(SGTTO) - Năm 2018, lượng khách du lịch Việt Nam đến Ấn Độ đạt 31.408 người, tăng hơn 21% so với năm 2017 (23.771 người). Ở chiều ngược lại, tính đến cuối năm 2018, lượng khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam mà cụ thể là TP.HCM đạt gần 103.023 lượt, tăng 80,9% so với năm 2017 và chiếm khoảng 50% tổng số khách Ấn Độ đến Việt Nam. Dù vậy nhiều chuyên gia đánh giá những con số vẫn còn khá khiêm tốn và thấp hơn tiềm năng.
Tại sự kiện xúc tiến du lịch do Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tổ chức tại TP.HCM sáng 20-3, chủ đề: Lời kêu gọi “Đến với Ấn Độ kỳ thú 2019”, ông K. Srikar Reddy, Tổng lãnh sự Ấn Độ, cho biết với dân số hơn 1,3 tỷ, trong những năm qua số lượng người Ấn Độ đi du lịch nước ngoài ngày càng tăng mạnh. Riêng năm 2017, có hơn 23,94 triệu khách du lịch Ấn Độ đến nước ngoài, trong đó có khoảng 2 triệu người Ấn Độ đã đến thăm các nước ASEAN.
Tại thị trường Việt Nam, số lượng khách Ấn Độ đến du lịch đã tăng từ 33.000 người (2010) lên 110.000 người (2017), trung bình mỗi năm tăng 19%. Năm 2018, có 103.023 người Ấn Độ đã đến thăm thành phố Hồ Chí Minh, cao hơn 80,9% so với 56.954 du khách Ấn Độ đến TP.HCM năm 2017.
“Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO), khách du lịch nước ngoài từ Ấn Độ sẽ đạt khoảng 50 triệu vào năm 2020. Mặc dù số lượng khách du lịch đã cho thấy sự gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, nhưng vẫn thấp hơn tiềm năng vốn có”, Tổng lãnh sự Ấn Độ cho hay.
Giải thích nguyên nhân này, ông Lương Duy Ngân, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Ngôi Sao Mới, cho biết nguyên chính vẫn là phương tiện vận chuyển, hiện nay các chuyến bay từ Việt Nam sang Ấn Độ và ngược lại đều phải bay quá cảnh ở các nước khác, do thời gian bay dài mà đường bay không thuận tiện, chi phí đi lại cao nên ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu của khách hàng, làm giảm đi tính cạnh tranh và lợi thế.
“Giá vé bay quá cảnh hiện nay từ Hà Nội đi New Delhi khoảng 600 USD, với chi phí này thì ngang ngửa bay qua Úc, tôi thấy với thị trường Ấn Độ nên xem xét lại, nếu có đường bay thẳng thì chỉ có khoảng 4 tiếng, còn bay transit tầm 8-9 tiếng chưa tính thời gian chờ đợi”, ông Ngân cho hay.
Ông Ngân đưa ra ví dụ, hôm đầu tháng 3 năm nay có hai bạn trẻ là tỷ phú Ấn Độ đã thuê ba chuyến bay thẳng đến đảo Phú Quốc để làm lễ cưới, như vậy Việt Nam cũng cần phải chú ý khai thác sản phẩm “du lịch gia đình” này, đặc biệt là với Phú Quốc, vì hiện nay nhu cầu của các gia đình thích tìm đến những nơi đẹp, yên tĩnh trên đất nước Việt Nam để tìm tổ chức các sự kiện, nhất là quan tâm đến “đảo cưới”.
Còn ông Hoàng Đức Lâm, Giám đốc điều hành BYD Travel, cho biết BYD Travel là công ty chuyên về các tour học sinh tại Singapore và Malaysia, hiện nay đơn vị đang muốn mở rộng tại thị trường Ấn Độ, nhưng vẫn còn ít thông tin, vì từ trước đến nay thông tin về các tour học sinh Việt Nam sang Ấn Độ không nhiều, như vậy thì sẽ khiến cho phụ huynh và học sinh vẫn chưa an tâm. Đối với các tour học sinh, chi phí đối với khách hàng chưa quan trọng bằng việc chất lượng nơi con em mình sẽ học. Do vậy, ông Lâm mong muốn sẽ thêm những cuộc trao đổi, xúc tiến giữa hai nước nhiều hơn để có cơ hội trao đổi thông tin với các doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, ông Lâm cho hay Visa cũng là một vấn đề quan trọng, khách hàng đi công tác, đi học khác với khách đi du lịch, phải làm sao cho thuận tiện nhất.
Trong năm nay, ông K. Srikar Reddy cho biết để thúc đẩy du lịch song phương, gần đây các chính sách của cả hai chính phủ đều chú trọng về cung cấp thị thực điện tử cho khách du lịch và dự án hình thành chuyến bay trực tiếp của hãng hàng không Vietjet từ TP.HCM đến New Delhi.
Bên cạnh đó, để quảng bá xúc tiến du lịch hai nước Việt Nam - Ấn Độ, bà Sudeshna Ramkumar, Trợ lý Giám đốc, Văn phòng Du lịch Ấn Độ tại Singapore, cho hay Chính phủ xác định sự an toàn và an ninh của cả khách du lịch trong nước cũng như quốc tế khi đi du lịch ở Ấn Độ là ưu tiên hàng đầu. Đường dây trợ giúp du lịch miễn phí 24/7 bằng 12 ngôn ngữ quốc tế đã được ra mắt. Đường dây trợ giúp này hoàn toàn miễn phí thông qua số 1800-11-1363 hoặc trên mã ngắn 1363 để quay số ở Ấn Độ.
“Song song đó, Bộ Du lịch cũng đã thực hiện các bước để các tài xế, hướng dẫn viên và các bên liên quan khác thấm nhuần triết lý ‘Atithi Devo Bhava’, có nghĩa là ‘Khách hàng là Thượng đế’. Chính sách thị thực đơn giản tạo điều kiện dễ dàng cho du khách. Khách du lịch Việt Nam đang ngày càng ưa chuộng hình thức Thị thực điện tử và điều này sẽ duy trì sự tăng trưởng du lịch”, bà Sudeshna Ramkumar thông tin.
Ngô Kiếm