(SGTT) - Điểm cơ sở A9 là một trong 12 điểm thuộc đường cơ sở dùng để tính lãnh hải trên vùng biển Việt Nam. Chúng tôi lên thuyền đến điểm cơ sở A9, thuộc Hòn Ông Căn, cụm đảo Hòn Cân, xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn vào một ngày gió nhẹ. So với nhiều điểm cơ sở trên biển khác, đây là một trong các điểm dễ tiếp cận vì khá gần đất liền, đi cano chỉ mất khoảng 15 phút. Tuy nhiên, vì trời có gió, nên để đảm bảo an toàn khi lên đảo, anh Tịnh chủ thuyền quyết định dùng ghe di chuyển.
- Bám đảo làm du lịch biển
- “Phượt” Phan Rang: cắm trại biển Bình Tiên, vịnh Vĩnh Hy
- Núi lửa Nâm Kar “thổn thức”
Đây là điểm xa nhất trong tam giác ba cụm đảo Hòn Sẹo - Hòn Cỏ - Hòn Cân trên vùng biển Nhơn Lý. Từ ven bờ, mất 45 phút bằng ghe chúng tôi mới đến nơi. Nhìn từ xa, cụm đảo Hòn Cân là một dải nối liền, như một con thú đang nằm xoài ra biển mà phần đầu chính là Hòn Ông Căn.
Khi đến gần, Hòn Cân mới tách thành ba hòn rời nhau. Hòn thứ nhất, cũng là hòn gần bờ và lớn nhất trong cả ba, thoai thoải từ triền đỉnh đổ xuống là một lòng chảo cỏ phủ xanh um. Hòn thứ hai nằm ở giữa và bé nhất, cách hòn thứ nhất gần 200m và cách hòn thứ ba khoảng 100m. Xa đất liền nhất là hòn thứ ba, chính là Hòn Ông Căn, nơi đặt cột mốc của điểm cơ sở A9.
Hòn Ông Căn nằm trơ trọi giữa biển, 4 mặt là vách đá sóng vỗ ầm ào. Sát mép biển là vỏ hàu cùng rêu bám chi chít trên đá, vừa sắc lẹm vừa trơn nhẫy. Chỉ có một điểm lên duy nhất và đã được xây thành bậc tam cấp. Với địa thế như vậy, nếu trời có gió thì sóng sẽ mạnh hơn, cano khó mà tiếp cận sát được, lại dễ bị va chạm, trầy xước. Đến đây thì tôi mới hiểu lý do anh Tịnh, chủ ghe quyết định chọn ghe để đi.
Chúng tôi rời ghe, chuyển sang thuyền thúng nhỏ để cập bờ. Con trai anh Tịnh chèo thúng, còn anh thì đứng trên bậc thang kéo chúng tôi lên. Sóng lắc lư khiến chiếc thuyền thúng chao đảo, phải khéo léo lựa khi con sóng vỗ vào gành đá, nước dâng lên, nâng theo thúng lên cao, chúng tôi mới nhảy lên được bậc thang. Anh Tịnh liên tục nhắc mọi người phải cẩn thận vì chỉ cần trượt chân là mặt “hôn” ngay vào đá.
Trèo qua 17 bậc thang dựng đứng, mỗi bậc cao khoảng 40cm, chúng tôi lên được bề mặt phẳng của hòn đảo này. Chếch qua phía tay phải là điểm cột mốc A9, nằm ở tọa độ 13°54’00″ vĩ Bắc, 109°21’00″ kinh Đông, cách điểm A8 (ở mũi Đại Lãnh, Phú Yên) khoảng 140km, cách điểm A10 (ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) khoảng 170km. Cột mốc được ốp đá granite, đặt trên một bệ tròn. Bên trên cả 4 phía cột mốc là hình quốc kỳ, bên dưới là hình đất nước trên nền trống đồng. Riêng mặt phía Đông còn có thêm các thông số về điểm cơ sở A9.
Từ đầu này đến đầu kia Hòn Ông Căn, chỗ dài nhất là hơn 200m, rộng gần 100m. Ở giữa có một khe rộng, sóng dội liên tục như muốn tách hòn đảo ra làm đôi. Ngay phía trên là một khối đá sừng sững cao khoảng 20m, gần điểm A9, hiên ngang như một cột mốc của thiên nhiên giữa biển. Thi thoảng tôi bắt gặp một vũng nước nhỏ giữa các phiến đá, dưới ánh nắng gay gắt đã kết tinh thành những hạt muối lấp lánh, mằn mặn. Tôi rất ngạc nhiên vì không nghĩ sóng biển có thể đánh cao đến tận đây.
Trên hòn đảo này, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã xây dựng điểm tọa độ quốc gia vào tháng 6-2017, số hiệu DH09. Dân địa phương cũng hay gọi Hòn Ông Căn là Hòn Cân, có lẽ vì chỉ có hòn đảo này mới đặc biệt nhất, đại diện cho cả cụm đảo Hòn Cân. Tuy nhiên, điểm này không được đưa vào khai thác du lịch, phần vì xa hơn một số điểm du lịch nổi tiếng khác như Kỳ Co, Hòn Sẹo; cũng không có bãi tắm để nghỉ ngơi; đặc biệt là việc cập đảo khá nguy hiểm, nhất là với trẻ em.
Nhưng với những người ưa khám phá và muốn tìm hiểu về chủ quyền lãnh hải, đây thực sự là một nơi rất thú vị. Đứng dưới cột mốc, đặt tay lên trái tim và cảm nhận một niềm tự hào lan tỏa, thấm đẫm từng dây thần kinh, như những xúc động mỗi lần đặt chân đến mỗi cột mốc khác nhau của tổ quốc. Nếu có thể, hãy thử một lần bạn nhé.
Theo Chương II, Điều 8, Luật Biển Việt Nam 2012: “Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố”. Từ Đường cơ sở này, có thể xác định phạm vi của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của nước ta.
Theo đó, đường cơ sở của Việt Nam là đường thẳng gẫy khúc nối liền 12 điểm, từ điểm số 0 (vùng biển Tây Nam) đến điểm số 11 (tại đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị). Tọa độ các điểm này được ghi trong phụ lục đính kèm Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ngày 12-11-1982.
Việt An