế biến các món ăn, bánh dân gian độc đáo của địa phương như bánh xèo, bánh canh tôm, bánh ướt cuốn nhân ngọt, mức dừa, chuối xào gừng, bánh lá rau mơ hấp…
Tiệc "cây nhà lá vườn"
Ấn tượng nhất vẫn là buổi tiệc toàn đặc sản “cây nhà lá vườn” như: cua biển luộc, tôm sú nướng lụi, canh chua cá ngát, cá kèo kho tộ, kèm theo rau lang, đậu bắp... Thật thú vị, sau một buổi vui chơi, các thành viên, du khách được thưởng thức ngon lành bữa cơm dân dã giữa thiên nhiên yên ả.
Có một điều đáng nói là du lịch Cồn Chim được tổ chức theo mô hình sinh thái cộng đồng, thân thiện với môi trường. Cụ thể là bà con ở đây không dùng hóa chất canh tác, nuôi trồng nông sản, thủy sản; không xài mắc lưới dưới 1,8cm, lưới mùng để đánh bắt cá tôm; không sử dụng xung điện kích cá, không để ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa...
Ở Cồn Chim, ấn tượng mà du khách khó quên đó là những tình cảm chơn chất, gần gũi, văn hóa làng xóm, phong cách ẩm thực dân dã nhưng độc đáo, thể hiện nét đặc trưng của người dân miệt vườn Nam bộ. “Về Cồn Chim người quê chỉ có tấm lòng” - câu hát có lẽ cũng đã thể hiện khá đầy đủ về người và đất Cồn Chim, một vùng quê yên bình giữa dòng Cổ Chiên phóng khoáng, điểm đến thích hợp với những ai yêu thích khám phá, trải nghiệm sông nước miền Tây.
Đặng Hoàng Thám