(SGTTO) - Để kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ các loài động vật hoang dã đang gặp nguy cấp và môi trường trước sự biến đổi của khí hậu, qua đó phát triển lối sống bền vững, một nhóm các nghệ sĩ, tình nguyện viên đã chung tay thực hiện một dự án vẽ tranh tường có chủ đề “Con đường nghệ thuật”. Toàn bộ bức tường của con đường Phan Liêm, quận 1, TPHCM giáp công viên Lê Văn Tám đã được thay chiếc áo mới.
Con đường nghệ thuật tại TPHCM nằm trong chương trình “Chuyến xe nghệ thuật hoang dã" với thời gian từ ngày 6-5 đến ngày 27-6 nhằm vẽ tranh tường với các thông điệp kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã tại những nơi công cộng trong tám thành phố của Việt Nam bao gồm Cà Mau, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Hạ Long, Móng Cái và TPHCM để thu hút người dân địa phương và khách du lịch tham quan, trải nghiệm.
“Chuyến xe nghệ thuật hoang dã" là sự kết hợp sáng tạo giữa nghệ thuật đường phố và các hoạt động tương tác, giao lưu với các địa phương nhằm truyền cảm hứng cho cộng đồng, lãnh đạo địa phương và đặc biệt là giới trẻ về việc ngừng tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã và cam kết bảo vệ những loài này khỏi nguy cơ tuyệt chủng, chú trọng vào ba loài voi, tê giác và tê tê.
Vì những lời đồn vô căn cứ về tác dụng y học cũng như niềm tin của con người vào các sản phẩm của động vật hoang dã, hằng năm có khoảng 1.000 con tê giác bị giết để lấy sừng, 33.000 con voi bị giết để lấy ngà, 100.000 con tê tê bị giết để lấy vảy và thịt... Thông qua “Chuyến xe nghệ thuật hoang dã”, CHANGE và WildAid muốn truyền tải thông điệp về bảo vệ động vật hoang dã được lan tỏa rộng khắp các địa phương trong cả nước để mọi người có thông tin đầy đủ hơn cũng như hiểu rõ sự cần thiết của việc bảo vệ động vật hoang dã.
Các nghệ sĩ và tình nguyện viên tham gia vẽ tranh tường tại đường Phan Liêm, quận 1.
TPHCM là điểm đến cuối cùng và cũng là điểm đến tổng kết hành trình xuyên Việt trong hơn một tháng vừa qua của “Chuyến xe nghệ thuật hoang dã”. Ngoài các thông điệp kêu gọi bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, hoạt động vẽ tranh tường tại điểm TPHCM với tên gọi “Con đường nghệ thuật” sẽ được mở rộng thêm với các chủ đề về biến đổi khí hậu và phát triển lối sống bền vững với sự tham gia của các nghệ sĩ, đối tác và các tình nguyện viên.
Phan Liêm là con đường nằm song song với công viên Lê Văn Tám, nối liền hai trục đường lớn Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ và có lượng xe máy, ô tô di chuyển nhiều, đặc biệt là trong những giờ cao điểm nên các thông điệp môi trường trên “con đường nghệ thuật” được kỳ vọng sẽ nhận được sự chú ý của nhiều người hơn.
Toàn bộ bức tường phía công viên Lê Văn Tám đã được thay màu áo mới bằng tranh tường.
Sau đây là những hình ảnh tại tuyến đường Phan Liêm, quận 1.
Đỗ Hoa